Sức sống trường tồn

SONG ANH 26/09/2016 09:42

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 140 năm Ngày sinh Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng, cuối tuần qua, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Huỳnh Thúc Kháng với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Nam”.

Vai trò của cụ Huỳnh Thúc Kháng với cách mạng Việt Nam được hội thảo tập trung làm rõ từ một chí sĩ yêu nước nhiệt thành đến nhà lãnh đạo tài năng, một nhà hoạt động văn hóa xuất sắc, một người cả đời “chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”. Như lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trong điếu văn tại tang lễ cụ Huỳnh Thúc Kháng: “Đời người như cụ sao mà đầy đủ đến thế, vẹn toàn đến thế, tốt đẹp đến thế”…

Lòng yêu nước - sợi chỉ xuyên suốt

GS-TS. Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trong lời đề dẫn hội thảo đã khẳng định: “Cụ Huỳnh Thúc Kháng là gương mặt tiêu biểu của phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX. Cuộc đời cụ Huỳnh Thúc Kháng là tấm gương của tinh thần yêu nước và cách mạng của một bậc đại trí thức yêu nước nhiệt thành, đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, cả cuộc đời phấn đấu vì nước, vì dân đến hơi thở cuối cùng”.

Hội thảo khoa học “Huỳnh Thúc Kháng với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Nam” tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: SONG ANH
Hội thảo khoa học “Huỳnh Thúc Kháng với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Nam” tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: SONG ANH

Phần lớn các tham luận trình bày tại hội thảo đều tập trung làm nổi bật tinh thần yêu nước cùng những dấu ấn từ thời tuổi trẻ cho đến khi cụ Huỳnh trút hơi thở cuối cùng trên đường kinh lý miền Nam. Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho rằng: “Hội thảo là dịp để chúng ta trưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của cụ Huỳnh Thúc Kháng đối với sự nghiệp cách mạng dân tộc Việt Nam”. Từ hội thảo, rất nhiều câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp cụ Huỳnh, từ tinh thần yêu nước, đến người tiên phong mở đường và thức tỉnh hồn nước, nhà hoạt động văn hóa xuất sắc, nhà lãnh đạo tài ba… được lần giở trở lại.

Chủ nghĩa yêu nước, sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng được xác định là nhân tố quan trọng nhất chi phối cuộc đời hoạt động của cụ. Cụ Huỳnh đã từng xác quyết như vậy bằng những lời đanh thép khi sáng lập tờ báo Tiếng Dân với tôn chỉ nói lên tiếng nói của dân, đấu tranh quyết liệt trong tất cả bài báo của mình để tố cáo chế độ thực dân, phong kiến… Và cũng theo các nhà nghiên cứu tại hội thảo, chủ nghĩa yêu nước của cụ Huỳnh Thúc Kháng được đơm hoa kết trái, phát triển đỉnh cao từ sau Cách mạng Tháng Tám. Cụ hào hứng trước vận mệnh mới của đất nước, nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia bộ máy nhà nước, kiên định, kiên trung trong việc điều hành bộ máy nhà nước còn non trẻ thời bấy giờ.

Minh họa rõ ràng nhất cho khả năng lãnh đạo tài ba của cụ Huỳnh chính là vụ án ở phố Ôn Như Hầu, Hà Nội, trấn áp bọn phản cách mạng. Viện trưởng Viện Lịch sử công an - Thiếu tướng, PGS-TS. Nguyễn Bình Ban chia sẻ: “Là người yêu nước và chuộng công lý, khi xảy ra vụ án Ôn Như Hầu, nắm bắt được âm mưu của địch, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã sâu sát chỉ đạo lực lượng công an những công việc phải làm. Tuy có thái độ kiên quyết trấn áp bọn phản dân hại nước, nhưng cụ Huỳnh rất thận trọng trong việc chỉ đạo lực lượng công an sử dụng các biện pháp đánh địch. Theo cụ, nếu không có chứng cứ rõ ràng mà trấn áp loại bỏ Việt Quốc, Việt Cách thì không những không làm được mà còn ảnh hưởng đến Mặt trận đoàn kết dân tộc”.

Chí khí Quảng Nam

Một phần đáng chú ý tại hội thảo và nhận được khá nhiều đóng góp từ những người con quê hương cụ Huỳnh, với việc xác định những tác động, sức ảnh hưởng của vùng đất “địa linh nhân kiệt” đến việc hình thành cốt cách, chí hướng của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Ông Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nói: “Tinh thần ái quốc của cụ Huỳnh mang đậm truyền thống yêu nước của người Quảng Nam, sĩ phu Quảng Nam”. GS-TS. Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: “Cụ Huỳnh Thúc Kháng chính là một người con ưu tú của quê hương Quảng Nam. Cụ đã kế thừa và phát triển đức tính hiếu học của quê hương, nơi nổi danh với các danh xưng “ngũ phụng tề phi”, tứ kiệt, tứ hổ, ngũ tử đăng khoa… Những di sản tinh thần của quê hương xứ Quảng và chất Quảng Nam được cụ Huỳnh Thúc Kháng nâng niu, giữ gìn, đồng thời còn phát triển và làm cho đậm đà hơn, nâng cao với một chất lượng mới, tạo sức sống trường tồn”.

Từ chí khí Quảng Nam, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã trở thành một con người có “ức vạn người noi theo”. Và tại hội thảo, một lần nữa sự gặp gỡ của hai nhân cách, hai tư tưởng lớn Huỳnh Thúc Kháng và Hồ Chí Minh nhận được nhiều phân tích của các nhà nghiên cứu. Theo GS-TS. Mạch Quang Thắng, không phải ngẫu nhiên mà Hồ Chí Minh lại sử dụng những người của chế độ chính trị cũ, những nhân sĩ trí thức để phục vụ cho sự nghiệp của chế độ chính trị mới. Huỳnh Thúc Kháng là một con người cũ, một nhân sĩ trí thức yêu nước nhiệt thành nhưng không theo xu hướng cộng sản. Ấy thế mà Hồ Chí Minh, bằng những lý do rất chính đáng, đã đưa Huỳnh Thúc Kháng vào guồng máy kháng chiến, kiến quốc của nước Việt Nam mới. Táo bạo hơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho cụ Huỳnh Thúc Kháng chức Quyền Chủ tịch nước gần 5 tháng trời, khi Người sang Pháp. Từ điều này, có thể thấy Hồ Chí Minh đã trở thành quán quân trong suốt cả chiều dài lịch sử cách mạng Việt Nam về nghệ thuật dùng người.

Kết thúc hội thảo, GS-TS. Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhìn nhận, qua gần 60 tham luận, hội thảo đã làm rõ về thân thế và sự nghiệp, cuộc đời quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng, từ nhiều góc độ khác nhau và bằng những lý giải khoa học, trong đó có những tư liệu mới. “Các tham luận đã khẳng định cụ Huỳnh Thúc Kháng là tấm gương sáng của một nhân cách cao đẹp, không màng danh lợi, không sợ gian khổ, hiểm nguy mà đầy nhiệt huyết yêu nước, hành động vì nước vì dân, suốt cuộc đời hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Di sản tư tưởng và tấm gương đạo đức sáng ngời của cụ Huỳnh Thúc Kháng là nguồn cổ vũ động viên cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam thực hiện thắng lợi công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương”.

SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sức sống trường tồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO