Còn mùi để nhớ, còn thứ để thương

TỐNG PHƯỚC BẢO 02/10/2022 07:13

Tôi đọc “Mùi nhớ” (NXB Hội nhà văn) giữa một chiều Sài Gòn mưa vần vũ. Mưa trút muộn phiền của những ngày nắng gắt vào đất. Hơi đất bốc lên mùi nồng ngái. Mùi đất nhắc nhớ những ngày tháng cũ cho những đứa xa quê thèm xứ.

Bìa tập sách “Mùi nhớ”
Bìa tập sách “Mùi nhớ”

Nghe mùi thương nhớ...

“Mùi nhớ” tập hợp hơn 30 bài tản văn đong đầy những luyến thương, đậm đà cảm xúc. Từ chất liệu ký ức trong mỗi tác giả tham gia cuốn sách mà độc giả dường như tìm thấy chính những hình ảnh của mình trong từng câu chuyện.

Lưu Đình Long, chàng trai chủ biên tập sách nhỏ này vốn quê Quảng Nam, bước đường phiêu bạt mưu sinh khiến bàn chân anh ghé lại với đất Sài Gòn. Anh chàng đã xuất bản nhiều tập sách cho riêng mình, hầu hết tác phẩm của Long đều chủ đích nói về sự thong dong sống, về duyên hạnh ngộ của niềm an lạc.

Câu chữ của Long như một sự chữa lành cho rất nhiều tâm hồn đang chênh vênh giữa cuộc đời nhọc nhằn xoay vần cơm áo gạo tiền. Đây là lần đầu tiên Lưu Đình Long đứng ra làm một tập sách với vai trò chủ biên. Hôm cầm cuốn sách trên tay, Long thở phào nhẹ nhõm bởi cuối cùng “Mùi nhớ” đã hiện diện bằng hình hài một cách đầy đặn và được đón nhận nồng ấm từ phía bạn đọc.

Tác giả Như Hiền, cô gái Quảng Nam đang lập nghiệp ở đất Sài Gòn mở đầu “Mùi nhớ” bằng sự thao thiết của “Hương quê” mùi đất. Chính cái mùi ngai ngái, nồng nồng của đất quê sau hơn chục năm bôn ba xa xứ khiến chuyến về quê của cô trở nên thương tưởng ray rứt. Kỷ niệm ngày xưa theo đó mà dậy sóng lòng. Nhìn đâu cũng thấy mình trong từng bờ ruộng, đồng cỏ, gốc cây…

Ngay cả cái mùi bùn đất mới xới lên sau những đường cày cũng đủ để khiến người con xứ Quảng bất giác thấy mình nợ quê một ân tình cao dày. Mùi đất quê là một thứ mà thị thành phồn hoa chẳng thể nào có được. Nó như mùi bản xứ, mùi cố hương nhắc nhớ bất cứ đứa con biền biệt xa quê cỡ nào cũng phải quay về để tìm trong cũ càng những yêu thương nguồn cội.

Dự án sách “Mùi nhớ” được nhà báo Lưu Đình Long khởi xướng nay đã thành hình hài bằng một tập sách đong đầy cảm xúc. Câu chữ trong “Mùi nhớ” trả lại cho chúng ta những lắng đọng và thảnh thơi nhất.

Ngồi xuống cùng nhau, nghe niềm thương tưởng nối liền nhiều miền thời gian, nhiều vùng đất, nhiều con người và nhiều mùi nhớ. Soi mình qua mùi nhớ đó, thấy đời lại có thêm những mùi nhớ quen bên bao người lạ. Chẳng có đường biên nào cho mùi nhớ cả. Tất thảy những mùi nhớ đều có chung một điều khiến con người ta gắn kết. Đó là thương. Đời còn giữ lấy cho mình mùi để nhớ đó là lòng mình còn có một thứ để thương.

Hồn quê neo lại

Ở đâu thì cũng vậy, nhớ thương những điều mòn cũ luôn là thứ gói gọn trong ký ức, chỉ chờ những cơn mưa, chờ những mùa gió, chờ những tín hiệu thân quen nào đó lại dậy sóng lòng mình những thương tưởng xa xăm mang tên: hồi đó. Đâu phải chỉ mùi đất, đời này còn trăm thứ mùi khiến người ta bời bời nỗi nhớ.

Như tác giả Nguyễn Văn Công (Hà Nội) trong bài viết “Nhớ mùi cám lợn đương sôi” của mình, chàng trai trẻ chẳng thể hiểu nổi giữa những mâm cao cỗ đầy nơi thành phố lòng mình đôi khi vẫn nhớ quay quắt mùi cám lợn ùng ục sôi của tuổi thơ cơ hàn.

Chính nồi cám lợn ấy là thứ hành trang theo chàng trai trẻ vào đời và nhắc nhớ về sự yêu thương gia đình làm nền tảng của sung túc và sum vầy sau này. Chúng ta ai rồi cũng sẽ nếm trải nhiều vị ngon thứ lạ trên đời duy chỉ có thứ mùi vị song hành với tuổi thơ là thứ khó thể phai mờ trong tâm trí.

Tỉ như mùi khói đốt đồng chiều rạ cũ; mùi gạo sôi bếp cơm chiều hôm má nấu; mùi lúa trổ đòng ngọt ngào thanh khiết; mùi hoa bưởi, mùi hoa cau mỗi độ vườn nhà đương trổ bông; hay cái mùi bùn non ngai ngái mỗi bận nước ròng; mùi bồ hóng bên chái bếp xưa cũ ẩm mốc theo dấu thời gian... Mùi nào thì cũng nhớ.

Nhà văn, nhà báo Bùi Tiểu Quyên mang đến cho độc giả bài viết “Còn thương rơm rạ đồng chiều” đầy rưng rức. Cảm xúc chính là thế mạnh của cô gái trẻ này. Câu chữ nhẹ nhàng, lối viết uyển chuyển, cùng với những điều thân thương bình dị mà bất cứ ai trong đời đều xốn xang mỗi khi nghe nhắc đến. Miền yêu thương của cô gái nhỏ hay trốn vào cái “hốc bà tó” là những đống rơm để dệt nên những vùng trời cho riêng mình.

Những mùi nhớ như mớ hành trang theo chúng ta vào đời. Để mỗi khi lòng chênh chao, gieo neo con người ta lại vịn vào mùi nhớ ấy mà thao thiết quay về. Về để thêm thương những điều cũ càng; về để thấy đời mình chẳng thể lớn khôn nếu thiếu bản xứ, vị xưa, mùi cũ.

Tất cả như một dòng máu ấm nóng nuôi nấng mình sống trọn với những điều tử tế thiện lành. Nghĩa nhân đời người đôi khi chỉ là tâm thức biết nhớ một thứ mùi nào đó để nhắc mình biết yêu thương gốc tích, thế thái, cuộc đời. Yêu và được yêu. Thương và sẽ thương. Đôi khi chỉ từ một thứ mùi đầy ấn tượng khắc sâu.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Còn mùi để nhớ, còn thứ để thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO