Đà Nẵng qua ảnh của Ông Văn Sinh

TRẦN TRUNG SÁNG 19/06/2022 04:44

Những bức ảnh Đà Nẵng xưa và nay được nghệ sĩ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh thu vào ống kính, lưu giữ gần như trọn vẹn, là nguồn tư liệu quý giá trong hành trình đổi thay của thành phố...

Đà Nẵng qua góc máy của Ông Văn Sinh.
Đà Nẵng qua góc máy của Ông Văn Sinh.

Giữa tháng 6.2022, Hội nhiếp ảnh TP.Đà Nẵng phối hợp cùng Thư viện Khoa học tổng hợp TP.Đà Nẵng tổ chức ra mắt tập sách ảnh “Đà Nẵng - Ký ức và Hiện tại” của nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Ông Văn Sinh tại Thư viện Khoa học Tổng hợp (46 đường Bạch Đằng, Đà Nẵng).

Sách dày 120 trang, khổ 25x25cm, do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành, bao gồm hơn 100 bức ảnh chọn lọc qua quá trình lao động nghệ thuật cả đời cầm máy hơn 50 năm của tác giả.

Qua miền ký ức

Tập sách chia thành hai phần, trình bày bắt mắt, theo phương pháp chọn lọc đối xứng xưa - nay, ký ức - hiện tại, dẫn dắt người thưởng ngoạn cảm nhận toàn diện về Đà Nẵng trong hành trình lột xác và bứt phá hiện đại như hôm nay.

Không phải ngẫu nhiên ở ngay phần đầu tiên tập sách, tác giả đã kèm theo đoạn văn diễn giải hai câu ca “Đứng bên ni Hàn ngó qua bên tê Hàn nước xanh như tàu lá/ Đứng bên tê Hàn, ngó bên ni Hàn, thấy phố xá thênh thang”.

Tác giả viết: “Sự khác biệt giữa hai bờ đông - tây bên sông Hàn quá lớn đến nỗi dù ở ngay giữa lòng đô thị nhưng người dân bờ đông mỗi lần qua bờ tây sông Hàn thường nói qua phố hay qua Đà Nẵng.

Những khu nhà chồ dọc bờ đông sông Hàn đã được phá bỏ, những con đường cát chỉ vừa một người đi, những làng chài tạm bợ dọc bờ biển Mỹ Khê, Mân Thái, Thọ Quang, bến phà Hà Thân, Cầu Vồng đường Thống Nhất không còn, nhường chỗ cho những dãy phố, những đại lộ được mọc lên trong ký ức của người dân Đà Nẵng… ”.

Nhiếp ảnh gia Ông Văn Sinh bên cuốn sách. Ảnh: THANH TRẦN
Nhiếp ảnh gia Ông Văn Sinh bên cuốn sách. Ảnh: THANH TRẦN

Chính vì vậy, tập sách “Đà Nẵng - Ký ức và Hiện tại” là câu chuyện kể bằng hình, sinh động, thú vị và đầy xúc cảm. Nơi ấy, là cuộc sống trên sông nước của người Đà Nẵng cách đây 42 năm, trên những ngôi nhà chồ.

Nơi ấy, hàng ngày trẻ em đi học phải ngang qua những tấm ván gỗ nối dài trên mặt nước; làm bài tập, vui chơi trên bờ đá gập ghềnh, trên những chiếc thúng chai giữa gió và cát…

Nơi ấy, chúng ta còn gặp lại những buổi chợ cá sớm, mùa tép tươi, có khi là công việc chuẩn bị cho chuyến đi biển, vá lưới, phơi lưới của ngư dân...

Còn khung cảnh phố thị của Đà Nẵng hôm qua, phần lớn chỉ nhà thấp tầng, hai điểm nhấn cao nhất thành phố có thể được xem là nhà thờ Con Gà (đường Trần Phú) và chùa Tam Bảo (đường Phan Châu Trinh)… Để rồi, sau 25 năm kể từ ngày 1.1.1997, những dãy phố, những cây cầu hiện đại được mọc lên.

Trong góc nhìn của NSNA Ông Văn Sinh, thành phố của những cây cầu hiện lên lung linh. Ấy là cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Thuận Phước, cầu sông Hàn nối những bờ vui.

Dọc bờ biển Thanh Bình ngày nào, nay là đại lộ Nguyễn Tất Thành nối cảng Tiên Sa đến Nam Ô với quốc lộ 1 tạo nên con đường ven biển đẹp nhất Việt Nam. Những bức ảnh panorama trải dài cả hai trang sách đem lại những góc nhìn về thành phố tuyệt đẹp.

“Để chụp ảnh toàn cảnh phải lựa ngày trời xanh trong, nhất là sau cơn mưa mới đẹp được. Có hôm đang đưa gia đình đi tắm biển, thấy trời đẹp quá đành bỏ ngang chạy về vác máy đi. Cũng có bức phải đi năm lần bảy lượt mới ưng ý” - NSNA Ông Văn Sinh chia sẻ.

Nguồn tư liệu quý

NSNA Ông Văn Sinh nguyên là Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng, hội viên Hội NSNA Việt Nam từ năm 1984. Khởi đầu, từ năm 1968, ông đã tiếp cận với máy ảnh và sau đó làm việc trong một phòng chụp, chuyên chụp ảnh chân dung, giấy tờ cho người dân.

Sau ngày hòa bình, ông công tác tại Sở VH-TT Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), đảm nhiệm việc chụp ảnh tuyên truyền, tư liệu. Nhờ cơ duyên đó, ông sớm có điều kiện, đi lại thâm nhập nhiều nơi để ghi hình phong cảnh, đất nước, con người xứ Quảng…

Năm 1990, ông đã có triển lãm cá nhân đầu tay với chủ đề “Hoa xương rồng”. Năm 2011, ông cho ra mắt tác phẩm sách ảnh “Đời nón, đời người” do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành, gồm hơn 70 tác phẩm, nhân kỷ niệm 36 năm ngày giải phóng Đà Nẵng.

Với “Đà Nẵng - Ký ức và Hiện tại”, ông cũng dự định ấn hành dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng quê hương vào năm 2025. Nhưng nay đã ở tuổi 70, người nghệ sĩ già ấy “sợ có gì bất trắc thì không biết kho ảnh quý sẽ ra sao”. Bởi đây là toàn bộ tâm huyết của ông trong hành trình hơn 50 năm cầm máy. Và như vậy, “Đà Nẵng - Ký ức và Hiện tại” ra mắt sớm hơn dự định.

Để có được những tấm ảnh quý đến tay bạn đọc là cả quá trình săn ảnh cũng như bảo quản trong thời gian dài. Chính vì công phu trong tập hợp và bảo quản, nên NSNA Ông Văn Sinh mong muốn đóng góp vào kho tư liệu ảnh của thành phố.

“Tất cả bức ảnh ký ức Đà Nẵng của tôi hiện được sử dụng tại Bảo tàng Đà Nẵng. Thời gian tới, sau khi thực hiện triển lãm ảnh từ bộ sách ảnh “Đà Nẵng - Ký ức và Hiện tại”, tôi mong muốn trao tặng bộ ảnh này cho ngành văn hóa Đà Nẵng để sử dụng trong hệ thống bảo tàng của thành phố, hay phục vụ quảng bá hình ảnh Đà Nẵng” - NSNA Ông Văn Sinh tâm sự.

Được biết, nhiều tác phẩm ảnh của Ông Văn Sinh đã được Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng làm tư liệu, Bảo tàng Đà Nẵng sử dụng để tái hiện mô hình nhà chồ…

Bà Nguyễn Thị Trinh - Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, cho hay dự kiến sẽ có kế hoạch triển lãm ảnh trong cuốn sách “Đà Nẵng - Ký ức và Hiện tại” của Ông Văn Sinh vào năm 2023, bởi cuốn sách không chỉ có giá trị về mặt xã hội mà còn có giá trị nghệ thuật.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đà Nẵng qua ảnh của Ông Văn Sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO