Góc phố ba người và ai nữa?

LÊ TRÂM 26/06/2022 10:16

Đọc “Góc phố ba người” của Nguyễn Mỹ Nữ (NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, 2022), hình như không chỉ có “ba người” mà còn khá nhiều người nữa, tiềm ẩn đâu đó quanh ta…

Bìa tập sách “Góc phố ba người”.
Bìa tập sách “Góc phố ba người”.

Nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ quê Hà Nam, chào đời ở Quảng Ngãi và gắn bó với thành phố biển Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) từ thời thơ ấu, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Chị đã in các tập truyện ngắn: “Những câu kinh chấp chới”, “Tiếng hát liêu điêu”, “Thế gian không phút thứ sáu”, “Góc phố ba người”; nhiều tập truyện cho thiếu niên và tạp văn như: “Mắt núi”, “Món quà của mùa hè”, “Theo một người về biển”, “Nến, bờ sông và aucoustic”...

1. Tôi biết nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ trong lần cùng gặp nhau ở Huế để ra mắt tập truyện ngắn “Buffet truyện ngắn miền Trung” năm 2010 của các nhà văn miền Trung. Đó là một người dễ mến, ít nói, trông hiền hiền.

Nhưng nhìn vào mắt chị cảm thấy như đang ẩn giấu nhiều nếp sóng. Sau đó, biết chị vẫn chuyên cần sáng tác, các truyện xuất hiện đều đặn trên các báo Thanh Niên, Văn Nghệ, Văn Nghệ quân đội và các tạp chí chuyên ngành văn học nghệ thuật khác.

Có lần trả lời phỏng vấn chị tâm sự: “Khi viết tôi bao giờ cũng đòi hỏi rất cao ở chính mình. Với văn chương, tôi chưa bao giờ phải nặng lòng bởi hai từ “bí quyết” và cũng chẳng hề đặt nặng chuyện thành công hay thất bại. Chỉ nghĩ đơn giản: độc giả nhận ra và nhớ đến tác giả nào đó chính là ở những nét rất riêng, ở giọng điệu của chính cây viết này”.

Thế giới nghệ thuật của Nguyễn Mỹ Nữ là thế giới bình dân. “Thế giới nghệ thuật của Nguyễn Mỹ Nữ không sinh ra để hứa hẹn cứu giúp hay sửa chữa ai, sửa chữa cái gì. Nhưng sức sẻ chia nâng đỡ con người của nó thì vô cùng tận. Bởi nó có ở mọi nơi, ở trong mỗi con người, thường thì bị khuất đi sau những nhọc nhằn khốn khó và họ cũng không tự biết” (Văn Anh).

Tập sách thứ 8 của chị - “Góc phố ba người” là sự tiếp tục và càng ghi nhận đậm nét thế giới ấy. 15 truyện ngắn xinh xắn gói gọn trong 132 trang in, những câu chuyện trong thế giới nghệ thuật Nguyễn Mỹ Nữ dường như đã được dồn nén hết mức, góp phần phơi bày những số phận gần như tồn tại “bên lề” cuộc sống. Vì thế đọc rất day dứt, đôi khi phải dừng lại để có được sự bùng vỡ cho hết những nỗi niềm bị nén chặt.

Nhà văn tiết lộ với tôi: “Góc phố ba người” là câu chuyện có thật đến 70%, được viết theo đơn đặt hàng của một tờ báo. Ban đầu có tên “Giao thừa và bạn”. Viết một hơi với xúc động bắt ngợp rồi chỉnh sửa thêm. Là truyện khiến mình ám ảnh nhất.

Giờ, vẫn thế… Cuộc đời của mình không bằng phẳng và đó lại là điều may mắn, vì có nhiều cơ hội gần gũi với đủ hạng người, để thấu hiểu sẻ san.

Chị Quế Hương nói đọc mình thấy ngay một chữ THƯƠNG. Vân Hạ cũng nói đúng văn phong nửa ngậm ngùi nửa lãng mạn pha giang hồ phá phách. Khi viết mình ít trọng cốt truyện và luôn luôn bị dẫn dụ bởi không gian và chi tiết. Như bây giờ…”.

2. Một tôi, một Hạnh “đã sống cùng bạn tôi, có trên hai năm trời ở một nông trường. Cô ấy làm đơn tình nguyện lên đấy vì thất tình, đến… trên một lần. Và, theo Vy, như thế là hết sức thảm hại/ Khoảng thời gian đó, nhắc đến công nhân nông trường nhiều người chợn” (Góc phố ba người).

Nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ.
Nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ.

Truyện bắt đầu và bày ra những dự báo về các biến động dữ dội phủ lên số phận ba người suốt mấy chục năm sau. Ai may mắn, ai rủi ro… chẳng thể nào dự báo trước, chẳng thể nào lần ra.

Mọi thứ bùng vỡ khi Hạnh một thân một mình không chốn nương thân, không tiền bạc, sinh con ngay đúng tối giao thừa. Vy trốn nhà chồng đến nhà báo tin cùng nhân vật xưng tôi rằng vừa đưa Hạnh đi sinh vì Hạnh chẳng có ai.

Vừa dúi ít tiền lẻ, Vy nói: “Tao chỉ có ngần này. Mà… mà không thể bỏ mặc nó được. Mày độc thân vẫn dễ xoay xở hơn” (trang 39). Cô gái còn lại giữa đêm giao thừa trốn mẹ đưa bạn đi sinh rồi “từ khoa sản về thẳng nhà mình xông đất, rất sớm… điều này thật kinh khiếp và nếu mẹ biết chẳng biết điều gì đã xảy ra” (trang 39).

Hạnh trốn bệnh viện và nương nhờ ở một chái hiên nhà mụ Hằng. Ở đó, ba người bạn đã “ăn một cái tết” nhớ đời trong sự tủi buồn cùng cực của kiếp người. Nhưng với cả ba và cả đứa bé nữa là những giây phút hạnh phúc.

Sau này, lại tiếp nối bao nhiêu biến động khác làm thay đổi số phận cả ba; cũng như đứa bé ra đời giao thừa ấy, người gọi thằng Đen, người bảo tên Rẫy, người lại bảo nó là Giao Thừa!

Có những câu chuyện như thầm thì nhưng lại kéo dài đến cả/ hơn một đời người. Không một lựa chọn nào dứt khoát như trong “Khẽ và thầm” với những băn khoăn.

“Người đàn ông có những điểm chung, đủ, để ở với nhau không khập khểnh. Và dăm ba thứ khác biệt, đủ, để bù đắp cho nhau cân bằng. Cộng với những hấp lực nhiều ma mị, vô hình mà sừng sững, úp chụp và trùm phủ lên tôi trong những cuống cuồng khao khát tuổi xế chiều…”. Mà, liệu đã đủ chưa cho một quyết định?

Thấy rất nhiều lãng đãng, bàng bạc lẫn nhấm nhẳng trong “Hát”, “Diễn”, “Rượu và sương”… Có cả những nét truyện được giấu rất kín và chỉ bùng ra khi đọc các trang văn cuối cùng, kiểu trong “Điều may mắn cuối cùng”. Truyện Nguyễn Mỹ Nữ dùng rất nhiều dấu phẩy để ngắt câu. Đọc, dễ liên tưởng đến thơ Du Tử Lê. Âu cũng là phong cách của văn chị.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Góc phố ba người và ai nữa?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO