Mây của trời hãy để gió mang đi

NGUYỄN THỊ DIỆU HIỀN 22/05/2022 07:40

Khi những ám ảnh kinh hoàng của đại dịch Covid-19 lắng xuống, tôi mới dám mở đọc “Phía tây thành phố” của bác sĩ Lê Minh Khôi. Lời của người từ “tuyến lửa”, hẳn sẽ nóng hổi tính thời sự. Nhưng 47 tản văn ngắn trong cuốn sách này còn hấp dẫn bởi đó là những thông điệp mang ý nghĩa sâu sắc về cuộc sống.

Bìa tập sách “Phía tây thành phố”.
Bìa tập sách “Phía tây thành phố”.

Từ tuyến đầu chống dịch…

“Phía tây thành phố” là cách gọi của tác giả và đồng nghiệp về Bệnh viện dã chiến số 10, thuộc trung tâm hồi sức Covid-19 đóng trên địa bàn quận Bình Tân (TP.Hồ Chí Minh) giữa mùa đại dịch.

Tầng điều trị cao nhất trong tháp điều trị Covid-19 là mặt trận không có tiếng súng nhưng vô cùng khốc liệt. Ba tháng trải nghiệm thấm thía này là “một phần đời không ai muốn trải qua, nhưng khi đã trải qua, đó sẽ mãi mãi là một khối hổ phách vàng tươi lưu giữ những thỏi thời gian hóa thạch, óng ánh sắc màu” (Ngày thành phố bình thường).

“Phía tây thành phố” là trang viết trong khoảng lặng hiếm hoi giữa hiểm họa bủa vây, giữa áp lực những ngày cao điểm, giữa âm thanh xao xác của tiếng còi xe cấp cứu, tiếng máy thở và áp lực đêm trắng đến kiệt sức của các y bác sĩ. Mỗi tản văn là một “lát cắt” cuộc sống đầy cảm xúc.

Từ “Bệnh nhân covid đầu tiên của tôi”, “Sài Gòn qua kính xe cấp cứu”, đến những gương mặt thanh xuân sẵn sàng đi vào tuyến lửa, tác giả như thì thầm với bạn đọc về nỗi lòng của người bác sĩ trước lằn ranh sinh tử của bệnh nhân, về những kiếp người nhỏ bé giữa mùa giãn cách hay niềm tự hào, yêu quý đồng nghiệp như BS Ngọc, BS Thuận, BS Nguyệt Anh… mà anh gọi là những hạt phù sa đằm địa thầm lặng dâng hiến thanh xuân rực rỡ cho đời. Và mỗi tản văn dịu dàng này, dù đầy xốn xang, vẫn luôn phập phồng hơi thở của niềm lạc quan, như long lanh bụi nắng, tiếng gà gáy sớm, hay câu hát ngân vang về góc phố dịu dàng…

Nỗi buồn lấp lánh nhân văn

Đọc “Phía tây thành phố”, độc giả sẽ “gặp” bác sĩ Khôi không viết nhiều về công việc, nhưng mỗi cuộc gặp gỡ với bệnh nhân đều là một dấu ấn. Mỗi bệnh nhân đến với bác sĩ đều mang cho anh nhiều day dứt, đặc biệt là những người nghèo. Một cô bé đôi mắt buồn mênh mông, một chú bệnh tim mà còn ung thư đường mật hay người phụ nữ trong chiều Cam Phước Đông…

Hồn nhiên. Ảnh: HUỲNH HÀ
Hồn nhiên. Ảnh: HUỲNH HÀ

Ôi những nỗi buồn xa vắng không hồi kết về thân phận con người. Ngẫm cho cùng, con người, sự sống và cái chết như một lẽ tự nhiên của vũ trụ đại bất định. Chết sinh học hay chết mòn, cái chết tâm hồn?

Làm thế nào để sự sống thực sự có ý nghĩa? “Không đề với Sài Gòn”, “Bất định tháng Mười hai”, “Trên đôi cánh thiên di”, “Chết là một công việc triệt để cô đơn”… là sự trải lòng, cũng là lời tự vấn đầy day dứt của người thầy thuốc “có cơ hội đối diện với mong manh của kiếp người, những đớn đau về thể chất, góc khuất của tâm hồn và cả cái chết…”.

Sức hấp dẫn của tản văn Lê Minh Khôi là cách viết rất tự nhiên, trầm tư mà tài hoa. Từ “Những sườn núi lấp lánh” đến “Phía tây thành phố”, bạn đọc sẽ nhận ra tâm hồn nghệ sĩ sống thật sâu với rung cảm tinh vi và liên tưởng hết sức phong phú trong từng khoảnh khắc của cuộc sống.

Cơn mưa thầm thĩ ở Di Linh; đóa trà mi tình cờ; một giai điệu da diết và lãng mạn của Andrea Bocelli, bầu trời xanh; hay chỉ là cái gàu mộc mạc…, tất cả đều có thể là cảm hứng cho những tản văn đẹp nao lòng, đọc rồi vẫn muốn đọc lại nhiều lần.

Nhà thơ người Áo Rainer Maria Rilke viết: “Nơi đây có nhiều cái đẹp, bởi cái đẹp có nhiều ở khắp mọi nơi”. Cũng có thể nhận xét như vậy khi đọc tập tản văn “Phía tây thành phố” của bác sĩ Lê Minh Khôi.

Cái đẹp dịu dàng trong từng câu chữ, dù tác giả tâm sự rằng, anh “không có bất cứ lập ngôn nào về việc viết văn”. Hơn thế nữa, cái đẹp của tác phẩm này nâng đỡ con người về phía yêu thương và niềm tin cuộc sống. Như mây của trời hãy để gió mang đi…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mây của trời hãy để gió mang đi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO