Một tiếng lòng yêu thương xứ Quảng

PHẠM XUÂN HÙNG 21/06/2021 10:48

Quê ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nhưng nhà thơ Tế Hanh có những tháng năm gắn bó với Quảng Nam và Đà Nẵng. Bài thơ “Gửi Quảng Nam - Đà Nẵng” là tiếng lòng yêu thương xứ Quảng của Tế Hanh, thể hiện niềm tin son sắt một ngày không xa quê hương xứ Quảng nói riêng và cả miền Nam sạch bóng quân thù.

Những dòng sông quê thường trực xuất hiện trong thơ Tế Hanh. (ảnh minh họa). ảnh: HÀ NGUYỄN
Những dòng sông quê thường trực xuất hiện trong thơ Tế Hanh. (ảnh minh họa). ảnh: HÀ NGUYỄN

Nhà thơ Tế Hanh. Ảnh: Tư liệu
Nhà thơ Tế Hanh. Ảnh: Tư liệu

Nhà thơ Tế Hanh tham gia Việt Minh từ mùa thu Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sau đó công tác trong ngành văn hóa, giáo dục ở Huế, Đà Nẵng.

Ông là Ủy viên giáo dục trong Ủy ban lâm thời của TP.Đà Nẵng sau khởi nghĩa giành chính quyền thành công. Từ năm 1949 cho đến trước ngày tập kết ra Bắc năm 1954, nhà thơ Tế Hanh công tác ở Ban phụ trách Văn nghệ Liên khu V.

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tế Hanh (20.6.1921 - 20.6.2021), cùng nhìn lại tấc lòng ông với xứ Quảng.

“Gửi Quảng Nam - Đà Nẵng”

Không quá nổi trội nhưng với giọng điệu riêng đằm thắm, nhà thơ Tế Hanh có vị trí xứng đáng trong trào lưu Thơ Mới. Năm 18 tuổi, tập thơ “Nghẹn ngào” của ông đã được giải khuyến khích của Tự Lực văn đoàn. Năm 21 tuổi, ông được Hoài Thanh và Hoài Chân tuyển chọn đưa vào “Thi nhân Việt Nam” với chùm thơ 4 bài gồm “Quê hương”, “Vu vơ”, “Ao ước” và “Lời con đường quê”.

Sau ngày ra Bắc và trong suốt cuộc đời sáng tác, nhà thơ Tế Hanh vẫn luôn giữ giọng thơ chân chất hồn quê, nặng lòng với xứ sở sinh ra ông và cả những nơi ông từng gắn bó. Một trong những bài thơ ông dành riêng cho xứ Quảng là bài “Gửi Quảng Nam - Đà Nẵng” được in trong tập “Khúc ca mới” do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 1966.

Mốc sáng tác bài thơ “Gửi Quảng Nam - Đà Nẵng” được ghi cuối bài là ngày 19.8.1965. Có lẽ, khi sáng tác bài thơ này, nhà thơ Tế Hanh đã hồi tưởng lại những ngày hào hùng của Cách mạng Mùa thu, những tháng năm ông tràn trề nhiệt huyết tuổi trẻ trên các nẻo đường xứ Quảng và một trời thương nhớ của người con xa quê từ miền Bắc hướng về miền Nam.

Bài thơ dài 15 khổ, 60 câu theo lối tự do, miên man trôi theo dòng tự sự của tác giả với dấu mốc thời gian từ Cách mạng Tháng Tám qua cuộc kháng Pháp trường kỳ 9 năm cho đến những tháng năm cả miền Nam quật cường đứng lên chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Bắt đầu từ “Tháng tám mùa thu năm bốn lăm/ Cách mạng bùng lên như ngọn gió…” đến “Kháng chiến những ngày đầu bốn bảy…”, rồi tiếp “Chín năm kháng chiến bao đau khổ…”.

Và khi tác giả cầm bút viết những dòng thơ vào năm 1965 là khoảng thời gian “Giặc Pháp rút đi giặc Mỹ đến/ Tội ác chất chồng mười một năm…”. Những câu thơ mang tính biên niên, nhà thơ lồng ghép vào đó các sự kiện và cảm xúc của tác giả với quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng.

Trong hai khổ thơ đầu, nhà thơ đã bày tỏ, dù không sinh ra, lớn lên ở Quảng Nam - Đà Nẵng nhưng vùng đất này đã để dấu ấn thời trai trẻ của tác giả buổi đầu đi theo cách mạng: “Quảng Nam - Đà Nẵng quê ta đó/ Tháng tám mùa thu năm bốn lăm/ Cách mạng bùng lên như ngọn gió/ Tan mây để lộ ánh trăng rằm/ Không phải nơi chôn nhau cắt rốn/ Nhưng khi lịch sử ngoặt con đường/ Lứa tuổi hai mươi chào độc lập/ Nơi đời đổi mới đó quê hương…”.

Với tuổi 20 hăm hở theo ngọn cờ cách mạng, nhà thơ đã coi xứ Quảng là quê hương thứ hai, nơi có những đồng đội cùng tâm nguyện, chí hướng: “Kháng chiến những ngày đầu bốn bảy/ Ta đi cùng bạn chống quân thù/ Trái tim dào dạt như sông chảy/ Tiếng hát lên đường khúc nhạc ru…”.

“Đất hóa tâm hồn”

Xuyên suốt bài thơ, trong mỗi chặng đường lịch sử qua các mốc thời gian, nhà thơ Tế Hanh luôn nhắc kèm những địa danh mà chắc hẳn ông đã từng đi qua, từng gắn bó đến gan ruột. Đó là núi Sơn Chà,  núi Hải Vân, dòng sông Thu Bồn, là Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Tam Kỳ…

Mang theo ký ức của tháng ngày tuổi trẻ, nhà thơ còn giữ nguyên cảm xúc với vùng quê mà mình thương nhớ: “Mây Sơn Chà thắm màu cờ đỏ/ Giòng Thu Bồn rộn bước hành quân/ Muỗi đốt, đêm rừng, thương bạn mới/ Tình yêu quên cả nỗi gian truân/ Chín năm chống Pháp bao đau khổ/ Nhưng đất với người đều lớn lên/ Dâu Điện Bàn xanh, tằm lứa rộ/ Cùng khoai Tiên Đỏa, lúa Duy Xuyên…”.

Trong ký ức của tác giả, xứ Quảng - vùng quê xanh dâu, ngọt khoai nhưng tinh thần đấu tranh cách mạng luôn sục sôi, khiến kẻ thù kinh hồn bạt vía: “Núi rừng Đại Lộc ngọt lòn bon/ Khơi lộng Tam Kỳ tôm cá ngon/ Quả bom Bùi Chát kinh hồn giặc/ Trận Hải Vân quan, sấm vẫn còn…”.

Ngay khi sáng tác bài thơ, dù đang ở miền Bắc nhưng Tế Hanh vẫn dõi theo từng nhịp thở quê hương xứ Quảng. Gói gọn trong vài câu thơ là nỗi đau khi thấy nơi mình từng gắn bó phải gánh chịu bởi kẻ thù gieo rắc tội ác: “Giặc Pháp rút đi giặc Mỹ đến/ Tội ác chất chồng mười một năm/… Chợ Được bãi cồn chưa ráo máu/ Vĩnh Trinh nước đập rã thân người/… Chúng ập vào Cẩm Lệ, Châu Sơn/ Triệt hạ từng nhà giết sạch trơn…”.

Nhưng tội ác không dìm được ý chí của người dân xứ Quảng bởi ở đây luôn có “Bóng anh Trỗi trên từng cột điện…”, có “Chị Lý, chị Vân truyền sức mạnh…”. Bằng ý chí và sức mạnh, người dân xứ Quảng đã làm nên những chiến công vang dội: “Thắng lớn năm lần trận Việt An/ Lưỡi lê Núi Thành, Mỹ nát tan/… Lửa cháy căm thù, lửa khắp nơi/ Sân bay Đà Nẵng cháy tơi bời/ Hai mươi triệu lít xăng Liên Chiểu/ Trừng phạt loài gian lửa ngút trời…”.

Tâm tình nhà thơ Tế Hanh gửi về xứ Quảng không chỉ là tiếng nói của người chiến sĩ với mảnh đất mình từng gắn bó mà còn là tiếng lòng yêu thương, ngưỡng vọng của đứa con nhận nơi này làm quê hương thứ hai.

Từ tình cảm bộc phát mở đầu bài thơ “Quảng Nam - Đà Nẵng quê ta đó”, nhà thơ đã vẽ ra chân dung “Quảng Nam - Đà Nẵng anh hùng” rồi nhắc lại đầy tự hào: “Quảng Nam - Đà Nẵng quê ta đó/ Hai mươi năm trời máu vẫn đỏ/ Trước mặt sóng gầm Thái Bình dương/ Sau lưng Trường Sơn trời nổi gió…”. Để cuối cùng muốn hòa tan trong khí thế đấu tranh cách mạng đang từng giờ, từng phút bùng lên: “Tiến lên! Dải đất quê ta ơi/ Miền Bắc miền Nam súng sẵn rồi…”…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Một tiếng lòng yêu thương xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO