Nhà nghiên cứu Võ Hà: "Độc giả sẽ hiểu đúng sự thật"

LÝ ĐỢI (thực hiện) 23/01/2022 07:01

Cuốn sách “Trường Sa 1988 - Hồ sơ một sự kiện lịch sử” (NXB Đà Nẵng) do Võ Hà sưu tầm - biên soạn, phát hành cuối năm 2021, là một bổ khuyết vào việc nghiên cứu về Biển Đông nói chung và Hoàng Sa - Trường Sa nói riêng. Cuốn sách hệ thống lại các bài viết, tư liệu đã đăng trên báo Nhân dân và Quân đội nhân dân từ tháng 2.1988 đến tháng 6.1988, nghĩa là trước và sau sự kiện thảm sát Gạc Ma ngày 14.3.1988. 

 

Võ Hà sinh năm 1984 tại Duy Xuyên, Quảng Nam, tốt nghiệp cử nhân ngành Sư phạm lịch sử, hiện sống và làm việc tại Đà Nẵng. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với Võ Hà về cuốn sách bổ ích này.

Cảo thơm lần giở

* Thưa anh, nếu nhìn từ khía cạnh tư liệu, cuốn sách này đã bổ khuyết những điều gì trong nghiên cứu về Hoàng Sa - Trường Sa và biển đảo?

- Sự kiện Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm trái phép một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988 (vụ thảm sát Gạc Ma ngày 14.3.1988) ít có sách công bố, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do vậy, cuốn sách này nhằm bổ khuyết 2 vấn đề chính: Thứ nhất, những bài báo về cuộc thảm sát Gạc Ma ngày 14.3.1988 - được đăng tải trước và sau sự kiện - là quan điểm tức thời, chính xác và chính thống của Nhà nước Việt Nam lúc bấy giờ.

Thứ hai, thông qua tập sách, những người trong cuộc và cả hậu phương được “sống lại đúng nghĩa” trong một sự kiện lịch sử gây nhiều đau thương, có tính bước ngoặt trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Độc giả sẽ có thêm cơ hội tái hiện và nhận thức đầy đủ hơn, rõ ràng hơn bản chất sự kiện, âm mưu, chính sách của Trung Quốc về Trường Sa.

Qua đây, độc giả sẽ biết đúng sự thật lịch sử để rút ra những bài học đúng đắn cho quan hệ ngoại giao và trách nhiệm với xã hội trong bối cảnh quan hệ quốc tế phức tạp như hiện nay.

Với cá nhân tôi, đây là một cách để tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh tại Trường Sa năm ấy. Cũng như tưởng niệm tất cả những người đã mất trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

* Anh đã gặp những khó khăn, rào cản khi sưu tầm - biên soạn sách này?

- Đây là đề tài còn bị cho là hạn chế trong nghiên cứu, giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1988 cũng có những nhạy cảm như giai đoạn trước đó, thời kỳ Việt Nam Cộng hòa (1954 - 1975). Dù về pháp lý thì đã khá cởi mở, nhưng tâm lý chung vẫn còn e ngại, ngay cả với các cơ quan, đơn vị lưu trữ, thư viện, làm cho việc tham khảo, trích lục tài liệu có những khó khăn nhất định.

Tuy nhiên, khi thực hiện việc sưu tầm, biên soạn sách này, với đặc điểm là nguồn tài liệu chính yếu từ báo Nhân dân và Quân đội nhân dân, tôi có phần thuận lợi hơn, vì được báo tạo điều kiện truy lục tài liệu.

Nhân đây, tôi muốn nói một điều rằng, nhìn bên ngoài thì có thể thấy sự e dè khi đề cập những vấn đề được xem là nhạy cảm, cụ thể là hành động bá quyền của Trung Quốc đối với Việt Nam, nhưng trong thẳm sâu của nhiều người Việt và nhiều cơ quan, đều muốn việc nghiên cứu được tiến hành nhiều hơn, mạnh mẽ hơn nữa. Điều quan trọng nhất là mỗi người Việt cần hiểu rõ hơn bản chất vấn đề lịch sử để có thái độ và hành động thỏa đáng, phù hợp, đảm bảo lợi ích lâu dài của quốc gia - dân tộc.

Bìa sách “Trường Sa 1988 - Hồ sơ một sự kiện lịch sử“.
Bìa sách “Trường Sa 1988 - Hồ sơ một sự kiện lịch sử“.

Tính chiến đấu của báo chí qua Hoàng Sa - Trường Sa

* Vậy điều gì là bất ngờ với độc giả hôm nay khi đọc lại các bài từng được đăng trên báo hơn 30 năm trước?

- Năm 1988, hai tờ báo Nhân dân và Quân đội nhân dân là những kênh thông tin chính yếu đến với độc giả trong nước và cả quốc tế. Điều bất ngờ đối với độc giả hôm nay khi đọc lại các bài về Trường Sa, về vụ thảm sát Gạc Ma, chính là những câu chuyện cụ thể, những hành động cụ thể để phản đối Trung Quốc, để bày tỏ thái độ đấu tranh và tinh thần dũng cảm, anh hùng.

Ví dụ như hành động và lời nói của Thiếu úy Trần Văn Phương và Binh nhất Nguyễn Văn Lanh, giờ đọc lại vẫn rất xúc động, thấy ngưỡng mộ. Song song đó là các câu chuyện về tình yêu, cái chết, sự an ủi, động viên, chia sẻ, tình mẫu tử… Có thể nói các bài báo đã là một phần không thể thiếu của lịch sử sinh động.

* Tính chiến đấu của báo chí không phải lúc nào cũng giống nhau, vì những giới hạn và ràng buộc này kia. Theo anh, bài học từ việc đưa tin, viết về những điều vốn là nhạy cảm đã được các tác giả thời ấy viết như thế nào?

- Năm 1988, biển đảo, Hoàng Sa - Trường Sa chưa từng là những đề tài nhạy cảm như cách nghĩ và hành xử sau này. Thậm chí lúc ấy đây là những đề tài được khuyến khích viết là đằng khác.

Việc khuyến khích này thể hiện ít nhất ở 3 vấn đề, đó là: Thứ nhất, các báo này đã đưa tin song hành về nhiều mặt trận, từ chiến trường (quần đảo Trường Sa) tới đất liền (với các hoạt động hướng về Trường Sa), từ trong nước ra quốc tế (tranh thủ hoạt động ủng hộ của các nước về quan điểm giải quyết vấn đề Trường Sa và chủ quyền biển đảo của Việt Nam).

Thứ hai, các báo đã cử các phóng viên dày dạn kinh nghiệm, am hiểu vấn đề, có văn phong nổi trội để đưa tin, viết bài ký sự (nhất là từ Trường Sa) nhằm có các bài viết vừa chính xác, vừa sinh động và tạo được cảm xúc cho độc giả. Mục tiêu chính là lan tỏa các quan điểm, hành động, quyết tâm trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Thứ ba, ngoài các bài viết trên báo, lúc ấy Việt Nam cũng đã cho xuất bản các tập sách, ra các thông báo, xã luận, văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương… tổ chức mít tinh, tuyên truyền phản đối hành động bạo ngược của Trung Quốc. Có thể thấy, chủ đề Trường Sa - Hoàng Sa từng rất được ưu tiên đưa tin.

* Xin cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhà nghiên cứu Võ Hà: "Độc giả sẽ hiểu đúng sự thật"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO