“Niềm vui nghĩa vụ” trong "Giờ Đức văn"

TĂNG VĂN CHUNG (Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu) 12/06/2021 11:02

(QNO) - Sự phong phú của các thể loại sách được bạn đọc giới thiệu khi tham gia cuộc thi "Cùng đọc sách" là một trong những tín hiệu thành công bước đầu rất đáng mừng.

Không yêu cầu quá khắt khe về tính chuyên nghiệp, ban tổ chức luôn khuyến khích bạn viết chia sẻ bằng chính cảm xúc, niềm vui, những trải nghiệm cá nhân của mình bằng lối viết riêng, dẫn dụ và lôi cuốn bạn đọc.

"Cùng đọc sách" tuần này giới thiệu “Giờ Đức văn” của Siegfried Lenz, một tác phẩm văn học nước ngoài qua cảm nhận của thầy giáo Tăng Văn Chung - một giáo viên “không nhịn sách nổi quá ba ngày”.

…………………

Giờ Đức văn của Siegfried Lenz xuất bản năm 1968, nhanh chóng đứng vào hàng ngũ kinh điển văn chương hậu chiến Đức và được đưa vào nghiên cứu, giảng dạy ở nhà trường.

 

Trên cù lao chơ vơ giữa dòng sông Elbe, trại cải tạo trẻ vị thành niên ở đó. Trong giờ Đức văn, thầy giáo yêu cầu viết bài luận với đề tài: Niềm vui nghĩa vụ. Siggi Jepsen không biết bắt đầu từ đâu. Không dễ khơi lên vùng tổn thương sâu sắc, không dễ gói gọn ẩn ức dằng dặc chỉ trong một bài luận. Siggi Jepsen quyết định nộp giấy trắng. Và cậu bị phạt, phải viết cho xong, phải hoàn thành nghĩa vụ ngay tại phòng biệt giam ở trại cải tạo.

Kết cấu tác phẩm đan xen hiện tại - quá khứ. Hiện tại, Siggi Jepsen thực thi nghĩa vụ trong phòng biệt giam - và trong một quá vãng chưa xa, em chứng kiến cha mình thực thi nghĩa vụ. Toàn bộ ký ức dội về cũng chính là bài luận mà Siggi Jepsen đang buộc phải hoàn thành.

Năm 1944, tại cực Bắc nước Đức, một vùng quê mông quạnh giáp biển gió thổi dạt người, cha Siggi Jepsen là cảnh sát Jens Ole Jepsen được cấp trên giao nhiệm vụ giám sát và thực thi lệnh cấm vẽ đối với họa sĩ theo trường phái biểu hiện Max Nansen. Mẹ Siggi Jepsen - người đàn bà lạnh lùng, thờ ơ với tất cả, đầy định kiến - rít lên diễn giải thêm lý do cấm vẽ: có bệnh hoạn mới vẽ vời như thế.

Người cha câu, tận tụy với nghĩa vụ - bất chấp họa sĩ từng là bạn thân, từng là ân nhân đã cứu sống mình; lặn lội trong những trận gió xiêu người, những cơn mưa tối trời - cấm vẽ và tịch thu tranh, đốt tranh. Bất chấp họa sĩ bảo rằng đồ ngu, làm sao cấm khi người ta vẽ những bức tranh vô hình. Mặc kệ. Viên cảnh sát lôi kéo cả Siggi Jepsen vào công cuộc thực thi nghĩa vụ, sang chơi nhà họa sĩ để theo dõi, để giúp ông tịch thu và thiêu hủy tranh, kể cả những tờ giấy trắng mà họa sĩ chưa kịp tô màu ý tưởng.

Tận tụy ngay cả khi không còn lệnh cấm, Jens Ole Jepsen vẫn tiếp tục truy nã, đốt những bức tranh mà con trai mình đã phản bội, ra tay cất giấu. Ám ảnh bởi hành động của cha và ngọn lửa, Siggi Jepsen đi đánh cắp để cất giấu những bức tranh khác, như hành động giải cứu. Và cậu bị đưa tới trại cải tạo bởi tội ăn cắp tranh.

Với viên cảnh sát Jens Ole Jepsen, việc nhận được mệnh lệnh là hạnh phúc. Ông đánh con theo lệnh của vợ, vừa đánh vừa chờ phản ứng của bà. Khi nước Đức bại trận, ông tận tuỵ thực hiện lệnh tổ chức dân quân canh giữ cái rẻo đất gió ù ù thổi ấy bất chấp thực tế đã thất bại, không biết sẽ còn chiến đấu với ai. Không còn mệnh lệnh để thực thi thì không còn là ông nữa. Niềm vui nghĩa vụ của con người công cụ. Máy móc, cứng nhắc đến tàn nhẫn. Nghèo tưởng tượng và rỗng ngực. Hạnh phúc trong sự phục tùng mù quáng và tàn nhẫn. Bạo chúa, phát xít trồi lên trên mảnh đất màu mỡ “niềm vui nghĩa vụ” này.

Siggi Jepsen xin kéo dài thời gian biệt giam để kể cho hết, một lần nhìn lại trọn vẹn hòng chữa lành cho vùng ký ức chấn thương; để một lần trải nghiệm niềm vui thực thi nghĩa vụ. Bởi vì, anh mới chỉ nếm trải và chứng kiến nạn nhân của niềm vui nghĩa vụ. Cha anh làm cỏ cả một vùng, không một ai không bị ông hành hạ, kể cả những đứa con mình. Những chấn thương, dị dạng hằn sâu trên phận người, ông không cần hay biết. Niềm vui của đời ông là nhận một nghĩa vụ để thực thi, với vẻ mặt vô hồn, với trái tim sắt đá.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, người Đức tìm kiếm câu trả lời cho nỗi mặc cảm: vì sao nền văn minh Đức lại sản sinh ra chủ nghĩa phát xít? Nhà văn Siegfried Lenz viết "Giờ Đức văn" như một cách buộc dân tộc mình không né tránh, không cho phép thấy mình vô tội. Ông chỉ rõ - thông qua hình tượng viên cảnh sát Jens Ole Jepsen - chính sự máy móc, mù quáng về nghĩa vụ, sự cuồng tín, đã tạo môi trường thuận lợi cho độc tài phát xít vụt lớn lên. Đáng sợ, điều này không chỉ có ở Đức trong quá khứ.

Gấp sách lại, riêng tôi vẫn còn ám ảnh điều Siggi Jepsen nói với các nhà tâm lý học: Tôi vào đây là đại diện cho ông già tôi, tức là cho viên cảnh sát chốt Rugbull. Có khi đứa nào trong bọn chúng tôi trên trại giam này cũng đều đại diện cho một ai đó cũng nên (…). Có điều tôi muốn hỏi thế này, tại sao không có cù lao nào, với những ngôi nhà thế này, dành cho người lớn khó dạy, khó bảo? Hay đã là người lớn rồi thì thôi, không cần phải dạy bảo gì nữa?

Bạn đọc Việt Nam được tiếp cận "Giờ Đức văn" của Siegfried Lenz thông qua bản dịch của Hoàng Đăng Lãnh, NXB Hội Nhà văn liên kết Công ty Văn hóa & truyền thông Nhã Nam phát hành. Bạn đọc rất có thể được say đắm với bản dịch mà ở đó, tiếng Việt được dùng chính xác, nhuần nhuyễn, đẹp đẽ và tràn đầy cảm xúc.

…………………

Bài dự thi “Cùng đọc sách” do Sở GD-ĐT phối hợp Báo Quảng Nam tổ chức trên báo Quảng Nam điện tử. 

Bạn đọc theo dõi thể lệ cuộc thi tại link sau: http://baoquangnam.vn/giao-duc/to-chuc-cuoc-thi-cung-doc-sach-tren-bao-quang-nam-dien-tu-111333.html

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
“Niềm vui nghĩa vụ” trong "Giờ Đức văn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO