Tình văn nghệ qua trang sách

BẢO ANH 08/05/2022 06:31

Có những nhà thơ, ngay khi đã rời cõi tạm, vẫn kịp để lại cho đời những cuốn sách về một cõi tâm hồn mình. Đó là những cuốn sách cuối cùng của họ - cuối cùng nhưng không phải là kết thúc...

Bạn bè văn nghệ tại buổi ra mắt, giới thiệu tập thơ cuối cùng của nhà thơ Trương Vũ Thiên An (tháng 2.2018). Ảnh: Tư liệu VHNT
Bạn bè văn nghệ tại buổi ra mắt, giới thiệu tập thơ cuối cùng của nhà thơ Trương Vũ Thiên An (tháng 2.2018). Ảnh: Tư liệu VHNT

Những cuốn sách cuối cùng

Vừa đúng một năm kể từ ngày nhà thơ Huỳnh Ngọc Sáu - hội viên Hội VHNT Quảng Nam, rời cõi tạm, tập thơ “Đêm vùng cao” của anh đã được xuất bản. Tập thơ được ra đời trước hết từ nguyện vọng của gia đình và cùng với đó là sự chung tay hỗ trợ, giúp đỡ về nhiều mặt của bạn bè văn nghệ: người chăm sóc bản thảo, người tìm thơ di cảo của tác giả, người vẽ bìa, người lo xin giấy phép xuất bản, người theo dõi in...

Tập thơ nhờ vậy mà khá đầy đặn, với 90 bài, trong đó có nhiều bài đã được công bố rải rác trên các báo, tạp chí trong và ngoài tỉnh; nhiều bài do chính tay nhà thơ Huỳnh Ngọc Sáu chọn lựa từ khi còn sống, một số do gia đình, bạn bè tìm chọn từ di cảo sau khi anh qua đời.

Ra đi cùng một năm với nhà thơ Huỳnh Ngọc Sáu, nhưng dường như có sự “chuẩn bị” trước nên nhà thơ Trương Vũ Thiên An - hội viên Hội VHNT Quảng Nam, đã kịp xuất bản được thêm 2 tập thơ.

Năm 2018, khi thấy bệnh của anh chuyển nặng, một số bạn bè văn nghệ và học trò cũ đã động viên, rồi tập hợp bản thảo và xuất bản tập thơ “Tạ”. Cứ nghĩ đó là lời tạ từ, tri ân cuối cùng của anh, nhưng thật bất ngờ, sau khi tập thơ này ra đời, sức khỏe của nhà thơ Trương Vũ Thiên An lại... khá ổn.

Anh bảo, chính cái tình văn nghệ đã làm cho anh khỏe lên và sống thêm, để anh lại làm thơ và kịp in thêm một tập nữa - tập “Mặt trời trong xác lá” vào năm 2020, trước khi anh vĩnh viễn lìa xa mọi người vào năm 2021...

Mới đây nhất, vào tháng 3.2022, thêm một nhà thơ nữa của Quảng Nam là Nguyễn Hải Triều cũng rời cõi tạm. Trước đó, khi đang nằm trên giường bệnh, từ sự động viên, hỗ trợ của người thân và bạn bè văn nghệ, anh đã cố gắng tập hợp bản thảo và xuất bản tập thơ cuối cùng của mình - tập “Như gió thổi trăm năm”. Tập thơ này được phát hành 3 tháng trước khi anh rời bỏ cuộc chơi.

Nhiều năm trước đó, ở Quảng Nam, Đà Nẵng cũng từng có mấy tập sách được ra đời từ những sẻ chia của tình văn nghệ như thế. Như tập “Bài của trẻ dáng nâu”, với hơn 100 bài thơ của nhà thơ quê lụa Duy Xuyên - Nguyễn Trung Bình và một số bài viết tưởng niệm anh của bạn bè văn nghệ, được biên soạn, phát hành năm 2011 - hai năm sau khi anh qua đời.

Tập thơ “Không trái tim ai ngừng đập trên đời” của nhà báo, nhà thơ Đặng Ngọc Khoa, cũng được xuất bản từ sự chung tay góp sức của bạn bè và được phát hành đầu năm 2010 - chỉ 2 tháng sau khi anh rời cõi tạm. Những bài thơ của hai nhà thơ Nguyễn Trung Bình và Đặng Ngọc Khoa được in trong hai tập thơ tưởng niệm ấy đều do bạn bè lựa chọn, tập hợp sau khi các anh đi vào cõi vô biên.

Dừng lại chứ không kết thúc

Dù đã bắt đầu một giấc ngủ dài, nhưng thơ của nhà thơ Nguyễn Hải Triều vẫn “Thức cùng giọt sương trong ngần/ Gởi hộ tháng năm cất chưng kỷ niệm” (Hương mùa). Cũng vậy, nhà thơ Huỳnh Ngọc Sáu vẫn đứng chờ đâu đó trong “Một chiều” nào đó giữa nhân gian: “Ngửa tay hứng bụi hương mùa/ Mở ra là cả ngày qua vẫn còn/ Anh mang về nửa nụ hôn/ Nửa còn lại cứ dợi tròn phía em” (Một chiều).

Những tập thơ cuối cùng của một số nhà thơ Quảng Nam. Ảnh: B.A
Những tập thơ cuối cùng của một số nhà thơ Quảng Nam. Ảnh: B.A

Riêng với nhà thơ Trương Vũ Thiên An, anh đã chuẩn bị cho chuyến đi của mình bằng phong thái tự tại. Trong lời bạt cho tập thơ cuối cùng của mình (tập thơ “Mặt trời trong xác lá”), anh viết: “...mong được nhiều người ngồi lại bên bóng sách cùng mình tìm những bình an vốn dĩ đã bị tước ngày càng nhiều bởi bất trắc của biến đổi khí hậu, dịch bệnh. Để an trú vào niềm tin bất diệt: đằng trên, đằng dưới, đằng sau những xác lá vẫn mãi câu chuyện về những mặt trời tưởng chừng đã ra đi... Mặt trời vẫn còn đó. Và xác lá vẫn còn có cơ may được hoàn nguyên”.

Và quả thật, thơ anh đã, đang và sẽ hoàn nguyên như đã từng hoàn nguyên “đỏ rực” ngay từ những ngày anh gồng mình chống chọi với bệnh tật: “Dòng hóa chất dùng dằng chưa giọt lủng nổi phổi anh/ anh biết vì đã lọc qua tình em mãnh liệt/ đã xuyên thấm qua đời em da diết/ đã treo vào mặt trời đức tin đỏ rực em anh” (Ngày anh đau).

Cùng với những trang sách, những con người văn nghệ vẫn “sống”. Vẫn còn đâu đó trong lòng người thân và bạn bè một Nguyễn Trung Bình “dáng nâu” ngầu đời, một tâm hồn thô mộc, say thơ.

Vẫn còn đâu đó một Nguyễn Hải Triều bộc trực, thẳng thắn nhưng lãng mạn, ân tình. Vẫn còn đâu đó một Trương Vũ Thiên An mô phạm, tài hoa và triết lý ngay cả trong những câu thơ tình tươi trẻ.

Vẫn còn đâu đó một Huỳnh Ngọc Sáu “luôn ẩn chứa một niềm day dứt, một nỗi ám ảnh không nguôi về món nợ ân tình” (chữ của Nguyễn Mậu Hùng Kiệt) với những câu thơ “được chắt ra từ một tâm hồn vốn khắc khoải với những ngày xưa thân ái, với nét mộc mạc, yên bình của làng quê xứ Quảng nắng lắm mưa nhiều, với tình yêu tuổi dại khờ chỉ thoáng qua mà đầy xót xa, nhớ tiếc” (Lê Tấn Hiền)...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tình văn nghệ qua trang sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO