Từ những vật phẩm phế thải hoặc cây cỏ tự nhiên, An Nhiên Farm (Triêm Tây, Điện Dương, Điện Bàn) đã tận dụng để sáng tạo, tái chế thành các sản phẩm thân thiện với môi trường và sẻ chia với cộng đồng khó khăn.
Hướng dẫn trẻ tái chế xà bông trao tặng học sinh vùng cao.Ảnh: Q.TUẤN |
Đưa xà phòng, vải đến vùng cao
Là người đam mê thiên nhiên và yêu thích khám phá các vùng đất, chị Võ Mỹ Hạnh - Giám đốc trang trại An Nhiên từng tiếp xúc với nhiều mảnh đất, cộng đồng khó khăn vùng cao và thấu hiểu được nỗi nhọc nhằn trong sinh hoạt hàng ngày của người dân, nhất là trẻ em. Nhận thấy sự lãng phí từ các sản phẩm dùng một lần tại các khách sạn cao cấp, chị Hạnh đã chủ động làm việc tạo liên kết với các đối tác để tiếp nhận các sản phẩm xà bông cao cấp đã mở gói không thể dùng lại hoặc sử dụng qua một lần tại các khách sạn để tái chế, đóng gói đưa đến trẻ em vùng cao. “Hiện nay, An Nhiên Farm là đối tác duy nhất của chương trình cả khu vực miền Trung, hiện tại ở Đà Nẵng có một chuỗi khách sạn cao cấp cung cấp thường xuyên nguyên liệu để chúng tôi tiếp nhận và tái chế lại” - chị Hạnh chia sẻ.
Để cho ra các sản phẩm tái chế hợp vệ sinh, đội ngũ của An Nhiên đã làm sạch, cắt nhỏ ép nguội mà không phụ thuộc vào điện và vẫn giữ được chất lượng như ban đầu. Qua thời gian đầu thực hiện chương trình, đã có 50kg xà phòng thô được tái chế thành khoảng 60 bánh xà phòng cung cấp đến học sinh ở huyện Tây Giang. Cũng trong đợt trao tặng bánh xà phòng vào cuối năm 2018 tại Tây Giang, An Nhiên Farm còn tổ chức kèm theo chương trình truyền thông để các em tiếp cận được kiến thức cơ bản về bảo vệ môi trường, phòng chống bệnh tật. Các khách sạn đối tác phối hợp cũng hết sức khuyến khích duy trì chương trình bởi vừa giảm lượng rác thải phải xử lý vừa tạo được lợi ích cho cộng đồng.
Cũng từ số nguyên liệu vải chất lượng tốt mà các khách sạn cao cấp thải loại sau một thời gian sử dụng, An Nhiên Farm cũng tổ chức chương trình “Vải cho cuộc sống” để tái chế, may thành đồ vải trắng dùng trong cơ sở y tế vùng cao hoặc áo đồng phục cho học sinh khó khăn. Chị Võ Mỹ Hạnh thông tin: “Với số vải nhận được, chúng tôi đã tổ chức may và chuyển đến cho 11 trạm y tế tại huyện Nam Trà My cùng 200 áo đồng phục ở Tây Giang trong thời gian qua. Ngoài ra, chương trình cũng được thực hiện ở các trường học nằm trong khu vực khó khăn ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình”. Một điều tích cực khác của chương trình là việc giúp một số người khuyết tật tại TP.Đà Nẵng cải thiện được thu nhập khi nhận may số nguyên liệu này thành túi mua sắm giá cả phải chăng cho cộng đồng.
Ống hút thân thiện
Từ quá trình xây dựng, cải tạo bờ kè sinh thái ở khu vực Triêm Tây, các thành viên An Nhiên Farm dần nhận ra một lợi ích khác của cây sậy có thể sản xuất thành ống hút thân thiện với môi trường ngoài việc giữ đất chống sạt lở. Sau giai đoạn thử nghiệm ban đầu, đầu năm nay An Nhiên đã có thể cung cấp một số lượng tương đối ống hút cỏ sậy cho khách hàng muốn thay thế ống hút nhựa trong việc phục vụ cộng đồng. Chị Lê Thị Thảo Vy - Phụ trách dự án ống hút cỏ sậy cho biết: “Vì vừa sản xuất vừa trồng phục hồi vùng nguyên liệu nên hiện tại chúng tôi cũng chỉ cung cấp được khoảng 1.000 đến 1.200 sản phẩm/ngày. Điều này giúp cân bằng lợi ích của tự nhiên với con người để thông qua đó bảo tồn được hệ sinh thái tự nhiên địa phương vừa tạo ra một hướng đi mới cho sinh kế người dân”.
Được biết, qua thời gian ban đầu đã có một số cửa hàng cà phê tại TP.Hội An và TP.Đà Nẵng nhận đặt thường xuyên sản phẩm này để cung cấp cho khách hàng như: Mót Hội An, Cocobana, Trình cafe, Shore Club - The Deck House An Bàng với số lượng khoảng 200 đến 500 ống hút/tuần… Ngoài ra, một số homestay và quán cà phê của người dân địa phương tại Cù Lao Chàm cũng đã liên hệ đặt mua và sử dụng ống hút cỏ sậy để chung tay bảo vệ môi trường trên đảo. Năm ngoái, 18 đơn vị liên quan ở Cù Lao Chàm cũng đã ký cam kết nói không với ống hút nhựa.
QUỐC TUẤN