Cụm từ “tái cơ cấu” được dùng với tính thời thượng gần đây. Như tái cơ cấu nông nghiệp, tái cơ cấu ngân hàng, tái cơ cấu đầu tư. Du lịch cũng tái cơ cấu sản phẩm quảng bá và liên kết vùng... Vậy tái cơ cấu có phải là làm cái vỏ mới cho nội dung cũ hay làm nội dung mới trong chiếc áo cũ?
Thực ra, nhu cầu tái cơ cấu xuất phát từ chuyện các lĩnh vực, tổ chức, đơn vị có vấn đề về... cơ cấu, khiến hoạt động không hiệu quả, trì trệ, thậm chí có nguy cơ phá sản, tan rã. Có một trào lưu xuất hiện sau năm 2000 khi các công ty tư vấn tái cơ cấu, xây dựng hệ thống, nhất là hệ thống ISO, mọc lên như nấm.
Nhưng cái việc tái cơ cấu như một bài để “khè” nhau nhiều hơn là để tìm được cái áo vừa vặn với mình vì khi lấy được chứng nhận ISO thì mọi việc cũng đâu vào đấy. Hoạt động doanh nghiệp vẫn loay hoay với những bất cập.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nghĩ tái cơ cấu tức là làm mới cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp. Nhưng dù có được cơ cấu tổ chức phù hợp với mục tiêu của doanh nghiệp mà hệ thống bên trong chưa tốt thì cơ cấu ấy không thể phát huy hiệu quả. Có người ví von rằng, khoảng 15 năm trở lại đây, doanh nghiệp Việt như cậu bé Gióng mỗi ngày mỗi lớn nên phải có áo mới từ cơ cấu tổ chức đến thể chế, chế tài hoạt động. Vậy nên vấn đề đang nóng sốt là tái cơ cấu doanh nghiệp, vậy thực tế là cần “tái” cái gì? Đã thấy hàng loạt động thái gần đây của Chính phủ, và tuyên bố của Thủ tướng về việc Nhà nước không phải đi bán bia, bán sữa... Như thế tức phải cơ cấu lại doanh nghiệp và phần vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp. Công ty sữa, công ty bia cơ bản vẫn thế nhưng Nhà nước sẽ thoái vốn, tổ chức hoạt động và nhân sự cũng không can thiệp (để tránh ba cái vụ bổ nhiệm lùm xùm như vừa qua).
Cái cốt lõi là song song với việc tái cơ cấu tổ chức, doanh nghiệp cần thực hiện các bước cải tiến quy trình làm việc, mô tả công việc, tiêu chí hoàn thành công việc, tiêu chuẩn năng lực và hệ thống đánh giá, kiểm soát công việc hiệu quả. Song, đấy cũng chỉ mới cải tiến về mặt hình thức, cái áo của doanh nghiệp. Phần quan trọng hơn là cải tiến nội lực, nguồn nhân lực của mình. Theo lý thuyết tái cơ cấu, còn phải chú ý tới các quy trình hoàn thiện từ khâu tìm kiếm các nguyên liệu, cho tới các khâu sản xuất, tiếp thị và phân phối. Nếu không làm được thế thì chỉ là bình mới rượu cũ mà thôi.
Một lĩnh vực đáng quan tâm nhất hiện nay là tái cơ cấu nông nghiệp. Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, nếu chỉ dựa vào khoảng 10 triệu hộ nông dân nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay, thì sẽ không thể tái cơ cấu nông nghiệp thành công. Việc đó bắt buộc phải dựa vào sự tham gia của các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lớn mang tính chất đầu đàn để tạo nên cách làm nông nghiệp mới, xuất phát từ nhu cầu của thị trường và đưa công nghệ tiên tiến cùng việc ứng dụng cách tổ chức, quản trị phù hợp. Đáng lo rằng trong 8 tháng đầu năm 2016 số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể tăng ở một số ngành nghề so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 594 doanh nghiệp, tăng 84,5%. (Tổng số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là 32.974 doanh nghiệp - số liệu từ Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia).
Trong làm ăn, hay sinh hoạt xã hội, thường người ta tìm chất men mới để tái tạo cảm xúc và sáng tạo.
Chất men ấy có thể gắn với việc tái cơ cấu tổ chức, hoạt động sản xuất, vốn và nhân lực... Nhưng “tái” nhiều vẫn chưa thành là do còn nhiều rào cản.
Cần bình mới, rượu mới!
NGUYỄN ĐIỆN NAM