Tái cơ cấu khai thác hải sản: Thiếu phương tiện xa bờ

NGUYỄN QUANG VIỆT 27/11/2014 09:30

Chuyển dịch cơ cấu nghề từ khai thác hải sản ven bờ sang sản xuất ở các vùng biển xa là nội dung cốt lõi của kế hoạch tái cơ cấu ngành khai thác hải sản của tỉnh, tuy nhiên đến nay việc phát triển đội tàu khai thác xa bờ vẫn còn rất chậm.

Báo động suy giảm nguồn lợi

Thời gian qua, các tàu giã cào có xuất xứ từ Quảng Ngãi liên tục tàn phá nguồn lợi ven bờ của Quảng Nam bằng cách khai thác hải sản theo kiểu tận diệt. Mặc dù lực lượng chức năng của tỉnh liên tục tuần tra, xử lý nhưng sự việc vẫn tái diễn. Ông Ngô Văn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam nói: “Hoạt động trái phép của các tàu giã cào Quảng Ngãi đã làm suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi hải sản ven bờ của Quảng Nam. Trong khi đó lực lượng tham gia bảo vệ nguồn lợi quá mỏng, lại thiếu phương tiện”. Sự suy giảm nguồn lợi hải sản còn có nguyên nhân chủ yếu là số lượng phương tiện khai thác hải sản ven bờ của tỉnh quá lớn. Đến thời điểm này, phương tiện tham gia đánh bắt hải sản có công suất nhỏ hơn 20CV của tỉnh là 2.879 chiếc, chiếm 69,3% tổng số tàu thuyền khai thác hải sản; phương tiện có công suất từ 20 - 50CV là 806 chiếc, chiếm 19,4%; tàu thuyền có công suất từ 50 - 90CV là 155 chiếc, chiếm 3,7%. Hàng năm, các phương tiện khai thác hải sản ven bờ của tỉnh khai thác được hơn 70% tổng sản lượng hải sản nên nguồn lợi mỗi ngày càng suy giảm.

Ngư dân chuẩn bị ngư cụ để vươn khơi tại các vùng biển xa. Ảnh: N.Q.V
Ngư dân chuẩn bị ngư cụ để vươn khơi tại các vùng biển xa. Ảnh: N.Q.V

Trong kế hoạch tái cơ cấu ngành thủy sản, Quảng Nam đã đề ra phương án chuyển nghề, chuyển đổi ngư trường. Tuy nhiên, trong vòng 10 năm trở lại đây, việc chuyển đổi nghề trong khai thác hải sản diễn ra quá chậm. Tại hội thảo về chuyển đổi nghề cho ngư dân Quảng Nam được Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam phối hợp với Đại học Nha Trang tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cho rằng cần nhân rộng nghề lưới rê hỗn hợp cho ngư dân trên địa bàn tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện bởi ngư dân không đủ nguồn vốn để cải hoán phương tiện và sắm sửa ngư lưới cụ để chuyển nghề hoặc sản xuất kiêm nghề, trong khi đó các chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế.

Khó phát triển tàu xa bờ

Theo kế hoạch tái cơ cấu ngành khai thác hải sản của tỉnh, đến năm 2020 giữ ổn định sản lượng khai thác thủy sản ở mức 75.000 - 80.000 tấn, trong đó sản lượng cá nổi lớn (nục, ngừ, thu...) chiếm 35%, cá nổi nhỏ 25%, cá đáy 12%, mực 25%, các loài thủy sản khác 3%. Tỉnh tập trung phát triển các nghề đánh bắt có hiệu quả kinh tế cao như nghề lưới vây, câu mực khơi, lưới rê, chụp mực; giảm các nghề lưới kéo (giã cào đơn, đôi). Cùng với đó là thực hiện chuyển dịch cơ cấu nghề, cụ thể: tăng họ lưới vây (lộng, khơi) từ 4% hiện nay lên 8%, nghề câu (lộng, khơi) từ 13% lên 20%; họ lưới rê 49% lên 50%, giảm họ lưới mành, trủ, vó (ven bờ) từ 8,5% xuống 5%, lưới kéo từ 9% xuống 5%, các nghề ven bờ khác (lờ, lặn, rớ, rập...) 16,5% xuống 12% vào năm 2020.

Theo kế hoạch tái cơ cấu ngành khai thác hải sản, Quảng Nam sẽ nâng sản lượng khai thác hải sản xa bờ khoảng 20 nghìn tấn lên gấp đôi vào năm 2020. Nếu so sánh Quảng Nam với các tỉnh, thành cùng khu vực duyên hải Trung Bộ thì con số này không cao. Tuy nhiên, giải pháp để thực hiện điều này là không dễ, trong đó tăng số phương tiện khai thác xa bờ từ 300 phương tiện lên gấp đôi vào năm 2020 là điều nan giải. Trước đây, hoạt động của Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam dù tối ưu nhưng vẫn không giúp số tàu cá có công suất lớn của tỉnh tăng lên được bao nhiêu, chỉ khoảng 20 phương tiện. Trong khi đó, do vốn đối ứng quá cao nên ít ngư dân đủ điều kiện để vay vốn của ngân hàng thương mại nhằm đóng mới phương tiện đánh bắt hải sản xa bờ. Đại diện UBND xã Bình Minh và UBND xã Bình Dương - 2 địa phương có nghề cá phát triển nhất huyện Thăng Bình đều cho rằng, trong thời gian qua, số tàu có công suất lớn trên địa bàn tăng lên không cao do khả năng huy động vốn của ngư dân rất thấp, không thể đóng mới tàu cá. Có nhiều ngư dân chung vốn lại với nhau mới có thể mua phương tiện cũ hoặc cải hoán, nâng cấp tàu cũ thành tàu có công suất lớn.

Theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản, Quảng Nam được trung ương phân bổ đóng mới 92 tàu cá xa bờ. Xã Tam Quang - một trong 3 địa phương có tiềm lực nghề cá lớn nhất tỉnh được phân bổ 26 tàu, tuy nhiên đến thời điểm này chỉ có 9 hồ sơ của ngư dân đăng ký vay vốn theo hỗ trợ của trung ương. “Thiếu vốn đối ứng và không dám chắc sẽ trả được nguồn vốn vay đúng thời hạn là các nguyên nhân cơ bản dẫn đến ngư dân không mạnh dạn đăng ký đóng mới tàu cá theo nghị định” - bà Huỳnh Thị Mỹ Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết. Vậy nên dù cho có triển khai hết con số 92 tàu cá được trung ương phân cấp thì Quảng Nam cũng khó tăng thêm hơn 300 tàu cá có công suất lớn trong lộ trình từ đây đến năm 2020.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tái cơ cấu khai thác hải sản: Thiếu phương tiện xa bờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO