Năng lực khai thác hải sản của phương tiện trên địa bàn tỉnh cần được điều chỉnh để bảo vệ nguồn lợi, nâng cao hiệu quả kinh tế trong mỗi chuyến biển. Đây cũng là một nội dung quan trọng trong tái cơ cấu khai thác hải sản của Quảng Nam.
Khai thác hải sản ven bờ sẽ hạn chế trong thời gian đến.Ảnh: QUANG VIỆT |
Phát triển theo hướng tự phát, thiếu kiểm soát khiến cho số tàu thuyền có công suất nhỏ của ngư dân Quảng Nam tăng lên trong thời gian qua. Hiện tại, số tàu thuyền có công suất nhỏ hơn 20CV của tỉnh là 2.879 chiếc, chiếm 69,14% số lượng tàu thuyền trên địa bàn tỉnh. Cơ cấu nghề khai thác hải sản của Quảng Nam đa dạng. Ngoài các nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao như lưới vây, chụp mực, có nhiều nghề gây tổn thương nguồn lợi hải sản như giã cào đơn, giã cào đôi hay mành đèn, pha xúc… Do cường lực khai thác ven bờ lớn nên nguồn lợi hải sản bị suy giảm mạnh trong thời gian qua. Thực tế khai thác hải sản tại Quảng Nam cho thấy, vì lợi ích trước mắt, một số ngư dân sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định. Điển hình là ở nghề lưới kéo, mắt lưới nhỏ khiến nhiều loài cá nhỏ bị tận diệt…
Tại nhiều quốc gia và nhiều tỉnh, thành trong cả nước, ngư dân phải thực hiện quy định cấm khai thác một số loài hải sản và cấm khai thác vào một số thời điểm trong năm. Trong khi đó, tại Quảng Nam thì ngư dân sản xuất quanh năm chứ không theo mùa vụ. Thực tế này đã khiến cho nguồn lợi bị suy giảm nặng nề hơn. Thời gian qua, Quảng Nam chưa tiến hành điều tra, đánh giá cụ thể mức độ suy giảm nguồn lợi để có cơ sở cho việc quy hoạch phát triển nghề cá lâu dài, bền vững. Trở ngại không chỉ nằm ở chỗ đội ngũ cán bộ của ngành thiếu mà còn do nguồn kinh phí quá hạn hẹp. Về hoạt động kiểm soát khai thác hải sản, Quảng Nam vẫn chưa khống chế được vấn nạn khai thác hủy diệt nguồn lợi bằng chất nổ, xung điện, lờ dây Trung Quốc. “Thành lập được lực lượng kiểm ngư, thanh tra khai thác hải sản là đáng mừng. Tuy nhiên, do việc khai thác hải sản trái phép diễn ra vào ban đêm, lúc khuya và bằng nhiều thủ đoạn tinh vi trong khi lực lượng mỏng nên chúng tôi khó kiểm soát hết tình hình” - ông Ngô Văn Định, Phó chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam nói.
Theo ông Nguyễn Văn Giỏi - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam, điều chỉnh lại năng lực khai thác hải sản là điều cần thiết trong chiến lược tái cơ cấu khai thác hải sản của Quảng Nam. Đối với vùng ven bờ và vùng lộng, ngành thủy sản sẽ tổ chức điều tra nguồn lợi; xây dựng quy hoạch, có định hướng phát triển các loại nghề cụ thể với cơ cấu và số lượng tàu cá khai thác phù hợp với trữ lượng. Theo đó, từ nay đến năm 2020, số lượng tàu thuyền có công suất nhỏ hơn 20CV sẽ giảm từ 69,14% xuống còn 60%; tàu có công suất từ 90CV trở lên tăng từ 8% lên 16%; nghề lưới kéo sẽ giảm từ 9% xuống còn 5%, nghề lưới vây sẽ tăng từ 4% lên 8%. Năng lực khai thác ở vùng bờ, vùng lộng sẽ được hạn chế bằng cách triển khai hệ thống cấp phép nghiêm ngặt. Cùng với đó là ứng dụng đồng quản lý nghề cá trên cơ sở phân vùng và phân cấp quản lý cho các địa phương ven biển. Việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp giúp ngư dân sinh kế bằng các nghề nuôi trồng thủy sản, chế biến hải sản, dịch vụ, chăn nuôi đã được xét đến. Đối với vùng khơi, trên cơ sở nguồn lợi được điều tra, sẽ xác định số lượng tàu cá cho phép theo nghề ở từng vùng, ngư trường.
Ông Ngô Văn Định cho biết, trong thời gian đến, ngành thủy sản sẽ hướng dẫn, giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động của nghề cá như quy định về mùa vụ, luồng tuyến khai thác, đối tượng khai thác cụ thể. Cùng với đó là kiện toàn, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản cũng như củng cố, phát triển lực lượng kiểm ngư để thực hiện hiệu quả hơn công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động nghề cá. Ngành thủy sản cũng chú trọng xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ nguồn lợi hải sản và tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân về bảo vệ nguồn lợi.
NGUYỄN QUANG VIỆT