Các bác sĩ, thầy thuốc nhân dân về hưu và bác sĩ trẻ đã có những chia sẻ tâm huyết và những trăn trở về sự phát triển của ngành y bên lề Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam.
- Thầy thuốc nhân dân, bác sĩ Dương Văn Nghĩa - nguyên Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam:
“Cần độ chi tiết và cẩn trọng từng chút một”
“Tôi đã chuyển vào sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh nhưng vẫn luôn theo dõi tin tức ở quê nhà Quảng Nam, đặc biệt là sự phát triển từng ngày của ngành y. Ngành y là một ngành rất đặc biệt bởi vì đối tượng của chúng ta là sức khỏe con người, mà sức khỏe là vốn quý nhất. Cơ thể con người là một khối thống nhất, là một cỗ máy hoàn chỉnh nhưng cũng phức tạp nhất. Bởi vậy, chúng ta khi làm bất kỳ công tác gì, từ an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, công tác tiêm chủng đến cấp phát thuốc phải hết sức cẩn trọng, tỉ mỉ, chính xác, không thể qua loa đại khái được. Sai một ly là có khi đi một tính mạng con người và có thể là nhiều người. Chưa ngành nào cần độ chi tiết và cẩn trọng từng chút một như ngành y, vậy nên tinh thần thái độ phục vụ người bệnh rất quan trọng. Nhắc để các bác sĩ, những người đang phục vụ ngành y hiện tại chú ý đến công tác tuyên truyền, nhất là những bệnh nằm trong danh mục bệnh tật của nhân dân Việt Nam như tiểu đường, tim mạch, tai nạn thương tích…”.
- Bác sĩ Nguyễn Văn Lý - nguyên Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam - Đà Nẵng:
“Đừng vì những đòi hỏi nhất thời mà quên đi nhiệm vụ cao cả”
“Nếu nói về khó khăn thiếu thốn thì thời trước còn nhiều hơn gấp bội phần, nhưng tất cả đã cùng chung tay, đoàn kết vượt qua và xây dựng được một nền tảng như ngày hôm nay. Cán bộ làm việc cả ngày đêm trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt nhưng không một ai kêu ca, phàn nàn, luôn thể hiện tinh thần thương người, yêu người bệnh như người thân trong gia đình. Ngày đó, vì thiếu thốn nhiều thứ nên phương châm phòng bệnh là chính, chữa bệnh là quan trọng, cán bộ y tế bằng nhiều biện pháp tuyên truyền giáo dục vận động nhân dân thực hiện tốt phong trào “tam tinh - tứ diệt” (tức là ăn sạch - uống sạch - ở sạch và diệt ruồi - diệt muỗi - diệt chuột - diệt rận, chí rệp). Chúng tôi còn thường xuyên mở lớp đào tạo cho y tá, nữ hộ sinh. Ngành y tế còn có chủ trương đẩy mạnh sản xuất các loại thuốc tại chỗ. Thế hệ chúng tôi chỉ mong muốn thế hệ bây giờ nhìn vào những thành quả cơ bản đó để tiếp tục phát triển lên, đừng vì những đòi hỏi nhất thời mà quên đi nhiệm vụ cao cả, trách nhiệm đáng quý của người thầy thuốc”.
- Dược sĩ, bác sĩ Đặng Ngọc Phái - nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam:
“Sâm Ngọc Linh cần phát triển lên thành nguồn lực”
“Tôi vẫn cứ trăn trở về thương hiệu “Sâm Ngọc Linh” của Quảng Nam. Mặc dù hiện tại chúng ta đã tập trung ổn định tổ chức bộ máy của Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam nhưng tôi chưa thực sự yên tâm. Ngày trước, bản thân tôi cùng một số cộng sự đã lên tận vùng Ngọc Linh, Nam Trà My nghiên cứu, tìm giống. Rồi chính chúng ta đã cung cấp giống sâm Ngọc Linh này cho vùng Kon Tum. Giá trị của sâm Ngọc Linh Quảng Nam thì không còn gì bàn cãi, nhưng thương hiệu thì còn chậm quá. Nên hãy tập trung vào việc này, thật mạnh mẽ, thật cương quyết để không chỉ gìn giữ vốn quý, tài sản thiên nhiên ưu đãi cho Quảng Nam mà còn phát triển lên thành nguồn lực”.
- Bác sĩ Trương Quang Bình - Bí thư Đoàn thanh niên Sở Y tế:
“Phục vụ sức khỏe cho người dân là mục tiêu cao cả và tối thượng”
“Y đức mang tính bắt buộc đối với đội ngũ y bác sĩ mà còn là kim chỉ nam trong việc hành nghề. Có thể nói, lời thề Hyppocrates là tín ngưỡng, niềm tin cho mọi y bác sĩ trong sự nghiệp cứu chữa người. Đại diện cho thế hệ trẻ, tôi tuyệt đối tin tưởng rằng, việc phục vụ sức khỏe cho người dân là mục tiêu cao cả và tối thượng. Và chúng tôi xin hứa luôn là ngọn cờ đầu, luôn ý thức rèn luyện tay nghề, nghiêm túc nhìn nhận vai trò của mình đối với xã hội. Lời hứa ấy chính là đạo đức, niềm tin cho một tương lai sẵn sàng phục vụ người bệnh”.
AN XUYÊN (ghi)