1. Với những người yêu bóng đá, có lẽ không ai không biết đến danh tiếng và ít nhiều dành tình cảm mến mộ Phạm Huỳnh Tam Lang. Vì thế, sự ra đi của cựu HLV Phạm Huỳnh Tam Lang ở tuổi 72 hồi giữa tuần đã để lại niềm tiếc thương không chỉ đối với giới cầu thủ mà còn với cả người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Qua lời các đồng nghiệp cùng thời và học trò trên phương tiện truyền thông từ khi Tam Lang nằm xuống, có thể nói ông là mẫu cầu thủ - HLV tài đức vẹn toàn mà bóng đá nước nhà hiếm có người thứ hai.
HLV Phạm Huỳnh Tam Lang (người đứng bên phải) khi còn dẫn dắt đội bóng hạng nhất TP.Hồ Chí Minh thi đấu trên sân Tam Kỳ. Ảnh: A.NHI |
Cầu thủ Phạm Huỳnh Tam Lang nổi tiếng từ thập niên 60 của thế kỷ trước và đỉnh cao được nhiều người nhắc đến nhiều nhất là chiếc cúp vô địch Merdeka năm 1966. Còn hiện nay, nhiều người biết đến danh tiếng Tam Lang chủ yếu qua sự nghiệp cầm quân. Tên tuổi của ông gắn liền với đội tuyển quốc gia, với đội bóng có lối chơi hào hoa được nhiều người yêu mến Cảng Sài Gòn và sau này là đội bóng TP.Hồ Chí Minh. Người hâm mộ xứ Quảng cũng đã có lần được gặp ông với vai trò là HLV khi dẫn dắt đội bóng TP.Hồ Chí Minh thi đấu giải hạng Nhất trên sân Tam Kỳ. Vẫn phong thái chỉ đạo điềm đạm, khoanh tay nhìn các học trò thi đấu nhưng ông lại có sức hút đến kỳ lạ. Đội nhà thất bại, vậy mà không hề nghe ông buông một lời to tiếng nào đối với cầu thủ, ngược lại vỗ vai động viên từng người.
2. Cũng trong tuần, có một sự kiện được nói đến nhiều đó là việc HLV Nguyễn Đức Thắng của đội bóng Công an nhân dân bị “treo tay” một năm, dù hành động xua quân “đình công” ở vòng chung kết giải hạng Nhì đã xảy ra cách đây hơn một tháng. Khi còn cầu thủ, Nguyễn Đức Thắng nổi tiếng không chỉ ở tài năng, là một trong những hậu vệ trái xuất sắc nhất của đội tuyển Việt Nam mà còn khá điển trai với vẻ mặt thư sinh khiến các fan nữ chết mê chết mệt.
Chuyển sang sự nghiệp HLV, dấu ấn lớn nhất mà cựu cầu thủ của đội Thể Công này để lại đến nay chính là đưa đội bóng Công an nhân dân giành quyền lên chơi giải hạng Nhất sau trận thắng Tiền Giang tại vòng chung kết giải hạng Nhì diễn ra hồi giữa tháng 5 trên sân Tam Kỳ. Tuy nhiên, tai tiếng của HLV trẻ ấy cũng chính ở chiến công này. Bị tước quyền chỉ đạo do phản ứng thái quá trọng tài, nhưng điều đáng nói hơn, từ trên khán đài, Nguyễn Đức Thắng liên tục chỉ đạo cho các cầu thủ của mình dừng trận đấu để gây sức ép lên trọng tài và ban tổ chức.
3. Vụ ẩu đả trên sân giữa cầu thủ 2 đội Hải Phòng và Hà Nội T&T ở lượt trận cuối tuần qua được coi là sự kiện đáng xấu hổ của V-League. Trực tiếp truyền hình trên khắp cả nước, hình ảnh cầu thủ lao vào đánh nhau như dân xã hội đen ngoài đường phố khiến cho người xem ngán ngẩm. Sân chơi chuyên nghiệp vốn đã kém chuyên môn nay lại xuất hiện thêm bạo lực, kéo giá trị V-League xuống đến mức rất thấp kể từ khi ra đời. Các cầu thủ tham gia sau đó đã bị xử lý kỷ luật nặng hết khung hình phạt, trong đó “treo giò” Nguyễn Văn Nam (Hải Phòng) đến hết giải, Samson (Hà Nội T&T) cùng các cầu thủ của Hải Phòng là Đồng Đức Thắng, Vũ Thanh Tùng cũng bị từ 2 - 4 trận. Thế nhưng, điều mất mát lớn hơn sau sự cố này là làm xấu đi hình ảnh của bóng đá Việt Nam.
Danh tiếng của cựu HLV Phạm Huỳnh Tam Lang trên sân cỏ và ngoài cuộc đời, có lẽ từ HLV trẻ Nguyễn Đức Thắng đến các cầu thủ như Nguyễn Văn Nam, Đồng Đức Thắng, Vũ Thanh Tùng cần coi đó là bài học cho riêng mình. Bóng đá hay bất cứ công việc nào khác, bên cạnh tài năng cần có đức độ mới thành công. Hơn nữa, HLV, cầu thủ còn là những người nêu gương sáng cho người xem, nhất là những khán giả nhỏ tuổi nên cần có hành xử đúng mực trên tinh thần thể thao cao thượng.
AN NHI