Trải qua gần nửa thế kỷ đấu tranh cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng (1930 - 1975), mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng đã kiên cường bất khuất chiến đấu chống quân xâm lược vì độc lập tự do cho quê hương, Tổ quốc. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ đó, Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng đã viết nên những trang sử hào hùng, tô đậm thêm chiến công hiển hách của dân tộc. Để làm nên những trang sử hào hùng đó, không thể không kể đến công lao, đóng góp của những người cộng sản. Dưới đây là 2 câu chuyện tiêu biểu.
Đồng chí Phan Văn Định (áo trắng, ở giữa) trong một lần về thăm Quảng Nam. (Ảnh tư liệu) |
1.Ngày 28.3.1930, tại bãi cát Trường Lệ, bên cây Thông Một, Hội An, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam được thành lập. Bí thư đầu tiên của Đảng bộ tỉnh là đồng chí Phan Văn Định - người con của mảnh đất Tùng Ảnh anh hùng (xã Tùng Ảnh, thuộc huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, quê hương Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta - đồng chí Trần Phú). Có ai biết được, Bí thư của một Tỉnh ủy lại là nhân viên lái xe cho tên Công sứ Pháp tại Hội An. Với bộ đồ sốp phơ - mang biểu hiệu nhà sứ: R. F (Résidence FaiFoo), đồng chí Phan Văn Định trở thành đầu mối quan trọng của tổ chức đảng và phong trào cách mạng ở địa phương. Nhiều lần Công sứ đã nghi vấn và muốn “thử lửa” anh chàng lái xe của mình. Tuy nhiên với sự bình tĩnh và khôn khéo của mình, đồng chí Phan Văn Định đã vượt qua những lần “thử lửa”, tạo được niềm tin cho vợ chồng Công sứ. Từ đó, ga-ra xe Tòa công sứ Pháp ở Hội An trở thành nơi in ấn, cất giấu tài liệu của cách mạng. Nhiều lần đưa Công sứ Pháp đi các nơi trong tỉnh, đồng chí còn mang theo truyền đơn để rải đọc đường.
Do việc lái xe cho viên Công sứ ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo phong trào cách mạng, đặc biệt là xây dựng cơ sở cách mạng ở vùng nông thôn, nên trong cuộc họp Tỉnh ủy tháng 8.1930, đồng chí Phan Văn Định đã đề nghị đồng chí Phạm Thâm làm Bí thư Tỉnh ủy thay mình. Hồi ký của đồng chí Phan Văn Định có viết: “Việc cử đồng chí Thâm thay tôi rất dễ hiểu: tôi ít gần phong trào lại vướng mắc việc nhà sứ (lái xe cho Công sứ), không có điều kiện và đủ sức để đáp ứng phong trào đang dồn nén như nước lũ áp bờ. Tỉnh ủy họp nhất trí cử đồng chí Phạm Thâm làm Bí thư, phụ trách các huyện từ Quế Sơn trở vào, tôi Phó Bí thư phụ trách tổ chức, ấn loát, tài chính”.
Trước sự nghi ngờ và theo dõi của viên Công sứ, ngày 22.10.1930, đồng chí Phan Văn Định bị bắt giam ở nhà lao tỉnh Quảng Nam sau đó chuyển xuống giam ở nhà lao Hội An rồi bị đày đi Lao Bảo. Sau khi ra tù, đồng chí trở về hoạt động cách mạng tại quê hương Hà Tĩnh. Sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, đồng chí Phan Văn Định đã nhiều lần trở lại Quảng Nam và luôn xem mảnh đất này là quê hương thứ hai của mình. Đồng chí đã trở lại những nơi từng gắn bó trong thời gian hoạt động ở Quảng Nam, Đà Nẵng, thăm một số cơ sở cách mạng trung kiên. Đặc biệt đã tham gia cung cấp tư liệu và cho nhiều ý kiến quý báu để Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh biên soạn tập Lịch sử Đảng bộ tỉnh thời kỳ 1930 - 1945.
2.Sau cuộc mít tinh kỷ niệm Cách mạng tư sản Pháp (14.7.1939), địch tiến hành khủng bố, bắt bớ nhiều cán bộ, đảng viên. Tỉnh ủy bị bể vỡ, hầu hết đồng chí trong Tỉnh ủy đều bị bắt. Tuy nhiên ở một số phủ huyện, nhiều cơ sở đảng và cơ sở cách mạng không bị vỡ. Sau khi bị bắt vào tù, các đồng chí nhanh chóng thành lập Ban liên lạc tù chính trị ở nhà lao tỉnh cũng như ở nhà lao Hội An. Thông qua cơ sở hợp pháp bên ngoài tại Hội An và người nhà đến thăm, Ban liên lạc đã giới thiệu cho các đồng chí ở bên ngoài những cơ sở cách mạng và đảng viên còn lại để tiếp tục móc nối, xây dựng cơ sở. Nhờ đó đồng chí Võ Toàn (Võ Chí Công), Bí thư Phủ ủy Tam Kỳ đã liên lạc được với các đồng chí Huỳnh Cự (Duy Xuyên), Võ Huyến (Điện Bàn). Trên cơ sở đó, tháng 3.1940, các đồng chí tổ chức hội nghị thành lập lại Tỉnh ủy Quảng Nam. Hội nghị gồm các đồng chí Võ Toàn, Nguyễn Sắc Kim, Khưu Thúc Cự, Huỳnh Cự, Võ Huyến.
Tại hội nghị, đồng chí Võ Toàn đã giới thiệu đồng chí Khưu Thúc Cự làm Bí thư nhưng ông chỉ nhận là Tỉnh ủy viên. Trong cuốn hồi ký “Trên những chặng đường cách mạng” của mình, đồng chí Võ Chí Công viết: “Đầu tháng 3.1940, tôi cùng các đồng chí Kim, Huyến, Huỳnh Cự, Khưu Thúc Cự họp thành lập Tỉnh ủy lâm thời. Tôi giới thiệu anh Khưu Thúc Cự làm Bí thư, vì anh ấy lớn hơn tôi 5 - 6 tuổi, học trường Quốc học Huế, do bãi khóa nên bị đuổi, lại vào Đảng sớm hơn tôi, nhưng anh Cự và các anh vẫn cử tôi. Tôi vẫn đề nghị anh Cự nhưng anh không chịu”. Cuối cùng Tỉnh ủy lâm thời cũng đã được thành lập, với tuyệt đại đa số tán thành, đồng chí Võ Toàn được cử làm Bí thư Tỉnh ủy.
Thế mới thấy đức tính khiêm tốn, cao cả của người cộng sản đã tô thắm thêm truyền thống cách mạng của mảnh đất xứ Quảng anh hùng. Tấm gương đó, sẽ là bài học vô cùng quý giá đối với công tác xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay.
LÊ NĂNG