Tam Kỳ phát triển thành đô thị loại II : Đích gần mà xa

XUÂN PHÚ 24/03/2014 09:24

Năm 2005, Tam Kỳ được công nhận là đô thị loại III và sau đó bắt tay vào xây dựng thành phố với mục tiêu đạt các tiêu chí của đô thị loại II vào năm 2015.

Thành quả

Đầu năm 2005, Tam Kỳ được chia tách thành 2 đơn vị hành chính mới là thị xã Tam Kỳ và huyện Phú Ninh. Đến 10.2005, thị xã Tam Kỳ được công nhận là đô thị loại III và trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Với vị thế là trung tâm tỉnh lỵ, hỗ trợ cho chiến lược phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai, đồng thời có vị trí chiến lược trong chuỗi đô thị Vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên nên Tam Kỳ đặt ra mục tiêu xây dựng và nâng cấp trở thành đô thị loại II vào năm 2015.

Đường Hùng Vương TP.Tam Kỳ. Ảnh: Phương Thảo
Đường Hùng Vương TP.Tam Kỳ. Ảnh: Phương Thảo

Với sự quyết liệt trong tập trung đầu tư, đến nay việc xây dựng Tam Kỳ trở thành đô thị loại II đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Ông Nguyễn Văn Lệnh - Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Tam Kỳ cho biết, trong số 49 chỉ tiêu của 6 nhóm tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư 34 (30.9.2009) của Bộ Xây dựng về phân loại đô thị thì Tam Kỳ đã đạt 32 chỉ tiêu. Trong đó, tiêu chuẩn 1 về chức năng đô thị đạt 4/7 chỉ tiêu, tiêu chuẩn 2 về quy mô dân số toàn đô thị đạt 1/3, tiêu chuẩn 4 về tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 1/1, tiêu chuẩn 5 về hệ thống công trình đô thị 24/30, tiêu chuẩn 6 về  kiến trúc, cảnh quan đô thị 2/6. Đáng chú ý, trong số này có nhiều chỉ tiêu đòi hỏi khá cao nhưng với nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền từ tỉnh đến thành phố và người dân đã giúp Tam Kỳ chỉ trong thời gian ngắn đã hoàn thành một cách xuất sắc. Chẳng hạn, tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2013 là 691 tỷ đồng (so với chỉ tiêu tối đa theo quy định là 600 tỷ đồng), mức tăng trưởng kinh tế 3 năm gần nhất đạt trung bình 11,75% (chỉ tiêu tối đa là 7%). Các chỉ tiêu về công trình công cộng cấp đô thị, hệ thống cấp điện hay chiếu sáng công cộng, tất cả cũng đều vượt xa quy định tối thiểu để được công nhận đô thị loại II.

Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Nguyễn Văn Lúa chia sẻ thêm, so với số điểm tối thiểu theo quy định của đô thị loại II là 69,6 điểm thì hiện nay Tam Kỳ đã có được 57 điểm. Rõ ràng, với một thành phố trẻ và xuất phát điểm về cơ sở hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội khá thấp thì những kết quả đạt được hiện nay được coi là một thành công lớn trên con đường xây dựng, phát triển Tam Kỳ.

Đích đến năm 2016?

Dù còn đến 17 tiêu chí chưa đạt nhưng ông Nguyễn Văn Lệnh vẫn tự tin cho rằng, có một số tiêu chí trong tương lai gần sẽ hoàn thành nhờ hiện nay đã xấp xỉ chuẩn quy định và đang được thành phố tích cực triển khai thực hiện. Chẳng hạn, tỷ lệ dân số nội thị được cấp nước sạch chỉ 65% so với chỉ tiêu tối thiểu 75% nhưng hiện UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư, mở rộng hệ thống cấp nước trên địa bàn thành phố với mức đầu tư 288 tỷ đồng nên không còn đáng lo nữa. Tương tự là các chỉ tiêu về hệ thống thoát nước, xử lý nước thải khi hiện nay đang triển khai thực hiện dự án thu gom, xử lý nước thải công suất 8.000m3/ngày đêm tại phường Hòa Hương. Cũng theo ông Lệnh, có một vài tiêu chí mà đô thị Tam Kỳ sẽ không thể đạt chuẩn theo quy định nhưng cần được “chia sẻ”. Ví như chỉ tiêu về vị trí và tính chất đô thị. Đến  nay, Tam Kỳ đã khẳng định là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, GD-ĐT, dịch vụ và khoa học - kỹ thuật của tỉnh. Tuy chưa thể hiện tính tổng hợp toàn vùng và quốc gia nhưng Tam Kỳ có rất nhiều tiềm năng khi có vị thế chiến lược trong chuỗi đô thị Vùng duyên hải miền Trung như nằm trên trục đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, quốc lộ 1, đường Nam Quảng Nam nối với các tỉnh Tây Nguyên. Chỉ tiêu về nhà tang lễ đối với Tam Kỳ cũng không hợp lý. Do dân số ít và truyền thống văn hóa về tang ma của người dân địa phương, vì vậy chỉ cần 1 nhà tang lễ là đã đáp ứng yêu cầu chứ không nhất thiết phải xây dựng theo chuẩn tối thiểu 3 nhà.

Một trong những băn khoăn lớn nhất trong thời gian tới chính là vấn đề tài chính bởi các tiêu chí chưa đạt phần lớn đều tập trung ở cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông, thu gom xử lý nước thải, khu đô thị mới đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Theo báo cáo của UBND TP.Tam Kỳ, giai đoạn 2014 - 2016, để hoàn thành các chỉ tiêu chưa đạt, nhu cầu về nguồn vốn đầu tư cho các dự án lên tới 4.130 tỷ  đồng. Dù thừa nhận đây là vấn đề khó khăn nhất nhưng ông Nguyễn Văn Lúa cho rằng vẫn có khả năng thực hiện được vì các dự án đã và đang triển khai. Ông Lúa phân tích: “Thật ra đây là nguồn kinh phí của cả Trung ương, tỉnh và thành phố vì nhiều dự án trên địa bàn thành phố nhưng của tỉnh và Trung ương như đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cầu Kỳ Phú 1, 2 hay các trường đại học, cao đẳng, Bảo tàng tỉnh. Còn lại 17 tiêu chí nhưng thật ra có đến 11 tiêu chí gần đạt. Hơn nữa, nhiều tiêu chí không tốn nhiều tiền mà chỉ đẩy mạnh xã hội hóa sự đóng góp trong nhân dân như cấp nước sinh hoạt, điện chiếu sáng đô thị hay cần ý thức của người dân trong việc xây dựng tuyến phố văn minh”.

Theo ông Lúa, giải pháp quan trọng nhất trong thời gian tới là tìm nguồn vốn. Thành phố sẽ tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực, tranh thủ nhiều nguồn vốn từ Trung ương đến địa phương, nguồn vận động nước ngoài như ODA, WB. Đồng thời tăng cường nhận thức trong toàn xã  hội và người dân về phát triển đô thị. Lâu nay, đầu tư xây dựng đô thị gần như chỉ Nhà nước làm là chính nên hiện nay phải tích cực vận động người dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và toàn xã hội chung tay xây dựng thành phố. Hy vọng, TP.Tam Kỳ sẽ cơ bản đạt được các tiêu chí đô thị loại II đến năm 2016.

XUÂN PHÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tam Kỳ phát triển thành đô thị loại II : Đích gần mà xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO