Đối với 40% hộ nghèo trên địa bàn thành phố có khả năng thoát nghèo, chính quyền thành phố quyết tâm đến hết năm 2015 sẽ không còn hộ nghèo.
Xây mô hình
Xã hội hóa công tác giảm nghèo là điểm nhấn của TP.Tam Kỳ, nhờ đó huy động được nguồn lực lớn giúp đỡ người nghèo. Khi cả xã hội vào cuộc chăm lo cho người nghèo, nhiều mô hình hiệu quả được nhân rộng, người nghèo có điều kiện làm ăn, thoát nghèo bền vững. Những mô hình có thể kể đến như xây dựng được 341 nhóm góp vốn quay vòng; tổ tiết kiệm - tín dụng của hội phụ nữ có đến 6.776 chị tham gia; hay phong trào trao phương tiện sản xuất, hỗ trợ vốn hoặc con giống cho người nghèo được nhân rộng. Các tổ chức hội, đoàn thể ở TP.Tam Kỳ có vai trò rất lớn trong công cuộc xã hội hóa này. Các tổ chức hội đã có nhiều cách làm sáng tạo, hỗ trợ và chịu trách nhiệm đối với hội viên của tổ chức, giúp đỡ hội viên cả về vốn, phương pháp và kiến thức phát triển kinh tế.
Trao phương tiện sản xuất cho hộ nghèo là cách làm được nhân rộng trong nhiều hội đoàn thể ở TP.Tam Kỳ. Ảnh: D.L |
Hội Nông dân là tổ chức hội có nhiều hội viên thuộc diện nghèo, vì thế việc giúp đỡ hội viên thoát nghèo là trách nhiệm lớn của các cấp hội. Ông Phạm Việt Chiến - Chủ tịch Hội Nông dân TP.Tam Kỳ tâm sự, nhiều hội viên nông dân rất muốn thoát nghèo nhưng họ không có vốn, không có đất sản xuất, không có kiến thức làm ăn thì không thể thoát nghèo được. “Hội Nông dân thành phố xác định đưa hội viên ra khỏi diện nghèo là nhiệm vụ cấp bách, vì thế chúng tôi giao chỉ tiêu cho mỗi chi hội xã, phường mỗi năm đều phải có ít nhất 2 hội viên thoát nghèo. Nhiệm vụ này thành chỉ tiêu thi đua. Chi hội nào hết hội viên nghèo vẫn được giao chỉ tiêu để hội chung tay giúp hội viên của các hội đoàn thể khác cùng thoát nghèo” – ông Chiến nói.
Hội Cựu chiến binh thành phố chọn cách làm “đi gõ cửa từng nhà, hỏi từng người” để xác định đúng nguyên nhân khiến hội viên nghèo, từ đó tác động vào nguyên nhân ấy giúp hội viên thoát nghèo. “Đa số hội viên của Hội Cựu chiến binh nghèo vì thiếu vốn làm ăn, vì thế chúng tôi dùng nguồn vốn quay vòng, cùng với sự giúp đỡ trực tiếp của các nhà hảo tâm, chúng tôi hỗ trợ bò sinh sản cho hội viên nuôi. Nhờ đó, toàn thành phố giờ chỉ còn 3 hộ nghèo là hội viên của Hội Cựu chiến binh. Ba hộ nghèo này thuộc diện không có khả năng lao động, đau ốm thường xuyên, già yếu” - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.Tam Kỳ Nguyễn Quốc Thái cho biết.
Quyết tâm
Kiên quyết với những trường hợp nghèo vì lười lao động là động thái quyết liệt của TP.Tam Kỳ trong thời gian qua. Bà Trần Thị Bộ, Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Tam Kỳ cho biết, năm 2011, vì tính nể nang, sợ mất lòng mà toàn thành phố có đến 586 người chây lười lao động vẫn được bình xét vào hộ nghèo. Đến năm 2012, địa phương kiên quyết loại trừ nhưng vẫn còn 3 người nghèo thuộc diện này. Năm 2013 vừa qua, số chây lười hoàn toàn bị loại bỏ khỏi diện nghèo, chỉ còn những người nghèo vì thiếu vốn sản xuất, thiếu lao động, đông con cái đi học, và nhóm đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội. Đối với các nguyên nhân khác, chính quyền thành phố hoàn toàn có thể tác động để giúp người nghèo thoát nghèo bền vững được. Riêng nhóm người ốm đau nặng, mắc tệ nạn xã hội, già cả neo đơn thì không thể nào thoát nghèo được do họ không thể lao động. Đối với nhóm này thành phố sẽ nghiên cứu cách trợ giúp riêng để họ có thể đảm bảo được mức sống.
Ông Bùi Ngọc Ảnh - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ khẳng định, trong số 1.021 hộ nghèo còn lại của TP.Tam Kỳ, có 40% hộ nghèo có khả năng thoát nghèo, và TP.Tam Kỳ quyết tâm đưa 40% hộ nghèo này ra khỏi hộ nghèo vào năm 2015. Ông Ảnh nhấn mạnh: “Thành phố quyết tâm đến hết năm 2015, số hộ nghèo có khả năng thoát nghèo phải hết nghèo bằng nhiều biện pháp, tách từng nguyên nhân để tác động vào đó. Như đối với hộ thiếu lao động thì sẽ giúp bằng cách cho học nghề gắn với giải quyết việc làm; nhóm đông con đi học thì nhận đỡ đầu, trao phương tiện sản xuất, miễn giảm 100% học phí và các khoản đóng góp theo quy định khi học các cấp phổ thông trên địa bàn thành phố; nhóm thiếu vốn thì hỗ trợ vay vốn; nhóm thiếu việc làm thì chuyển đổi nghề phù hợp...”. Cũng theo ông Ảnh, từ năm 2014 trở đi, thành phố chuyển sang giao nhiệm vụ cho các địa phương phải giảm hộ cận nghèo. Riêng đối với nhóm hộ không có khả năng thoát nghèo, các xã, phường phải đứng ra giúp đỡ, hỗ trợ cho đối tượng đảm bảo được cuộc sống.
Theo UBND TP.Tam Kỳ, các xã, phường phải đăng ký thoát nghèo vĩnh viễn, và chịu trách nhiệm trước thành phố về việc đăng ký này. Bằng nguồn ngân sách của TP.Tam Kỳ, những hộ thoát nghèo và thôn, khối phố, phường thoát nghèo bền vững sẽ được thưởng. Hộ thoát nghèo cả giai đoạn 2011- 2015 thì được thưởng 3 triệu đồng/ hộ; thôn, khối phố thoát nghèo được thưởng công trình không quá 50 triệu đồng; xã, phường thoát nghèo thưởng công trình tối đa 250 triệu đồng.
DIỄM LỆ