Tấm lòng cao quý

NGUYỄN QUANG VIỆT 10/04/2015 09:43

Tuổi già, sức khỏe không tốt nhưng Đại tá về hưu Lê Xuân Đây (thôn Tiên Đỏa, xã Bình Sa, Thăng Bình) vẫn thầm lặng thực hiện những công việc cao quý tại quê nhà.
Ông Lê Xuân Đây vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng từ năm 1950. Năm 1952, ông nhập học ở Trường sĩ quan Lục quân. Từ đó cho đến hết năm 1954, ông Đây là cán bộ chính trị thuộc Đại đội 302, Tiểu đoàn 71, Đại đoàn 305 (Quân khu 5). Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, ông Lê Xuân Đây tập kết ra Bắc. Năm 1955, ông Đây là sinh viên khóa 10, Trường Sĩ quan Lục quân. Đến năm 1959, sau khi tốt nghiệp lục quân, ông Đây tiếp tục theo học ở Trường Đại học Kinh tế - tài chính. Năm 1962, ông xin cấp trên chuyển về công tác ở Quân khu 5 rồi tham gia quân tình nguyện Lào. Nguyên nhân chỉ là: người lính thì phải trực tiếp tham gia chiến đấu, đối mặt với kẻ thù. Trong suốt thời gian từ tháng 12.1963 đến tận những năm 1972, chỉ riêng tại Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, dường như không ngày nào ngớt tiếng đạn bom, không ngày nào không có cảnh chết chóc tang thương. Thậm chí có những thời gian dài, ở nơi mưa bom, bão đạn này không phân biệt được ngày và đêm nữa. “Quá nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh tại chiến trường này, nhiều người đã giành lấy phần hiểm nguy, nhường lại vị trí an toàn cho tôi”- ông Lê Xuân Đây kể.

Đại tá Lê Xuân Đây thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Bia tưởng niệm Cồn Soi.
Đại tá Lê Xuân Đây thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Bia tưởng niệm Cồn Soi.

Chính vì những day dứt đó mà sau ngày hòa bình độc lập và khi đã nghỉ hưu, ông vẫn miệt mài với công việc “đi tìm đồng đội”. Ngày ngày, ông Đây đọc báo, nghe đài, tìm hiểu thêm qua các kênh thông tin khác rồi tham gia các cuộc đi tìm hài cốt liệt sĩ. Nhiều cuộc băng rừng, vượt suối, sống ở rừng sâu, nước độc dài ngày không những không làm ông Đây sờn lòng mà còn hun thêm quyết tâm phải tìm cho bằng được những đồng đội đã ngã xuống, dù chỉ là nắm xương nơi miền biên viễn. Ở tuổi 83, nghĩ về đồng đội, nhiều khi ông cảm thấy thanh thản nhưng đâu đó nơi khuất sâu của tâm hồn, Đại tá Lê Xuân Đây vẫn nhận thấy mình… có lỗi với đồng đội.

Những ngày về Bình Sa, Thăng Bình nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng quê hương, việc đầu tiên của ông là đến Bia tưởng niệm Cồn Soi ở thôn Tiên Đỏa. Rồi ông nhờ cán bộ xã Bình Sa đưa đi viếng mộ những người bạn, người thân đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ đang an nghỉ tại Nghĩa trang nhân dân xã Bình Sa. Và đặc biệt là viếng mộ người bạn Trần Ca. Anh cán bộ xã kể, ông Trần Ca là người làng Tiên Đỏa, trở về quê hương với hai bàn tay trắng. Ở buổi đầu gian khó, ông Lê Xuân Đây đã góp hàng chục triệu đồng rồi vận động đóng góp trong nhân dân, đứng ra xây nhà tình nghĩa để người đồng đội của mình có chỗ vào ra, tá túc. Khi ông Ca qua đời, cũng một tay vị đại tá già Lê Xuân Đây lo tang ma, xây mồ mả.  
Ông Lê Xuân Đây đã tự mình tổ chức và đứng ra vận động đóng góp của các nhà hảo tâm để xây dựng Quỹ Khuyến học xã Bình Sa ngày càng lớn mạnh. Mỗi năm học, các em học sinh nghèo vượt khó đều được tặng các phần quà ý nghĩa để tiếp bước đến trường.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tấm lòng cao quý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO