Tam nông khởi sắc

NGUYỄN VĂN SỰ 30/08/2013 08:26

Từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đến nay, nhờ tập trung phát triển sản xuất và xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, lĩnh vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn ở Quảng Nam đã có bước chuyển biến rõ nét...

Phát triển sản xuất

Theo ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để nâng cao năng suất lúa, hạn chế thiệt hại do khô hạn gây ra, từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW (ngày 5.8.2008) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp – nông dân – nông thôn, Quảng Nam đã tập trung mọi nguồn lực cho khâu thủy lợi. Theo thống kê, 5 năm nay, bằng nhiều nguồn vốn huy động tỉnh đã chi 450 tỷ đồng xây mới, nâng cấp 14 hồ chứa nước, thi công gần 190 công trình thủy lợi vừa và nhỏ, kiên cố hóa khoảng 300km kênh mương. Nhờ vậy, đến nay mỗi vụ toàn tỉnh có 44.000ha đất canh tác lúa, trong đó có 85% diện tích chủ động được nước tưới, tăng 25% so với năm 2008.

Nhờ chú trọng đầu tư nhiều khâu nên năng suất lúa liên tục tăng lên.Ảnh: VĂN SỰ
Nhờ chú trọng đầu tư nhiều khâu nên năng suất lúa liên tục tăng lên.Ảnh: VĂN SỰ

Từ năm 2008 đến nay ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương cũng chú trọng đến việc phát triển những loại cây trồng cạn chủ lực theo hướng hàng hóa. Hiện toàn tỉnh có hơn 38.000ha đất chuyên canh, luân canh cây công nghiệp ngắn ngày và rau đậu các loại. Để giúp nông dân nhanh chóng hình thành những mô hình canh tác tập trung, thời gian qua tỉnh đặc biệt quan tâm đến khâu thủy lợi hóa đất màu. Chỉ tính riêng 5 năm trở lại đây Quảng Nam đã đầu tư 150 tỷ đồng xây dựng 129 công trình thủy lợi nhằm chủ động nước tưới cho hàng nghìn héc ta đất màu. Ông Muộn cho biết, nhờ tập trung lo khâu nước tưới, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng nên nông dân trên địa bàn tỉnh đã hình thành được hàng nghìn mô hình chuyên canh chuối lùn, luân canh và xen canh bắp lai, ớt, dưa hấu, đu đủ, thuốc lá, rau đậu các loại với tổng diện tích 14.000ha. Bình quân mỗi năm 1ha đất sản xuất theo hướng này cho giá trị 90 - 200 triệu đồng.

Những năm gần đây tại nhiều địa phương miền núi, các doanh nghiệp và nông dân đầu tư phát triển mạnh loại cây cao su. Nếu năm 2008 toàn tỉnh chỉ có 3.403ha cao su thì bây giờ đã tăng lên hơn 12.000ha, trong đó cao su tiểu điền chiếm 22%. Được biết, hiện nay tổng diện tích cao su đưa vào khai thác mủ khoảng 2.500ha, mỗi năm 1ha cho giá trị 95 triệu đồng. Cần nói thêm, nhờ nhận khoán trồng, chăm sóc vườn cao su, thời gian qua hàng nghìn hộ dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập 2 - 3 triệu đồng/người/tháng, góp phần rất lớn trong việc giảm nghèo ở vùng khó khăn...

Được tiếp cận nhiều kênh vốn ưu đãi, những năm qua ngư dân Quảng Nam có điều kiện cải hoán, nâng công suất tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ hiện đại để vươn ra khơi xa. Nhờ vậy, sản lượng đánh bắt thủy hải sản giai đoạn 2008-2013 tăng bình quân 3,3%/năm. Riêng năm 2013 này tổng sản lượng khai thác ước đạt 60.000 tấn, tăng 10.000 tấn so với năm 2008. Nhờ thay đổi phương thức nuôi, chú trọng chất lượng con giống đầu vào nên giá trị nuôi trồng thủy sản trên một đơn vị diện tích cũng tăng lên đáng kể. Theo ngành nông nghiệp, hiện nay 1ha mặt nước nuôi trồng thủy sản cho người dân mức thu nhập mỗi năm 277 triệu đồng, tăng 140 triệu đồng so với năm 2008.

Xây dựng hạ tầng

Năm 2013 này bình quân thu nhập của cư dân nông thôn ước khoảng 18,5 triệu đồng/người, tăng 2,4 lần so với năm 2008. Nếu năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 24,18% thì hiện nay giảm xuống còn 15,2% theo chuẩn mới. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng mạnh, năm 2009 đạt 55,7%, đến cuối năm 2012 đạt 75%, ước thực hiện năm 2013 khoảng 78%. Từ đầu năm 2009 đến nay toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 170 nghìn lao động nông thôn.

Bên cạnh việc tập trung thi công hệ thống thủy lợi, từ năm 2008 đến nay tỉnh cũng dành nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, 5 năm qua bằng nguồn vốn do ngân sách nhà nước hỗ trợ và nhân dân đóng góp, Quảng Nam tiếp tục bê tông hóa 1.025km giao thông nông thôn với số tiền không dưới 500 tỷ đồng, nâng tổng số đường liên xã, liên thôn, liên xóm được kiên cố hóa lên hơn 3.840km. Hiện nay 206/213 xã ở khu vực nông thôn có đường ô tô đến trung tâm, đạt tỷ lệ gần 97%.

Ông Lê Văn Dũng – Giám đốc Trung tâm Nước sạch & vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Nam cho biết, để ngăn chặn nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, 5 năm qua từ nhiều nguồn vốn huy động tỉnh đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng xây dựng rất nhiều hệ thống nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Tính đến giữa tháng 8.2013 tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trên địa bàn toàn tỉnh đạt 85%, tăng 11,5% so với năm 2008. Ngoài ra, hiện nay số xã có dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt đạt 75,8%, tăng 35,8% so với cuối năm 2007.

Trong giai đoạn 2008-2013, các ngành, địa phương cũng đã tiến hành nâng cấp, xây mới thêm 18 chợ nông thôn, nâng tổng số chợ ở khu vực này lên con số 145. Ông Mai Đình Lợi – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam đánh giá: “Mạng lưới chợ nông thôn đóng vai trò rất quan trọng trong việc phân phối, lưu thông hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất, tiêu dùng và đời sống dân sinh. Đặc biệt, góp phần tiêu thụ sản phẩm hàng hóa từ sản xuất nông nghiệp của nông dân”.

NGUYỄN VĂN SỰ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tam nông khởi sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO