Tâm thế của người trong cuộc

THỤC ANH (ghi) 24/08/2013 09:02

Ông Trần Hữu Doãn – Chủ tịch HĐTV Công ty May Tuấn Đạt (Cụm công nghiệp Trường Xuân, Tam Kỳ):

Sẵn sàng bước vào cuộc chơi lớn

Đến thời điểm hiện tại, Công ty May Tuấn Đạt đã xây dựng được một cái gốc khá vững bền: máy móc đổi mới liên tục 5 năm một lần, người lao động được công ty nhận vào và đào tạo căn bản, các chế độ lương thưởng, an sinh xã hội đang ở mức cao so với mặt bằng lương của các doanh nghiệp (DN) dệt may. Hiện nay, thu nhập trung bình của người lao động ở Tuấn Đạt tại cơ sở Tam Kỳ là 5 triệu đồng/tháng, cơ sở Tiên Phước là 4 triệu đồng/tháng không kể tiền ăn trưa được công ty đài thọ. Công ty đang có 50% nguồn hàng sản xuất theo phương thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), khi Việt Nam vào sân chơi TPP (Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương), cả DN và người lao động sẽ được hưởng một phần lợi nhất định từ nguồn đặt hàng truyền thống này. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của công ty dự kiến sẽ đạt 350 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với năm 2012. Kế hoạch trong vài năm tới, công ty sẽ xúc tiến mở văn phòng giao dịch tại Mỹ nhằm tăng khả năng tiến sâu và mạnh vào thị trường lớn, đưa sản phẩm may mặc của công ty đến gần người tiêu dùng hơn, dần loại bỏ các chi phí trung gian không cần thiết.

Đào tạo để có nguồn lao động tay nghề cao là yêu cầu bức thiết của ngành dệt may, giày da. Ảnh: THỤC ANH
Đào tạo để có nguồn lao động tay nghề cao là yêu cầu bức thiết của ngành dệt may, giày da. Ảnh: THỤC ANH

Tuy nhiên, khi Việt Nam gia nhập TPP, cái khó lớn nhất không chỉ riêng Tuấn Đạt là nguyên liệu bởi hầu hết nguyên liệu phải nhập từ các nước ngoài TPP. Đây là cái khó muôn thuở và khó hy vọng thay đổi trong vòng vài năm tới vì đầu tư cho ngành dệt, nhuộm không dễ. Vì thực tế nhiều tỉnh thành không khuyến khích đầu tư ngành dệt, nhuộm vì e ngại vấn đề môi trường. Vì vậy, trong cái vui chung vì Việt Nam sắp đứng trước nhiều cơ hội phát triển ngành kinh tế mũi nhọn nhưng chúng tôi vẫn không khỏi lo lắng.
Ông Đinh Tấn Cường – Phó Giám đốc DNTN Kim Anh (Cụm công nghiệp Trường Xuân, Tam Kỳ):

Ứng phó với khả năng bị thâu tóm

Đến thời điểm hiện tại, máy móc của DN đã được thay thế tương đối hiện đại. Nhân lực cũng được đào tạo bài bản, nguồn thu nhập của người lao động trung bình từ 3,3 - 3,5 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền thưởng lễ tết. Vì là DN nhỏ nên chúng tôi làm hàng gia công 100%, tuy lợi nhuận thấp nhưng ít rủi ro hơn hàng FOB.

Khi Việt Nam gia nhập TPP, nỗi lo lắng của chúng tôi không chỉ từ khó khăn nguyên phụ liệu của ngành may mà còn ở vấn đề các DN nước ngoài đầu tư vào ngành dệt, nhuộm, nguyên liệu phụ trợ. Sau đó với ưu thế vượt trội, DN nước ngoài sẽ dần thâu tóm, “cá lớn nuốt cá bé” các DN may vừa và nhỏ như chúng tôi. Tuy các DN đều chuẩn bị, tìm cách quản trị hợp lý để tránh các tình huống xấu như thế nhưng nỗi lo bị thâu tóm là điều có thực với các DN vừa và nhỏ.

Ông Nguyễn Văn Hạnh – Phó Giám đốc Công ty Phước Kỳ Nam (Khu công nghiệp Thuận Yên, Tam Kỳ):

Nhà nước cần trợ sức nhiều hơn cho DN

Hỗ trợ DN dệt may đào tạo nhân lực
Ông Đinh Văn Phúc – Giám đốc Trung tâm Khuyến công (Sở Công Thương) cho biết, trong 2 năm trở lại đây, nhằm trợ sức cho các DN may mặc, da giày về nguồn lao động, trung tâm đã đào tạo được gần 500 lao động mỗi năm từ nguồn kinh phí Chương trình khuyến công quốc gia 2014 (đào tạo nghề và quy hoạch nghề). Mỗi học viên khi tham gia học theo chương trình sẽ được hỗ trợ 450 nghìn đồng/người (không hỗ trợ trực tiếp mà bao gồm tiền nguyên liệu thực hành, thuê máy móc, hỗ trợ kỹ thuật). Từ năm 2014, theo Quyết định 07 ngày 7.5.2013 của UBND tỉnh, việc hỗ trợ lao động, đầu tư, quảng bá… căn cứ vào đề nghị của DN, không còn thông qua Trung tâm Khuyến công tỉnh.

Phước Kỳ Nam là công ty giày da nhưng cũng nằm trong ngành dệt may, giày da và cũng sẽ được hưởng lợi từ các hiệp định mà Việt Nam ký kết. Hiện tại, công ty có 1.700 công nhân làm việc ở TP.Tam Kỳ và 400 nhân công làm việc ở xưởng Duy Xuyên. Mức thu nhập của người lao động của công ty thuộc loại cao so với mặt bằng chung, từ 4 - 6 triệu đồng/tháng. Hàng của công ty được xuất khẩu sang 80 nước trên thế giới. Khách hàng của công ty khi muốn đặt hàng đều đến tận nơi khảo sát nhà xưởng, máy móc, nhân công, các vấn đề an sinh… nhưng đều hài lòng, đây là một trong những lợi thế lớn của DN khi Việt Nam tham gia TPP. Mới đây, chúng tôi đã ký được hợp đồng nhượng quyền thương hiệu của Tập đoàn Lacoste.

Vấn đề của DN dệt may, da giày là đào tạo nhân lực. DN mong muốn các sở ngành liên quan hỗ trợ đào tạo nghề, đa dạng hóa các hình thức đào tạo nhân lực như miễn phí đào tạo, đi sát thực tế của DN về nguồn yêu cầu, kỹ thuật cắt may…

THỤC ANH (ghi)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tâm thế của người trong cuộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO