Tâm tình chiến sĩ

THÀNH CÔNG 01/02/2018 13:56

Những bồi hồi trước giờ rời quân ngũ, băn khoăn về lựa chọn nghề nghiệp khi trở về cùng tâm tình gửi lại cho thế hệ kế cận là xúc cảm hội tụ trong đêm giao lưu tại Trung đoàn 885, thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh vừa qua.

Đại diện cán bộ đơn vị huấn luyện và chiến sĩ sắp xuất ngũ, thanh niên sắp lên đường nhập ngũ trò chuyện tại buổi giao lưu. Ảnh: T.C
Đại diện cán bộ đơn vị huấn luyện và chiến sĩ sắp xuất ngũ, thanh niên sắp lên đường nhập ngũ trò chuyện tại buổi giao lưu. Ảnh: T.C

Đêm giao lưu “Tâm tình chiến sĩ - Chia tay đồng đội” được Bộ chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp với Tỉnh đoàn và nhiều nhà tuyển dụng lao động như Công ty CP sản xuất, lắp ráp ô tô Trường Hải, Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Sơn Mỹ, Công ty CP phát triển công nghiệp - xây lắp và thương mại Hà Tĩnh tại TP.Hà Nội.

Ký ức gửi lại

Những năm tháng trong quân ngũ giờ sẽ là kỷ niệm không thể nào quên trong lòng 270 chiến sĩ của Trung đoàn 885. Ngày 31.1, họ chính thức rời quân ngũ, trở về quê hương sau thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự. Chiến sĩ Phạm Như Ý chia sẻ, sau thời gian đầu được học tập, rèn luyện tại Trung đoàn 885, anh được điều về Tiểu đoàn 70, tham gia nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tại xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm). Những ký ức ngày còn là chiến sĩ mới trên thao trường và cả khi ở Tiểu đoàn 70 sẽ là trải nghiệm quý giá của Ý. “Ban đầu, bản thân tôi và nhiều đồng đội đều chưa quen với nề nếp, tác phong quân đội. Trải qua những tháng ngày quân ngũ, bản thân tôi thấy không chỉ khỏe hơn, mà bản lĩnh, ứng xử cũng trưởng thành hơn trước rất nhiều. Đây sẽ là điều kiện quý giá để bước vào cuộc sống, đối diện với tương lai phía trước” - Như Ý nói.

Những chia sẻ của Ý tại đêm giao lưu “Tâm tình chiến sĩ - Chia tay đồng đội” được tổ chức tại Trung đoàn 885 vừa qua, cũng là tâm sự chung của hàng trăm chiến sĩ sắp xuất ngũ. Gắn bó với nhiều chiến sĩ từ khi vừa vào quân ngũ đến lúc chia tay, Đại úy Nguyễn Hồng Trung - Chính trị viên Tiểu đoàn 72 thuộc Trung đoàn 885 tâm sự, quãng thời gian vừa qua đã để lại nhiều cảm xúc cho bản thân anh và nhiều cán bộ đơn vị. Trong điều kiện còn khó khăn, đơn vị đã nỗ lực đảm bảo mọi công tác chuẩn bị từ giáo án, bài giảng, thao trường, bãi tập đến củng cố nơi ăn ở, sinh hoạt, học tập cho chiến sĩ mới. Đồng thời, đội ngũ cán bộ huấn luyện luôn gần gũi với chiến sĩ bằng tình thương, sự tôn trọng ngay từ những ngày đầu. Vừa giữ nghiêm kỷ luật quân đội vừa tiếp lửa cho chiến sĩ, để họ an tâm tư tưởng, dần dà xem đơn vị như một mái nhà chung. “Bên cạnh huấn luyện các nội dung về quân sự, chúng tôi thường xuyên tiếp cận, lắng nghe anh em. Tôi vẫn nhớ, đợt vừa qua có một chiến sĩ mới quê ở Hội An nhập ngũ trong điều kiện hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Những lo lắng ngày đầu nhập ngũ đã ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của em. Biết được chuyện này, chúng tôi đã gặp, động viên, tạo điều kiện tốt nhất cho em từng bước thích nghi với cuộc sống mới trong quân đội. Dần dà, em không chỉ khỏe mạnh, hoạt bát trở lại, mà còn từng ngày chững chạc, trưởng thành hơn rất nhiều. Đó cũng là mong muốn của tất cả cán bộ đơn vị đối với những chiến sĩ, giúp anh em toàn tâm toàn ý học tập và rèn luyện trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự tại đơn vị” - anh Trung nói.

Trước ngày xuất ngũ

Không chỉ là dịp ôn lại quãng thời gian trong quân ngũ, các chiến sĩ của Trung đoàn còn có cơ hội gặp gỡ, động viên, chia sẻ với nhiều thanh niên sắp lên đường nhập ngũ của quê hương Tiên Phước tại buổi giao lưu. Họ chia sẻ với lo lắng của nhiều thanh niên sắp lên đường, về môi trường mới trong quân đội, kinh nghiệm để vượt qua nỗi nhớ nhà, quen với đời sống ở đơn vị. Phạm Vũ Chí Toàn, một thanh niên của huyện Tiên Phước sẽ lên đường nhập ngũ đợt sắp tới, cho hay những sẻ chia tại buổi giao lưu giúp anh thêm vững tâm lên đường hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc. “Được gặp và nghe các anh chia sẻ, động viên, tôi cảm thấy tự tin hơn, sẵn sàng cho những trải nghiệm của bản thân trong thời gian sắp tới ở đơn vị” - Chí Toàn bộc bạch.

Những thông tin việc làm, học nghề được tư vấn kỹ cho bộ đội xuất ngũ. Ảnh: D.L
Những thông tin việc làm, học nghề được tư vấn kỹ cho bộ đội xuất ngũ. Ảnh: D.L

Lắng đọng trong những lời tâm sự, không khí của buổi giao lưu chợt sôi nổi trở lại, khi các chiến sĩ trẻ có dịp gặp gỡ, giao lưu với các nhà tuyển dụng. Việc làm sau khi xuất ngũ, có lẽ là mối quan tâm hàng đầu của họ. Đây cũng chính là cơ hội không thể tốt hơn, khi các chiến sĩ được trực tiếp trao đổi, gặp gỡ các nhà tuyển dụng, được giải đáp những băn khoăn về nghề nghiệp của mình. Có mặt tại buổi giao lưu, ông Nguyễn Minh Hải - Trưởng phòng hành chính Công ty CP sản xuất, lắp ráp ô tô Trường Hải vừa cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng của công ty, vừa trả lời thắc mắc của cán bộ chiến sĩ về việc đào tạo, tuyển dụng lao động vào làm việc. Ông Hải cũng hướng dẫn cặn kẽ quy trình đăng ký dự tuyển, địa điểm đăng ký, những vị trí lao động đang cần đào tạo, tuyển dụng tại đơn vị trong thời gian tới. “Chúng tôi hết sức trân trọng và sẽ tạo điều kiện để các chiến sĩ rời quân ngũ có nhu cầu được đào tạo và tuyển dụng vào làm việc tại công ty. Tất cả các quyền lợi, nghĩa vụ sẽ được giải quyết đúng theo quy định của Luật lao động. Khi làm việc tại đơn vị, chiến sĩ cũng sẽ được tạo điều kiện để tham gia các khóa huấn luyện lực lượng dự bị động viên, sẵn sàng chiến đấu tại địa phương mình cư trú”, ông Hải chia sẻ.

Tại buổi giao lưu, đại diện Tỉnh đoàn cũng đã trao tặng 20 phần quà cho các chiến sĩ trẻ trước ngày xuất ngũ. Dịp này, nhiều chiến sĩ trẻ có thành tích xuất sắc trong quá trình huấn luyện, tham gia nghĩa vụ quân sự cũng đã được nhận giấy khen của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh.

Tư vấn việc làm cho bộ đội xuất ngũ
Một buổi tư vấn việc làm ngay trước khi bộ đội xuất ngũ vừa được Tỉnh đoàn phối hợp với Trung đoàn Bộ binh 885 tổ chức cho 300 quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự, góp phần định hướng nghề nghiệp một cách thiết thực.
Tại buổi tư vấn, những thông tin việc làm trong nước, đặc biệt là trên địa bàn tỉnh đã được giới thiệu, tư vấn kỹ cho thanh niên tìm hiểu. Nhu cầu của doanh nghiệp, mức lương, vị trí làm việc... đều được cung cấp cụ thể, cả thông tin về xuất khẩu lao động đi Hàn Quốc, Nhật Bản. Ngoài ra, cơ chế hỗ trợ học nghề của trung ương, của tỉnh đang triển khai thực hiện cũng được nêu ra trong buổi tư vấn, giúp thanh niên có được lựa chọn đúng đắn, phù hợp nhất với điều kiện của bản thân sau khi xuất ngũ. Hồ Văn Hảo (xã Phước Năng, Phước Sơn) cho biết trước khi đi bộ đội, Hảo ở nhà làm nông và chưa có dự định nghề nghiệp khi ra quân. Hảo nói: “Những thông tin mà các anh chị tư vấn tôi có thể tham khảo học nghề như lái xe hay sửa chữa máy may, cơ khí. Từ cơ sở ban đầu, tôi sẽ nghiên cứu chọn nghề phù hợp với bản thân”. Trong khi đó, anh Hồ Ngọc Dũng (xã Tiên Lộc, Tiên Phước) sau khi tìm hiểu đã quyết định đăng ký học nghề lái xe. Dũng biết rõ rằng bộ đội xuất ngũ được những ưu tiên về học phí và hỗ trợ tìm kiếm việc làm, nhưng anh quyết định học nghề lái xe. Trước khi đi bộ đội, Dũng cũng đã trải qua thời gian đi làm công nhân ở một số công ty may, sản xuất đồ chơi trẻ em. Thế nhưng, Dũng xác định sau khi ra quân phải học nghề để có cuộc sống ổn định hơn.
Trong khi đó, Nguyễn Ngọc Thiện (xã Quế Minh, Quế Sơn) lại quan tâm nhiều đến cơ hội đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản. Đọc kỹ thông tin trong tờ thông báo tuyển dụng các vị trí đi xuất khẩu lao động, Thiện tìm đến nhân viên tư vấn hỏi kỹ về chi phí, thời gian học nghề, học tiếng Nhật, nơi nào có đủ điều kiện đưa lao động đi xuất khẩu... Thiện nói rằng ở Quế Sơn quê anh, đã có rất nhiều người đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản rất thành công, về lại quê hương đều có nguồn vốn lập nghiệp. Thiện cho biết: “Tôi quan tâm đến thị trường Nhật Bản hơn vì môi trường làm việc dù rất kỷ luật nhưng ổn định, thu nhập cao. Tôi đã được rèn luyện trong môi trường quân đội nên yên tâm về tính kỷ luật, chỉ lo việc học tiếng Nhật. Qua tết, chắc chắn tôi sẽ đăng ký để có cơ hội đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản”.(DIỄM LỆ)

THÀNH CÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tâm tình chiến sĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO