Vẫn có những áp lực nhất định đối với đội ngũ phóng viên, biên tập viên sau khi đài TT-TH hợp nhất với trung tâm VH-TT ở các huyện thị. Tuy nhiên, bằng tình yêu nghề, họ đã cố gắng không ngừng để thích nghi với điều kiện mới. Báo Quảng Nam ghi lại chia sẻ của một số phóng viên ở các địa phương.
PV VĂN PHIN (Trung tâm VH-TT&TT-TH huyện Núi Thành): Cần có sự chú trọng nhất định
Đài TT-TH và Trung tâm VH-TT hợp nhất thành Trung tâm VH-TT&TT-TH từ tháng 1.2019, đến nay vừa tròn 5 tháng. Đối với bản thân tôi là biên tập viên - phóng viên kiêm việc đọc chương trình phát thanh thì nhiệm vụ vẫn như cũ, chưa có gì thay đổi trong công tác chuyên môn. Tuy nhiên, đôi lúc anh em phóng viên nam lại được điều động đi tháo dỡ sân khấu cho hoạt động do bộ phận VH-TT tổ chức. Theo tôi, việc hợp nhất đài TT-TH với trung tâm VH-TT cấp huyện có thể giảm được biên chế, giảm ngân sách đầu tư, nhưng về lâu dài cần có sự chú trọng nhất định đối với công tác TT-TH, không thể để thành “thứ yếu” trong tổng thể hoạt động văn hóa, thể thao.
Có một chuyện, là dù đài cấp huyện nhưng hàng năm, chúng tôi vẫn được lãnh đạo huyện hoặc một số ban ngành đến thăm, chúc mừng nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21.6. Vừa rồi, có người đề nghị bây giờ đã là trung tâm, không phải là cơ quan báo chí nên chọn chung cho cán bộ - viên chức và người lao động Trung tâm VH-TT&TT-TH một ngày kỷ niệm khác. Hơi buồn!
PV HẢI CHÂU (Trung tâm VH-TT&TH-TH huyện Phú Ninh): Tình cảm với thính giả là động lực
Sau hợp nhất, tôi vẫn làm phóng viên và phát thanh viên, nhưng lượng công việc nhiều, áp lực lớn hơn, vì đã có 1 phóng viên chuyển công việc khác. Nhưng với tình yêu nghề, chúng tôi vẫn đảm bảo hoàn thành tốt các công việc được giao phó. Sau hợp nhất, chúng tôi thấy vui hơn vì có thêm nhiều đồng nghiệp mới, được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao do cơ quan tổ chức, các phong trào cũng mạnh hơn. Chỉ có một điều luyến tiếc là mình không còn tên “Châu đài”, vì tên đài không còn, mà anh em thường lái vui là “chai đầu” do mình hay viết các bài phản biện. Nhưng rồi anh em cũng động viên nhau, tổ chức giao việc cho mình, đều phải cố gắng hoàn thành cho tốt. Tình cảm với thính giả quê hương cũng là động lực để anh em tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công việc.
PV PHI THÀNH (Trung tâm VH-TT&TH-TH huyện Duy Xuyên): Sống trọn với nghề mình yêu
Sau hơn một tháng thành lập, Trung tâm VH-TT&TH-TH huyện Duy Xuyên vẫn duy trì hiệu quả các hoạt động chuyên môn. Công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vẫn diễn tiến bình thường. Riêng với tôi, trước đây làm công việc phóng viên thì giờ vẫn được giao nhiệm vụ viết tin, bài, phụ trách chuyên mục “quốc phòng toàn dân” và “bảo vệ môi trường”, đồng thời phụ trách địa bàn các xã Duy Trinh, Duy Sơn, Duy Trung và thị trấn Nam Phước. Cạnh đó, xử lý toàn bộ hậu kỳ chương trình truyền hình địa phương phát trên sóng Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam (QRT). Mọi công việc thuộc về văn hóa, thể thao, ban giám đốc vẫn chưa phân công phụ trách. Về lâu dài, tôi nghĩ rằng sẽ tiếp tục làm công việc của người phóng viên. Sắp tới, có đến hai phóng viên của đơn vị nghỉ hưu theo quy định. Nếu trong trường hợp lãnh đạo đơn vị giao thêm công việc thuộc về mảng văn hóa, thể thao, tôi cũng sẽ cố gắng kế thừa, phát huy tình cảm đoàn kết trong đơn vị để cùng nhau hoàn thành công việc tốt nhất.
Lửa đam mê với nghề làm báo luôn là động lực để anh em cố gắng hết sức mình, tạo được những tác phẩm chất lượng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu thông tin, giải trí của nhân dân trên địa bàn. Suốt 9 năm gắn bó với đài huyện, tôi cảm thấy tự hào và vẫn yên tâm với công việc vì đã được sống trọn với nghề mà mình yêu thích.
PV Tường Quân (Trung tâm VH-TT và truyền thông TP.Tam Kỳ): Nhanh chóng hòa nhập nhưng còn trăn trở
Sau khi hợp nhất Đài TT-TH TP.Tam Kỳ và Trung tâm VH-TT với tên gọi mới là Trung tâm VH-TT và truyền thông TP.Tam Kỳ thì Công đoàn trung tâm cũng nhanh chóng thành lập và đi vào hoạt động. Nếu như trước đây, Công đoàn của đài chỉ vỏn vẹn trên dưới 10 thành viên thì nay Công đoàn trung tâm lên đến gần 40 đoàn viên. Nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích và có ý nghĩa đã được Công đoàn thường xuyên tổ chức với nhiều đoàn viên tham gia hơn, tạo không khí sôi nổi, vui tươi. Do vậy, những xáo trộn, bỡ ngỡ ban đầu đối với đội ngũ phóng viên chúng tôi sau khi về với “mái nhà chung” đã dần được thay thế bởi tình cảm ấm áp, nhiệt tình của những người đồng nghiệp mới. Bên cạnh đó, trong công việc TT-TH cũng được anh em phụ trách các mảng VH-TT giúp đỡ nhiệt tình.
Tuy nhiên, những người làm TT-TH cấp huyện chúng tôi vẫn còn những trăn trở, băn khoăn. Song song với việc hợp nhất là vấn đề tinh giản đội ngũ viên chức ở các đơn vị sự nghiệp công lập. Vị trí công việc có thể bị xáo trộn, cắt giảm. Việc thi tuyển viên chức hiện cũng chưa có những thông tin cụ thể. Trong khi anh em phóng viên chúng tôi sẵn sàng hòa nhập, thay đổi, cố gắng làm việc dù với tâm thế của một đơn vị mới thì những trăn trở, lo lắng về vị trí việc làm đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần, tư tưởng của những người làm công tác tuyên truyền ở địa phương.
PV VĂN KHANH (Trung tâm VH-TT&TT-TH huyện Nam Giang): Chia sẻ và động viên nhau làm việc
Tôi đã có hơn 13 năm công tác tại Nam Giang, gắn bó và làm việc tại Đài TT-TH huyện từ khi mới vào nghề. Đài từ khi đó đến giờ vẫn không tăng giảm nhiều, 10 người chúng tôi hầu hết ở đồng bằng lên công tác, từ công việc cho đến cách sống chúng tôi coi nhau như một gia đình thu nhỏ. Từ khi có quyết định hợp nhất (tháng 1.2019), bản thân tôi cũng như anh em trong đài không khỏi có cảm giác lưu luyến và chạnh lòng. Lưu luyến vì cơ quan đài - nơi làm việc quen thuộc bấy lâu đã dời về đơn vị mới, chạnh lòng vì cái tên đài từ nay trở đi không còn được nhắc đến độc lập là một đơn vị nữa. Tuy nhiên, khi hợp nhất ban giám đốc đều là những người trẻ, có năng lực trong công tác chuyên môn, chia sẻ những khó khăn, nắm bắt tâm tư của đội ngũ anh em đồng nghiệp nên công việc đã dần ổn định. Mặc dù mỗi bộ phận, mỗi người đảm nhận công việc chuyên môn khác nhau nhưng luôn chia sẻ và động viên nhau làm việc. Đặc biệt, khi có những sự kiện lớn, quan trọng, công việc chưa xong, bất kể là việc của ai, mọi người đều hăng hái giúp nhau hoàn thành.
Cũng có chuyện là, mấy tháng nay nhiều khi chúng tôi đi tác nghiệp ở cơ sở, bà con thắc mắc: “Nghe nói đài TT-TH hợp nhất với trung tâm VT-TH và lấy tên trung tâm VH-TT&TT-TH rồi mà sáng nào cũng nghe nhạc hiệu trên loa phát thanh “Đây là Đài TT-TH huyện Nam Giang” là sao phóng viên?”. Chúng tôi đành cười và nói vui rằng do tên mới… dài quá, vả lại như vậy cho nó hợp với chuyên môn. Có nơi bà con còn vặn thêm: “Vậy các chú phóng viên nhà đài hay phóng viên của trung tâm?”. Chúng tôi biết bà con hỏi vui vậy thôi, nhưng tự dưng cũng cảm thấy có chút chạnh lòng.
PV Phạm Lộc (Trung tâm VH-TT&TT-TH thị xã Điện Bàn): Vẫn còn lúng túng trongđiều hành
Sau hợp nhất, mỗi lãnh đạo trung tâm phụ trách từng bộ phận công việc nên các hoạt động chuyên môn cơ bản không thay đổi. Trung tâm cũng đã xây dựng quy chế làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy quyền làm chủ của công chức, viên chức, người lao động nên hoạt động của đơn vị đã đi vào ổn định, cán bộ viên chức đồng thuận, nhất trí cao.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn trong quản lý điều hành. Như việc điều hành bộ phận TT-TH của trung tâm còn lúng túng trong việc phân công thực hiện công tác biên tập chương trình hằng ngày, cách tính nhuận bút, thù lao quản lý, thù lao của các bộ phận khác chưa rõ ràng. Các phóng viên hợp đồng chưa thực sự yên tâm công tác bởi cơ chế tinh gọn bộ máy; trong khi đó công việc chuyên môn của bộ phận TT-TH nhiều. Sau khi hợp nhất, anh em phóng viên, kỹ thuật,… của bộ phận TT-TH phải liên tục tác nghiệp chuyên môn hằng ngày, chưa kể áp lực trong việc bám cơ sở, lấy tin và đưa tin kịp thời trên báo đài, thì ở những bộ phận khác chỉ hoạt động theo đợt, sự kiện… nên khó đánh giá công bằng hiệu quả trong công việc.