Thông điệp mà nhóm “Tám với Tây” mang đến cho mọi người, không chỉ để học ngôn ngữ mà còn là cầu nối tình bạn, văn hóa Việt đến bạn bè năm châu - những người đã từng một lần đặt chân đến xứ Quảng.
Từ đầu năm đến nay, nhóm “Tám với Tây” do chị Lê Thị Thu Thủy (đặt tại quán cà phê Bồ Công Anh, 15 đường Nguyễn Duy Hiệu, Tam Kỳ) khởi xướng đã tổ chức được 20 buổi sinh hoạt. Nhóm ra đời không ngoài mong muốn tạo một môi trường giao tiếp tiếng Anh dành cho những người yêu thích ngoại ngữ ở Tam Kỳ.
Một trong những trở ngại lớn cho những người học ngoại ngữ ở Tam Kỳ là thiếu môi trường tiếng Anh để giao tiếp. “Không như các thành phố khác, Tam Kỳ có rất ít du khách và người nước ngoài làm việc. May mắn là tôi khá có “duyên” trong việc làm quen, kết nối với các bạn nước ngoài, phần lớn là những người đến làm việc ở Tam Kỳ. Từ đó, tôi mong muốn giới thiệu đến mọi người những người bạn mà mình quen biết” - chị Thủy tâm sự.
Cà phê, trò chuyện và vui chơi dã ngoại là những hoạt động của các thành viên nhóm “Tám với Tây”. |
Người Việt tham gia nhóm không phân biệt tuổi tác, công việc: có em ở độ tuổi tiểu học, cũng có anh chị U50; học sinh, sinh viên; người làm văn phòng; có người làm nghề trang điểm; có người công tác tại các trung tâm bảo trợ xã hội và có cả những người làm dự án phi chính phủ, thường xuyên làm việc, giao tiếp với Tây. Với phương châm “vui là chính”, và với tinh thần vui vẻ, thoải mái, sinh hoạt ở nhóm kể ra khá thú vị theo kiểu học mà chơi, chơi mà học. Khả năng nói tiếng Anh của họ nhờ đó được nâng lên rất nhiều.
Có thể kể đến những người nước ngoài đã tham gia nhóm “Tám với Tây” như Britt Theuwis và Hélène Van Halewyck - 2 sinh viên đến từ Bỉ thuộc Tổ chức Hợp tác phát triển và hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng, Vương quốc Bỉ; bà Esta, bà Frances Poelen (Canada); anh Christ, cô Jenny (Mỹ) - giáo viên giảng dạy tiếng Anh tại Trung tâm AMA; Anna Funck và Valerie Higdon - thực tập sinh người Mỹ - Đại học Portland, trợ giảng tiếng Anh tại Trung tâm Nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh. Đặc biệt là Ian Wood đến từ Australia - người gắn bó với Tam Kỳ trong suốt 2 năm làm việc tại Sở Tài nguyên & Môi trường trong vai trò chuyên gia của dự án biến đổi khí hậu do Chính phủ Đan Mạch tài trợ. Với Ian Wood, đất và người Tam Kỳ nói riêng, Quảng Nam nói chung rất tuyệt; kể cả những món ăn cũng hợp khẩu vị với anh. Ian đã có thể dùng đũa ăn mỳ Quảng, ăn món bánh tráng cuốn như người Việt thực thụ. Dẫu không còn làm việc ở Tam Kỳ nữa, Ian vẫn trở lại đây khi có dịp. Ian Wood chia sẻ, nhiều trẻ em (và cả một số người lớn) ở Tam Kỳ còn e ngại khi gặp và nói chuyện với người nước ngoài, nên khi tham gia hoạt động tại “Tám với Tây”, Ian muốn mình là một người nước ngoài thân thiện, là cầu nối để giúp mọi người vượt qua sự e thẹn, tự tin hơn khi giao tiếp bằng tiếng Anh. Ian rất muốn được làm bạn, có thêm nhiều bạn Việt Nam để động viên họ học tiếng Anh, như vậy, khả năng săn học bổng (Ian đã giúp 4 người hoàn tất hồ sơ du học ở Australia - NV), tìm việc làm cũng sẽ dễ dàng hơn. Và ngược lại, thông qua những buổi gặp gỡ này, Ian cũng tập nói tiếng Việt, hát tiếng Việt.
Trong thời gian ở Tam Kỳ, ông Ian Wood - người Australia, tham gia dạy tiếng Anh cho trẻ em. Ảnh: B.L |
Còn Murashka Valerka - 26 tuổi, người Ucraina được chị Thủy mời đến nhà “ở ké” trong 4 ngày lưu lại Tam Kỳ. Cởi mở và thân thiện, Murashka Valerka tích cực giúp các thành viên nhóm “Tám với Tây” từ việc giao tiếp, kể những câu chuyện thú vị về hành trình đi du lịch Ucraina đến Việt Nam, cũng như đi khắp châu Âu bằng cách quá giang xe với những trải nghiệm thú vị. Và, thành viên nhóm đã “đãi” Murashka Valerka bằng một buổi thưởng thức âm nhạc Việt Nam, hát - đàn ghita khiến Murashka Valerka bày tỏ: “Những người bạn Tam Kỳ, Quảng Nam là lý do để Việt Nam mãi ở trong tim tôi”.
Hoạt động “Tám với Tây” là gặp gỡ, cùng nhau uống cà phê, nói tiếng Anh, giao lưu âm nhạc, hát karaoke bằng tiếng Anh, tổ chức các buổi picnic, vui chơi, giới thiệu và ngắm cảnh đẹp xứ Quảng: biển Tam Thanh, tháp Khương Mỹ, biển Bàn Than, hồ Phú Ninh… Như hôm Britt Theuwis và Hélène Van Halewyck đến Tam Kỳ, các bạn đã được mời khám phá tháp Khương Mỹ, biển Bàn Than, thăm Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Hélène Van Halewyck tâm sự, Quảng Nam có nhiều cảnh đẹp hoang sơ mà nếu không có các bạn ở Tam Kỳ đưa đi thăm, những người như chị khó mà khám phá hết được. Trong suốt thời gian làm việc ở Tam Kỳ, thông qua các thành viên của “8 với Tây” chị và đồng nghiệp đã nhận được nhiều niềm vui, sự giúp đỡ. Hôm chia tay, Britt Theuwis và Hélène Van Halewyck đã chiêu đãi người Tam Kỳ món bánh cổ truyền của Bỉ do chính tay các chị làm. Còn theo Brittany Hutcheon - con gái của giáo viên Frances Poelen người Canada thì, tham gia nhóm “Tám với Tây” không chỉ là dịp để gặp gỡ các bạn ở Tam Kỳ, mà các bạn còn làm cầu nối, giới thiệu bạn bè ở các tỉnh, thành khác của Việt Nam như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh... Nhờ vậy, mẹ con chị gặp nhiều thuận tiện khi du lịch những nơi này.
Điều đặc biệt, không ít các bạn nữ người ngoại quốc, khi chia tay các thành viên nhóm “Tám với Tây”, đã gửi tặng lại bức ảnh của họ trong chiếc áo dài Việt Nam duyên dáng và cho biết sẽ lên máy bay về nước với trang phục áo dài để người thân ở nhà có thể nhìn ngắm họ đã về từ Việt Nam xinh đẹp như thế nào…
BẢO LÂM