Tận lực vì người có công

LÊ DIỄM 18/07/2017 09:36

Để người có công (NCC), thân nhân NCC yên tâm, tin tưởng vào chính sách của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, ngành LĐ-TB&XH luôn tập trung cho công tác xác lập, giải quyết hồ sơ, chế độ đảm bảo chính xác và kịp thời.

Tập thể cán bộ, nhân viên Phòng Người có công Sở LĐ-TB&XH làm việc giải quyết hồ sơ, chế độ sau khi có Pháp lệnh 04, 05. Ảnh: D.LỆ
Tập thể cán bộ, nhân viên Phòng Người có công Sở LĐ-TB&XH làm việc giải quyết hồ sơ, chế độ sau khi có Pháp lệnh 04, 05. Ảnh: D.LỆ

Tích cực vào cuộc

Thời điểm năm 2013, Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng (Pháp lệnh 04) và Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng (Pháp lệnh 05) sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành. Theo đó, trường hợp xét công nhận NCC mở rộng khá lớn, việc xác lập, xác nhận hồ sơ trở nên cần kíp hơn bao giờ hết. Để thực hiện Pháp lệnh 04 và 05, trước hết, việc tuyên truyền về những điểm mới của chính sách phải đến được với nhân dân, để người dân biết và tiến hành kê khai hồ sơ, lập thủ tục. Ông Lê Sáu - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, khi Pháp lệnh 04 và 05 có hiệu lực, Trung ương nhanh chóng ban hành Nghị định số 31 và Nghị định số 56 hướng dẫn thi hành. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành LĐ-TB&XH từ tỉnh đến các xã, phường tích cực vào cuộc. Hàng chục buổi tuyên truyền, đối thoại về chính sách mới theo Pháp lệnh 04, 05 đã được triển khai ở các huyện, thị xã, thành phố để kịp thời đưa chính sách đến nhân dân. Ngoài tuyên truyền trực tiếp, thông qua hệ thống cơ quan thông tin đại chúng, chính sách mới cũng được tuyên truyền xuyên suốt. Những cán bộ làm công tác LĐ-TB&XH ở cấp xã, phường, thị trấn trở thành tuyên truyền viên ở cơ sở, liên tục được tập huấn về chính sách mới, nắm rõ chính sách để tuyên truyền đến người dân, đồng thời có thể giải đáp trực tiếp những thắc mắc của người dân, hướng dẫn họ lập hồ sơ đề nghị công nhận các chế độ... Nhờ vậy mà chính sách mới đối với NCC đến với người dân nhanh, giúp cho việc xác lập, giải quyết hồ sơ nhanh hơn.

22% dân số là người có công với cách mạng

Sau khi thực hiện theo Pháp lệnh 04, 05, Quảng Nam hiện có đến 22% dân số là NCC với cách mạng. Cụ thể, tổng số trường hợp được xác nhận từ năm 1976 đến nay gồm: 14.792 Bà mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng và truy tặng; hơn 65.400 liệt sĩ và 135.000 thân nhân; hơn 30.500 thương bệnh binh. Ngoài ra, còn có hơn 11.300 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; khoảng 45.200 người có công giúp đỡ cách mạng; hơn 33.600 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương; hơn 5.720 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học...

Theo quy định của Pháp lệnh 04 và Pháp lệnh 05, có rất nhiều thay đổi về chính sách theo hướng giãn điều kiện được thụ hưởng chế độ ưu đãi, mở rộng đối tượng, khiến số trường hợp làm hồ sơ đề nghị công nhận NCC rất lớn. Sau khi người dân nắm bắt được thông tin, chỉ đến đầu năm 2014 số lượng hồ sơ được đưa về Sở LĐ-TB&XH thẩm định đã lên đến con số hơn 100 nghìn. Khối lượng công việc chất chồng, cán bộ, nhân viên của Phòng NCC Sở LĐ-TB&XH bắt tay vào công việc ngay sau kỳ nghỉ tết âm lịch. Trong đó, riêng trường hợp Bà mẹ Việt Nam anh hùng được mở rộng điều kiện công nhận đã có thêm từ 8.000 đến 10.000 trường hợp cần xác lập hồ sơ. Đối với liệt sĩ không còn thân nhân hưởng trợ cấp hàng tháng, người trong gia đình tộc họ ủy quyền thờ cúng liệt sĩ thêm hơn 45.000 trường hợp; hơn 40.000 thân nhân NCC được bổ sung hưởng thẻ bảo hiểm y tế; chuyển đổi hưởng trợ cấp từ một lần sang hưởng hàng tháng khoảng 10.000 trường hợp là người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Xác nhận mới các chế độ liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học... tăng cao. Khi đối tượng mở rộng, chế độ mở rộng thì phải điều chỉnh mức trợ cấp cho NCC theo quy định mới, càng khiến cho khối lượng công việc của Phòng NCC thêm đồ sộ.

Kịp thời giải quyết hồ sơ

Trong điều kiện cấp bách, nhất là đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, cần phải thẩm định, xác lập hồ sơ nhanh nhất có thể, nhưng tuyệt đối không được sai sót. Do đó, mỗi cán bộ, nhân viên Phòng NCC phải tự nâng cao thái độ làm việc, tinh thần trách nhiệm. Ông Trần Văn Chiến - Trưởng phòng NCC cho biết: “Vào thời điểm đầu năm 2014, nếu tính đầu công việc, phòng phải giải quyết hồ sơ của 48 đầu công việc theo Pháp lệnh ưu đãi NCC, Pháp lệnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng sửa đổi. Nhưng để NCC sớm được hưởng chế độ, đặc biệt là với Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, chúng tôi quyết tâm thực hiện phần công việc của phòng, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo sở, phối hợp cùng Ban Thi đua khen thưởng tham mưu UBND tỉnh trình lên trung ương sớm công nhận các chế độ để NCC trong toàn tỉnh được hưởng chính sách theo đúng quy định, làm an lòng những người đã cống hiến cho quê hương, đất nước”.

Cũng theo ông Chiến, những việc cấp bách ban đầu là xác nhận các chế độ công nhận danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân thờ cúng liệt sĩ, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho con liệt sĩ. Mỗi người làm việc bằng hai, bằng ba lúc bình thường. Riêng việc đọc, kiểm tra hồ sơ từ ngày tháng năm sinh, tên họ, địa chỉ đã gặp trục trặc vì đối tượng khai lúc thế này, lúc thế kia nên Phòng NCC phải kiểm tra, rà soát lại, trường hợp cần thiết phải đi cơ sở điều tra, xác minh. Nhất là trường hợp thân nhân liệt sĩ, sai trong hồ sơ so với chứng minh nhân dân, hộ khẩu thì không thể xác nhận để cấp thẻ BHYT. Rồi lại thêm quá trình lịch sử của đối tượng trong hồ sơ, cái nào cũng phải làm kỹ, nếu không khi bị áp lực vì lượng công việc lớn rất dễ gây ra sai sót. Những hồ sơ trong quá trình thẩm định có sai sót, Phòng NCC chuyển về lại địa phương để hướng dẫn NCC, thân nhân NCC bổ sung ngay, không để hồ sơ rơi vào trường hợp dây dưa kéo dài. Nhờ sự tập trung cao độ, Quảng Nam là một trong những tỉnh có hồ sơ đưa ra trung ương sớm nhất.

Kể từ khi Pháp lệnh 04, 05 có hiệu lực thi hành đến nay, Quảng Nam đã xác lập, giải quyết chế độ cho hàng trăm nghìn hồ sơ. Đặc biệt, cả tỉnh có thêm hơn 8.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng và truy tặng, nâng tổng số Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn tỉnh lên 14.792 trường hợp, hiện còn sống 911 mẹ. Tất cả Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng, nuôi dưỡng với mức bình quân 800 nghìn đồng/mẹ/tháng.

LÊ DIỄM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tận lực vì người có công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO