Tản mạn đêm giao thừa

BÙI THỊ THANH MINH 07/02/2016 23:53

(QNO) - Vạn vật trên đời có sinh phải có diệt, có bắt đầu phải có kết thúc. Dù là một ngày, một tháng hay một năm đều có một khoảng thời gian chuyển tiếp gọi là “giao thừa”, là thời điểm mà mọi vật sinh ra và chấm dứt…

Lễ giao thừa còn được gọi là lễ trừ tịch với ý nghĩa là trừ khử ma quỷ. Theo cuốn Từ điển Hán Việt của tác giả Đào Duy Anh thì “giao” trong chữ giao tiếp, “thừa” trong chữ kế thừa. Hai chữ “giao thừa” được hiểu với ý nghĩa cũ giao lại, mới đón lấy. Theo Cao đài từ điển giải nghĩa thì “trừ” là bài bỏ, bớt đi; “tịch” là đêm. Với cách cắt nghĩa đó, lễ giao thừa ngoài ý nghĩa “đưa cũ đón mới” còn có thêm ý nghĩa là trừ bỏ đi những điều xấu, điều dở trong năm cũ để chào đón những điều tốt đẹp, may mắn trong năm mới.

Pháo hoa đón giao thừa tại Hội An vào năm 2015. Ảnh: MINH HẢI
Pháo hoa đón giao thừa tại Hội An vào năm 2015. Ảnh: MINH HẢI

Theo quan niệm của người xưa thì mỗi năm có một vị Hành khiển phụ trách trông coi công việc trên triều đình. Mỗi vị Hành khiển có một vị Phán quan giúp việc. Vào thời khắc giao thừa, các vị Hành khiển trong năm cũ bàn giao công việc cho các vị Hành khiển trong năm mới. Vì vậy, lễ giao thừa được tổ chức để tiễn đưa vị Hành khiển trong năm cũ và chào đón vị Hành khiển trong năm mới. Theo đó, lễ đón giao thừa trong năm Thân sẽ đưa tiễn Tống Vương Hành khiển, Ngũ Đạo hành binh chi thần, Lâm Tào phán quan của năm Mùi và chào đón Tề Vương Hành khiển, Ngũ Miếu hành binh chi thần, Tống Tào phán quan.

Trong khoảng thời gian hai vị Hành khiển bàn giao công việc và các binh lính cũng dự tiệc rượu thì ma quỷ sẽ thừa cơ quấy phá. Dân ta bày lễ “trừ tịch” với ý nghĩa trừ khử, không cho ma quỷ đột nhập, tác yêu tác quái làm hại dân chúng. Thêm nữa, thời điểm cuối năm, các vị Hành khiển bàn giao công việc trong tư thế gấp gáp nên lễ cúng giao thừa cũng thường được cúng ngoài sân với những món ăn đơn giản, gọn nhẹ, đã được chuẩn bị từ trước và có thể dùng được nhanh. Quan quân cũng không có nhiều thời gian rảnh rỗi nên gia chủ cũng không thể bày tiệc trà linh đình. Vì vậy, lễ cúng giao thừa thường được tổ chức ngoài trời.

Mâm cúng giao thừa của người Quảng thường có bánh chưng, bánh tét, bánh tổ, xôi, một con gà luộc, vài chén cháo. Ngoài ra, lẽ vật cúng còn có gạo muối, trầu cau, trà rượu.... Đặc biệt, lễ cúng phải có giấy tiền vàng bạc và một bộ đồ thế dâng cho các vị Hành khiển. Riêng gà được đặt cúng trên bàn thờ, quan niệm chung thường là đặt gà quay đầu vào trong bát hương với tư thế há miệng, chân quỳ, cánh duỗi tự nhiên. Tư thế này được coi là "con gà biết kêu, biết gáy, đang chầu". Khi cúng lễ, người ta thường để nguyên cả con gà vừa tạo ra sự đẹp mắt, vừa nghiêm cẩn và thường lấy giò con gà này để xem vận của gia chủ trong năm mới. 

Từ lâu, giao thừa đã được xem là thời khắc ý nghĩa, đầy thiêng liêng, đánh dấu sự bắt đầu của một năm. Ngày nay, ý nghĩa đêm giao thừa có thể không được hiểu đầy đủ, trọn vẹn, mâm cúng giao thừa có thể giản lược hơn nhưng thời khắc giao thừa luôn là lúc mà mỗi người đều mong đợi. Mọi người gặp nhau ở cảm giác hồi sinh, hy vọng, rộng lòng bỏ những điều không hay trong năm cũ để sẵn sàng chào đón một năm mới hạnh phúc, tốt lành.

BÙI THỊ THANH MINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tản mạn đêm giao thừa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO