“Bây giờ trẻ con không hát đồng dao nữa
Cũng quên luôn tiếng sáo thả lưng đồi
Tôi trở về con chuồn kim bậu cửa
Cánh chạm vào ký ức tuổi thơ tôi”
(Trần Đình Thọ)
Không hiểu sao trong nhiều câu thơ, bài thơ còn nhớ được, tôi lại không thể nào quên bốn câu thơ trên của Trần Đình Thọ. Một lần, lâu lắm rồi, bất chợt đọc ở đâu đó những câu thơ trên, và nhớ. Cái làm tôi xao xuyến, cảm động, thương nhớ chính là hai chữ “đồng dao”. Và có lẽ như tác giả viết, chỉ hai tiếng “đồng dao” thôi đã “chạm vào ký ức” của bao người! Thực ra không riêng Trần Đình Thọ nhắc về đồng dao mà có lẽ trước, trong và sau đó, rồi đến tận bây giờ, nhiều người đã nhắc đến đồng dao. Nhắc đến với niềm tiếc thương, băn khoăn, ray rứt nếu một ngày nào đó “đồng dao” không còn!
Đồng dao được nhắc đến không phải bằng những định nghĩa hay khái niệm rối rắm. Đồng dao như máu thịt trẻ con, như hồn nhiên cây cỏ, như nước ruộng giữa đồng, như ngày mưa tháng nắng, như rau muống bờ ao, và trên hết như chính tâm hồn, cuộc sống trẻ thơ:
Lúa ngô là cô đậu nành
Đậu nành là anh dưa chuột
Dưa chuột là ruột dưa gang
Dưa gang là nàng dưa hấu
Dưa hấu là cậu lúa ngô
Lúa ngô là cô đậu nành...
…
Thương con ba ba
Đội nhà đi trốn
Gặp con nước cuốn
Trôi tuột ra khơi
Gặp lúc êm trời
Đội nhà đi dạo.
…
Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp.
Có thể kể một “kho tàng” đồng dao chứ không ít. Và có lẽ cũng không cần đi vào phân tích nội dung của nó. Bởi đồng dao là… “đồng dao”, là “những nét bút văn hóa đầu tiên của truyền thống dân tộc được viết lên tâm hồn trong trắng của các em” (GS. Tô Ngọc Thanh). Chính cái “tâm hồn trong trắng” đó, cũng theo GS. Tô Ngọc Thanh, đi tìm logic trong đồng dao là việc làm không cần thiết vì “tìm để làm gì? Trẻ con tập nói thì nó cần logic để làm gì? Đôi khi, với trẻ, cái không logic thì nó mới quý” - ông nói.
Hóa ra đồng dao chỉ để trẻ con tập chơi, tập nói, tập hát… Chỉ đơn giản thế thôi mà đồng dao đã đi vào ký ức của bao người. Đồng dao gắn với mỗi người không ngoài những kỷ niệm tuổi thơ với một thế giới sinh động và trong trẻo lạ kỳ. Suy cho cùng một đời người không có gì “rưng rưng” bằng ký ức tuổi thơ dù là tuổi thơ nghèo khó hay sung sướng; ở đó, tất cả đều… bình đẳng dù lớn lên, già đi, mỗi người mỗi ngả trên đường đời:
Cá rô cá rạch
Gặp trận mưa rào
Mày chẳng ở ao
Mày lên rãnh nước
Nước xuôi mây ngược
Mày thích ra sông
Thỏa chí vẫy vùng…
“Bây giờ trẻ con không hát đồng dao nữa”. Nghe thật xót xa! Trẻ con thành phố càng xa lạ với đồng dao như… “người dưng qua đường”? Có thể đâu đó trên những vùng quê xa lắc, vẫn có những đứa trẻ chơi và hát đồng dao. Nhưng biết đâu, đó là những bài đồng dao cuối cùng còn sống với chúng?
Cả một chương trình ngữ văn lớp 6, người đọc bắt gặp duy nhất vài câu hát đồng dao do lũ chim cất lên (trong bài “Lao xao” của Duy Khán); mà có lẽ cũng “vô tình” được đưa vào sách(?): Bồ các là bác chim ri/ Chim ri là dì sáo sậu/ Sáo sậu là cậu sáo đen/ Sáo đen là em tu hú/ Tu hú là chú bồ các,…
Ôi đồng dao, một trời thương nhớ!
HUỲNH TIẾN VĂN
(Trường THCS Nguyễn Khuyến – Tam Kỳ)