Tàn nhưng không phế

TRIÊU NHAN - NHẬT DUY 06/09/2013 08:51

Anh Đỗ Phú Kim (thôn Lâm Tây, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc) luôn để lại ấn tượng đối với nhiều người về sự hoạt bát, khác hẳn với nhiều người khiếm thị chúng ta vẫn thường gặp…

Anh Đỗ Phú Kim đang quản lý tiệm internet của gia đình.
Anh Đỗ Phú Kim đang quản lý tiệm internet của gia đình.

Năm lên 4 tuổi, một cơn sốt nặng kèm theo biến chứng đã cướp mất ánh sáng của cậu bé Đỗ Phú Kim. Người đàn ông 55 tuổi đời nhớ lại: “Tuổi thơ đối với tôi là những chuỗi ngày thật u buồn, trước mắt chỉ toàn một màu đen. Suốt ngày quanh quẩn với bóng tối, tôi chỉ biết than trách cho số phận…”. Dần dà, Kim học cách chấp nhận khiếm khuyết để sửa xe đạp, may vá quần áo rồi mạnh dạn “hành nghề sửa xe đạp”. Những đồng tiền ít ỏi kiếm được như một phần thưởng cho nỗ lực của người thanh niên mù. Năm 1983, anh kết duyên cùng chị Nguyễn Thị Chín (quê Đại Lãnh, Đại Lộc). Hạnh phúc như được nhân đôi khi Đỗ Phú Kim đón chào thành viên mới ra đời, một đứa con lành lặn, khỏe mạnh. Kim bàn với vợ xây dựng chuồng trại nuôi heo, mở thêm máy xay xát... Vợ có đôi mắt, chồng có cái đầu biết tính toán làm ăn, cùng đồng lòng sẽ vượt qua đói nghèo, vươn lên trong cuộc sống.  

Với nguồn vốn vay của Hội Người mù tỉnh, Đỗ Phú Kim đầu tư nuôi bò lai cùng mô hình trồng nấm rơm. Nguồn thu cho gia đình bắt đầu được cải thiện. Không dừng lại ở đó, anh còn đăng ký tham gia học lớp đào tạo vi tính ngắn hạn cho hội viên người mù tại TP.Tam Kỳ. Sau khóa học, anh nảy sinh ý tưởng mở quán kinh doanh internet. Ban đầu, tiệm của anh chỉ vỏn vẹn 3 máy vi tính, sau nhu cầu của khách tăng cao nên anh quyết định mua thêm 5 máy, rồi 10 máy. Đến nay, tiệm internet của anh đã có gần 20 máy vi tính với chi phí đầu tư mỗi máy khoảng 4 - 5 triệu đồng.

Một người mù trông coi tiệm internet là cả một vấn đề vì vừa trông máy, vừa canh giờ, quản lý khách hàng. Đỗ Phú Kim chia sẻ: “Khó nhất là những lúc máy hư hỏng, dễ thì tôi có thể xử lý được; còn không, phải chờ cậu con trai đang theo học năm thứ tư ngành Công nghệ - thông tin trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng về giúp”. Hiện, nguồn thu hằng tháng từ dịch vụ internet đem lại cho gia đình anh Kim từ 4 - 5 triệu đồng, chưa kể thu nhập từ máy xay xát, làm trang trại nuôi gà, heo. Và đặc biệt, tài sản lớn nhất của Đỗ Phú Kim là 3 đứa con học giỏi khỏe mạnh.

Đó là phần thưởng quý giá cho những nỗ lực học hỏi, ý chí vươn lên không ngừng của Đỗ Phú Kim. Anh kể: “Năm  2001, khi nghe chương trình nông nghiệp của Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh về mô hình trồng nấm rơm tại hộ gia đình, tôi đã mạnh dạn viết thư xin được hỗ trợ tài liệu, kỹ thuật. Ban biên tập của đài đã liên hệ qua Hội Nông dân xã Đại Đồng, cử cán bộ chuyển giao kỹ thuật trồng nấm cho tôi. Đài còn gửi quà động viên tôi là 1 chiếc radio và 200 nghìn đồng. Đó là nguồn khích lệ rất lớn khiến một người mù như tôi hạnh phúc vô cùng. Sau thời gian mày mò, tôi đã thành công, nghề trồng nấm đã đem lại cho tôi cuộc sống ổn định”.

Nói về động lực khiến anh vượt qua được mặc cảm lớn của bản thân, Đỗ Phú Kim cười tươi: “Tôi luôn nuôi ý chí và nghị lực vươn lên để trở thành người tàn nhưng không phế”. Nhìn anh Kim thao tác trên máy tính, tính tiền cho khách một cách thành thạo, không ai nghĩ anh là người khuyết tật. “Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của bản thân với những người đồng cảnh ngộ. Xã hội còn biết bao trường hợp éo le, tôi như vậy là may mắn hơn nhiều. Chỉ mong sao luôn được khỏe mạnh để còn giúp gia đình và làm những gì mình mơ ước” - Đỗ Phú Kim bộc bạch.

TRIÊU NHAN - NHẬT DUY

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tàn nhưng không phế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO