Trong lịch sử, biết bao thư tịch vì một lý do nào đó mà không còn nguyên vẹn. Hình hài tàn khuyết, giá trị tư liệu không còn đủ đầy làm cho người đời sau vô cùng nuối tiếc.
Nhớ những năm tháng mới bước vào thời kỳ đổi mới, điện thắp sáng chưa có, tim đèn (bấc đèn) bằng sợi bông rất hiếm, gia đình tôi thường sử dụng giấy sách chữ Nho để làm tim đèn. Giấy đó là loại giấy dó, xe tim đèn rất tiện; thêm nữa, con cháu trong nhà không còn ai đọc được sách của ông cha để lại. Lúc ấy, tôi chỉ biết thích thú ngồi khêu đèn và ngắm nhìn vòng sáng nhỏ bé như là một trò chơi duy nhất về đêm. Sau này, có chút chữ Hán, tôi lại cảm thấy tiếc nuối cho những quyển sách giấy dó của gia đình, bởi không còn sách để biết gia tài chữ nghĩa của những thế hệ trước truyền lại là những gì, có chút nào về trước tác hoặc một “bí mật” nào đó hay không. Tất cả đã thành tro bụi, muội than che phủ mấy đời người.
Từ 10 năm trước, do đặc thù công việc, tôi thường đi sưu tầm tư liệu Hán Nôm trong dân gian và người ta cũng thỉnh thoảng đem sách vở loại ấy đến nhờ dịch giúp. Công việc “khách tự mang” đó đã làm cho tôi nhiều lần trong cảnh ngộ “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Những tài liệu đã mất thì không rõ số phận; những tài liệu hiện còn thì khiến phải suy tư. Phần lớn những sách vở trong dân gian thường bị rách nát, hư hỏng do nhiều nguyên nhân. Một vùng đất như xứ Quảng phải chịu trường kỳ chiến trận, đói khổ tản cư, bão lũ hàng năm. Thậm chí “trăm năm bia đá” vững như “bàn thạch” cũng phải mang trên mình thương tích bởi hứng bom đạn chiến tranh…
Một đạo Sắc phong của làng Ái Mỹ Đông thời Minh Mạng thứ 7 (1826) bị hỏng nát. Ảnh: H.T |
Đau lòng nhất vẫn là những tài liệu sắc phong - vật thiêng của các làng, là tài liệu độc bản, được cả làng trân quý giữ gìn nhưng cũng bị “thư tàn chữ khuyết”. Toàn bộ 21 sắc phong của làng Ái Mỹ Đông (xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc) đều bị hỏng nát. Tương tự, những đạo sắc phong của làng Đà Sơn, một trong những làng cổ xưa của xứ Quảng (nay thuộc phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng), cũng cùng chung số phận. Trong khi đó, nhìn người thủ sắc thành kính thắp hương khấn vái để lấy sắc phong xuống giở xem, tôi càng cảm thấy tiếc cho những di sản của làng xã một thời.
Một trang gia phả rách hỏng làm cho không biết cụ thể thế thứ vài đời. Đôi khi, chỉ cần mất đúng một chữ thôi cũng không thể biết được vị tổ đó tên là gì. Những đạo sắc phong hư nát không giúp người sau biết đầy đủ về vị thần được sắc tặng hay của vị vua nào ban ấn sắc. Hay một trường hợp khá đặc biệt khác, hiện nay người ta biết đến tộc họ Huỳnh Bá ở Ngũ Hành Sơn được coi là tổ nghề đá mỹ nghệ Non Nước nhờ vào mấy chữ “thợ khắc đá”, “Huỳnh Bá”, “làng Quán Khái” trên tấm bia Phổ Khánh tự bi (thuộc đất Đại Lộc nay) lập năm 1678. Song, do một chữ kế sau chữ “Huỳnh Bá” bị người ta đục bỏ, làm cho chúng ta không thể biết rõ tên của người khắc đá này, nếu không thì có thể đối chiếu với gia phả của tộc Huỳnh Bá để biết được mốc thời gian sớm hơn về lịch sử làng nghề.
Thư tịch là phương tiện để người trước truyền đạt lại tri thức, thông tin cho người sau, giúp người nay hiểu về người xưa. Cho nên cổ nhân đã dạy, “để lại cho con đầy một hòm vàng sao bằng cho con một quyển kinh sách”. Câu phú “vài quyển sách nát” của Trần Tế Xương cũng đã mang hình ảnh của một thầy đồ. Dẫu sách vở đó có nát có hỏng nhưng vẫn còn ít nhiều giá trị tư liệu, chúng ta cần phải tiếp tục giữ gìn, phát huy; dẫu văn tự không trọn vẹn vẫn là “cảo thơm” để thỉnh thoảng “lần giở trước đèn”.
HƯƠNG THU