Những người làm công tác truyền thanh cơ sở thường được xếp vào những người không chuyên trách ở xã, phường. Không chuyên trách cho nên chế độ thì không ngạch bậc, không bảo hiểm xã hội, không bảo hiểm y tế, chỉ có phụ cấp hằng tháng với hệ số 1 mức lương tối thiểu. Thật khó mà gọi bằng một chức danh rõ ràng, bởi họ kiêm nhiệm rất nhiều việc để mang cánh sóng bay xa…
Dù còn nhiều khó khăn nhưng cán bộ truyền thanh cơ sở vẫn tận tụy với nghề. |
Để hoàn thành công việc, cán bộ truyền thanh phần lớn phải đáp ứng yêu cầu “4 trong 1”: phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên. Theo quy định, nhiệm vụ của đài truyền thanh cơ sở gồm tiếp âm, tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh và đài truyền thanh - truyền hình huyện; sản xuất và phát sóng chương trình truyền thanh; phối hợp, cộng tác tin, bài với đài truyền thanh - truyền hình huyện; lưu trữ các chương trình truyền thanh tự sản xuất; thực hiện các nhiệm vụ khác do UBND xã, thị trấn giao. Chừng đó nhiệm vụ mà những người không chuyên trách phụ trách truyền thanh phải làm hằng ngày. Trực máy, tiếp âm, phát đài; xuống thôn, dự hội họp ở xã để nắm tư liệu viết tin, bài; lên vỏ chương trình; tự trình bày và tự thu, phát chương trình. Không những thế, họ còn phải lắng nghe tiếng loa, dán mắt vào từng dao động của cây kim máy phát sóng, máy tăng âm, nếu có trục trặc xảy ra thì người vận hành máy phải tức thời thắt dây an toàn, leo trụ xử lý loa, dây chập chạm.
Huyện Duy Xuyên hiện tồn tại hai hệ thống truyền thanh: hữu tuyến và vô tuyến. Hệ thống hữu tuyến với 130km dây dẫn, 18 máy tăng âm, tổng công suất hơn 17.000W. Hệ thống vô tuyến với 160 cụm loa không dây với 450 loa công cộng. 11 máy phát sóng FM và cụm loa không dây được cài đặt số (điều khiển từ xa) rất thuận tiện cho việc vận hành, xử lý toàn bộ hệ thống. Mười bốn trạm truyền thanh xã, thị trấn đều được trang bị vi tính có cài đặt phần mềm thu, phát chương trình, nâng cao chất lượng thu, phát chương trình và nâng cao kỹ năng tác nghiệp cho cán bộ truyền thanh. Các đài truyền thanh còn được trang bị đường truyền internet thuận lợi cho việc khai thác mạng phục vụ công tác tuyên truyền và cộng tác tin bài với đài cấp trên.
Một trong những yếu tố khiến cán bộ truyền thanh vẫn còn trăn trở, đó là việc nhiều, lương ít. Thế nhưng không vì thế mà họ xao nhãng mà vẫn làm việc bằng tâm huyết, trách nhiệm. Ở Duy Xuyên, những người làm truyền thanh từ thời phong trào hợp tác hóa nông nghiệp vào những năm 1977, 1978 “nặng nợ” đến bây giờ phải kể đến: Nguyễn Tùng và Trương Thị Thanh (Duy Trung); Trần Liêm (Duy Thành); Tô Tiến Dũng (Duy Châu). Hơn một nửa cán bộ truyền thanh ở Duy Xuyên hiện nay đã có thâm niên ba chục năm. Anh Nguyễn Tùng (Đài truyền thanh Duy Trung) năm nay 58 tuổi, 38 năm trong nghề tâm sự: “Xin nghỉ thì lãnh đạo địa phương không cho, vì không có ai thay thế. Các bạn trẻ thì không mặn mà với truyền thanh, chế độ phụ cấp ba đồng ba cọc”.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng những người làm công tác truyền thanh cơ sở vẫn tận tụy với nghề. Họ không quản ngại khó khăn để đưa thông tin đến bạn đọc nhanh chóng và chuẩn xác nhất. Và hy vọng thời gian tới, họ sẽ có một chức danh hẳn hoi, có chế độ, chính sách thỏa đáng để hàng ngày tiếng loa truyền thanh vẫn vang khắp thôn xóm.
HOÀNG THƠ