Mở rộng không gian du lịch ra bên ngoài phố, kết nối với các địa phương lân cận như Duy Xuyên, Điện Bàn là những mục tiêu chủ đạo trong kế hoạch phát triển du lịch Hội An thời gian tới.
Trà Nhiêu phát triển du lịch từ sự lan tỏa khách Hội An. Ảnh: G.K |
Lan tỏa
Với vị trí liền kề và sở hữu tiềm năng du lịch sinh thái, làng quê, làng nghề… các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Thăng Bình được ví như “vệ tinh” của trung tâm du lịch Hội An trong những năm gần đây. Sự cộng hưởng giữa một bên là thương hiệu du lịch nổi bật, một bên là sự đa dạng tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn khiến cơ hội thúc đẩy du lịch các vùng phụ cận di sản trở nên mạnh mẽ. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết dự án phía nam cầu Cửa Đại đều gắn với cái tên Hội An dù nằm ở huyện Duy Xuyên hoặc Thăng Bình.
Mở rộng không gian du lịch ra bên ngoài Hội An không phải là câu chuyện mới mẻ, mà đã được ngành du lịch Quảng Nam và các doanh nghiệp quan tâm đầu tư trong thời gian qua, nhất là khi cầu Cẩm Kim hoàn thành (2016) và hoạt động du lịch tại một số điểm của Duy Xuyên, Điện Bàn trở nên nhộn nhịp. Những cái tên như Triêm Tây, Trà Nhiêu, Đông Bình, Bàn Thạch… ngày càng hấp dẫn, được du khách và các công ty lữ hành quan tâm nhiều hơn. Đặc biệt, một số doanh nghiệp cũng đã đi trước đầu tư vào những khu vực này khi Hội An đã trở nên chật chội. Nổi bật, có thể kể đến dự án Trà Nhiêu xanh của Công ty TNHH Hội An – Trà Nhiêu phát triển theo mô hình du lịch sinh thái tại làng Trà Nhiêu (Duy Vinh, Duy Xuyên), diện tích 29ha (bao gồm 5ha rừng dừa) kinh phí khoảng 90 tỷ đồng.
Theo ông Phan Xuân Thanh – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hội An – Trà Nhiêu, việc đầu tư vào Trà Nhiêu sẽ mang đến nhiều cơ hội vì nơi đây chỉ cách Hội An không xa, đặc biệt vẫn còn bảo lưu gần như nguyên vẹn các giá trị về văn hóa thiên nhiên. Tại Triêm Tây và xã Điện Phương (Điện Bàn), một số doanh nghiệp cũng đã đăng ký đầu tư và đang chờ thị xã Điện Bàn xem xét thỏa thuận. Ông Nguyễn Xuân Hà – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn khẳng định, trong kế hoạch phát triển du lịch Điện Bàn xác định thị trường chủ đạo vẫn là thu hút khách du lịch đang tham quan Hội An, coi đây là nguồn khách chính trong thời gian trước mắt để xây dựng những sản phẩm đón đầu phù hợp.
Tăng cường kết nối
Dù các địa phương bên ngoài Hội An có những thế mạnh và tiềm năng về du lịch, nhưng suốt thời gian dài sự phát triển vẫn khá rời rạc, kết nối du lịch giữa các địa phương vẫn mang tính tự phát, hoặc phụ thuộc vào doanh nghiệp. Việc quy hoạch, xây dựng sản phẩm riêng mang tính đặc trưng, tránh trùng lặp giữa 3 địa phương vẫn chưa được chú trọng và tham vấn lẫn nhau. Theo ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, kết nối, mở rộng không gian du lịch ra các vùng phụ cận Hội An là cần thiết, nhằm không chỉ giải tỏa áp lực của du lịch lên di sản, mà còn giúp đa dạng điểm đến, kéo dài thời gian tham quan lưu trú cho khách. Đây cũng là chủ trương phù hợp của ngành du lịch tỉnh khi hướng du lịch đến các vùng xa hơn bên ngoài di sản.
Ông Lê Trung Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho rằng, không chỉ Trà Nhiêu mà hầu như các điểm còn lại trên đia bàn huyện vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng vốn có. Nguyên nhân vì công tác quảng bá, giới thiệu, liên kết, nhất là việc phối hợp với các công ty lữ hành chưa hiệu quả. Do đó, việc kết nối doanh nghiệp Hội An đưa khách đến nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển là rất quan trọng. “Nhiệm vụ trọng tâm sắp đến vẫn là xây dựng quy hoạch, liên kết các điểm đến du lịch tiềm năng kết hợp với bố trí nguồn vốn để triển khai quy hoạch các điểm du lịch, có thể theo hướng công tư, Nhà nước thực hiện chức năng về quản lý, còn các doanh nghiệp sẽ đầu tư và tổ chức hoạt động kinh doanh. Với cách làm này hy vọng thời gian tới các điểm du lịch khác của Duy Xuyên cũng sẽ có những khởi sắc mới” - ông Cường nói.
Theo ông Lê Ngọc Tường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, mở rộng không gian du lịch nhằm đưa hoạt động du lịch lan tỏa ra ngoài phố cổ Hội An, vào phía nam và lên phía tây của tỉnh. Các vùng thuộc Duy Xuyên và Điện Bàn sẽ đóng vai trò như vùng đệm. “Quảng Nam không chỉ có di sản mà còn có làng quê, làng nghề sinh thái, biển đảo… Do đó, sản phẩm du lịch cũng sẽ phát triển đa dạng hơn nhằm phục vụ tốt nhất khách tham quan trong thời gian tới” - ông Tường nói.
GIA KHANG