Để tăng cường tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường, phát huy vai trò của người dân và cộng đồng trong bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường (TN-MT) ban hành chỉ thị yêu cầu lập, vận hành đường dây nóng, gồm số điện thoại và địa chỉ thư điện tử để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường từ trung ương đến địa phương hoạt động thông suốt, liên tục 24/24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ. Chỉ thị yêu cầu, trước 30.10, Tổng cục Môi trường thiết lập, công khai đường dây nóng của Bộ TN-MT công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và Cổng thông tin điện tử của Bộ TN-MT, Tổng cục Môi trường. Sở TN-MT thiết lập, chấn chỉnh đường dây nóng của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi tắt là đường dây nóng cấp địa phương), công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, thành phố và trang thông tin điện tử của sở TN-MT, hoàn thành trước 15.11.2017. Đồng thời xây dựng, ban hành, thực hiện quy trình tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường qua đường dây nóng.
Bộ TN-MT yêu cầu sở TN-MT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định cụ thể và bố trí cán bộ thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị qua đường dây nóng cấp địa phương; chịu trách nhiệm xử lý, phản hồi thông tin đối với các trường hợp: các vấn đề ô nhiễm môi trường diễn ra trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của UBND các cấp và các trường hợp khác; đồng thời bố trí kinh phí thường xuyên cho việc quản lý, vận hành đường dây nóng cấp địa phương; kinh phí cho việc xác minh, xử lý, phản hồi thông tin qua đường dây nóng cấp địa phương theo thẩm quyền...
BẢO LÂM