Thêm khó cho DN
Theo ông Lê Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch dịch vụ Hội An, dù khó khăn đến mấy công ty cũng phải tăng lương tối thiểu theo quy định của Nhà nước để tạo thêm thu nhập cho người lao động. Ông Dũng dự kiến năm 2013, quỹ tiền lương của công ty sẽ tăng thêm 36 tỷ đồng mới có thể đáp ứng được nhu cầu. Ngoài tăng lương, công ty cũng sẽ giảm thêm giờ làm cho người lao động để có thể tăng năng suất. Còn ông Phạm Văn Du, Chủ nhiệm HTX Duy Sơn 2 nói đơn vị đang gặp khó khăn nhưng vẫn phải tăng thêm khoảng 50 triệu đồng/mỗi tháng để giải quyết việc tăng lương. Trong khi đó, ông Phạm Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Đông Phương cho biết, DN vẫn chưa tính toán được gì về kế hoạch để đàm phán các hợp đồng thương mại. Ông không sợ tăng lương vì lương cao thì năng suất sẽ tăng, nhưng sợ nhất là giá điện, nước, xăng dầu, vận tải, phí, bao bì… cứ chực chờ vọt lên. Mặt khác, lương bình quân hiện tại của công nhân tại công ty thấp nhất cũng đã hơn 3,7 triệu đồng/người/tháng. “DN đã trả lương cao hơn rất nhiều so với mức lương cơ bản theo quy định nên không phải lo sợ gì việc tăng lương tối thiểu. Lương càng tăng thì trách nhiệm người lao động càng cao và năng suất cũng sẽ phải tăng thêm. Vấn đề đáng để suy ngẫm chính là lương người lao động tăng nhưng vật giá cứ tăng lên từng ngày như thế này thì cuộc sống của họ vẫn vậy, thậm chí còn thấp hơn” - ông Quang nói
Giờ tan ca của công nhân. Ảnh: MINH HẢI |
Rất nhiều DN nói sẽ rất khó khăn với việc tăng lương tối thiểu khi họ đã phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như giải phóng hàng tồn kho, sản xuất đình trệ, lãi suất ngân hàng và tỷ giá… Trong khi đó, đơn giá gia công chưa thể tăng, quỹ lương cũng đã tính rất sít sao nên chuyện tăng lương không dễ thực hiện. Chưa kể đến các khoản liên quan như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cũng phải tăng theo lương và bài toán chi phí với DN trở nên khó giải hơn. Với nhiều DN, tăng lương lúc này là một điều quá sức, sẽ tạo thêm gánh nặng cho họ. Những DN lớn, có số lượng đến vài chục ngàn lao động hoặc những DN đang cố sức cầm cự để qua cơn bĩ cực thì việc tăng lương, dù chỉ lo lương tối thiểu cũng là cả một vấn đề. Nhiều DN cho biết muốn tăng lương nhưng không tài nào tính nổi bài toán chi phí vì đã phải cắt 3% và 5% từ trong các khoản lãi để chuyển qua lương, còn chi phí trong năm đã tăng chóng mặt khiến cho hiệu quả hàng năm giảm dần. Có DN nói nếu tiếp tục tăng lương nữa thì lỗ, mà lỗ thì chẳng thà ngừng hoạt động chứ họ không biết tìm đâu tiền bù vào chỗ thiếu hụt.
Vật giá… theo lương
Nghị định 103/2012/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu mới của người lao động tại các đơn vị, DN, cơ sở ngoài nhà nước sẽ tăng lên chia theo 4 vùng, kể từ ngày 1.1.2013. Vùng I là 2.350.000 đồng/tháng (mức lương theo Nghị định 70 hiện nay là 2.000.000 đồng/tháng), vùng II là 2.100.000 đồng/tháng (1.780.000 đồng/tháng), vùng III là 1.800.000 đồng/tháng (1.550.000 đồng/tháng) và vùng IV là 1.650.000 đồng/tháng (1.400.000 đồng/tháng). Như vậy, mức lương tối thiểu mới tăng thêm so với mức lương cũ khoảng từ 250.000 - 350.000 đồng/tháng. Nghị định cũng nêu, mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do DN tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. |
Mức tăng lương, dù được đánh giá là khá thấp so với đà trượt giá và giá cả lên “cơn sốt” nhiều ngày qua, vẫn là bài toán khá đau đầu cho các DN. Không phải DN nào cũng đủ khả năng để thực hiện đúng quy định của Nhà nước. Nhiều lao động đã “háo hức” chờ mức lương tối thiểu mới sẽ được áp dụng để có thể “kiếm thêm” chút thu nhập về tiêu tết. Tuy nhiên, cho tới giờ, nhiều người vẫn không biết có được tăng lương theo quy định của Nhà nước hay không, khi đến nay vẫn không nghe các chủ DN nói gì về việc tăng lương cho người lao động. Nhiều DN đưa lý do là mức lương ở công ty đã cao hơn mức lương tối thiểu rất nhiều nên không phải tăng nữa. Khi lạm phát đang là gánh nặng, giá nguyên phụ liệu nhập khẩu ngày càng cao, giá xăng dầu chực chờ tăng, lãi suất như khối bê tông nặng nề cứ chực ập xuống đầu thì tăng lương tối thiểu như một giọt nước làm tràn ly lo lắng của DN.
Nhiều công nhân cho rằng tăng lương tối thiểu không đáng kể gì trước việc các mặt hàng thiết yếu, tác động rất lớn vào đời sống người lao động lại tăng giá mạnh. Thực tế đã từng chứng minh rằng một khi chỉ mới “phong thanh” chưa nói chi đến quyết định tăng lương có hiệu lực… là thị trường giá cả lại nổi sóng. Rốt cuộc tăng lương thể hiện sự quan tâm của Nhà nước nhưng lại khiến cho cả DN và người lao động phải khổ trong bối cảnh hiện tại. Thậm chí, những DN đang đuối sức, có nguy cơ phá sản thì lại càng đưa đến nguy cơ thất nghiệp của nhiều lao động hơn. Khi đó thì chẳng những không thấy lương tăng mà còn thêm khả năng mất cả việc làm. Vấn đề quan trọng hơn hết là tăng lương cũng cần kèm theo các giải pháp kiểm soát và kiềm chế tốc độ tăng giá của thị trường.
Trịnh Dũng