Những năm qua, Hội An triển khai nhiều hoạt động hợp tác đối ngoại đạt hiệu quả, qua đó vừa mở rộng mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp vừa góp phần tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển…
Đại diện Nhật Bản trao đổi kỹ thuật xử lý rác thải tại hội thảo kết thúc 10 năm thực hiện dự án của Hội An và thành phố Naha. Ảnh: ĐỖ HUẤN |
Kết nghĩa cùng phát triển
Những ngày cuối năm 2018, TP.Hội An đón nhận tin vui khi cùng với thành phố kết nghĩa Wernigerode (Đức) được Bộ Hợp tác Kinh tế và phát triển CHLB Đức trao tặng giải thưởng “Phát triển đô thị bền vững quốc gia Đức năm 2019”. Đây là giải thưởng do Chính phủ Đức trao hàng năm cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có thành tích đóng góp trong công cuộc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Năm nay, lần đầu tiên giải thưởng được trao cho các thành phố kết nghĩa của Đức với các đối tác nước ngoài trên phạm vi toàn cầu. TP.Hội An và Wernigerode đã vượt qua gần 30 cặp thành phố khác cùng đăng ký tham dự để được trao giải thưởng ý nghĩa này. Mỗi thành phố nhận giải thưởng còn được tặng kèm 30.000 euro để sử dụng vào dự án của địa phương trên lĩnh vực phát triển đô thị theo hướng bền vững.
Để có được thành quả trên, đòi hỏi những nỗ lực không ngừng từ cả Hội An và Wernigerodehai trong chặng đường hợp tác, kết nghĩa 5 năm (2013 - 2018) với nhiều hoạt động giao lưu được tổ chức ở hai thành phố như: lễ hội “Đèn lồng Hội An” tại Wernigerode, con đường cây xanh Wernigerode tại Hội An, lễ hội bia Đức tại Hội An, hỗ trợ lao động Hội An sang học tập và làm việc tại Wernigerode… Năm 2018, thành phố Wernigerode cũng đã góp vốn và kêu gọi Chính phủ Đức tài trợ, thi công hoàn thành dự án lắp đặt, đưa vào sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời tại Quảng trường Sông Hoài với tổng mức đầu tư 170.934 euro và xây dựng Chương trình hành động chung về thích ứng - ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là dự án đầu tiên Chính phủ Đức tài trợ cho hai thành phố kết nghĩa, trong đó Chính phủ Đức tài trợ 90% kinh phí, Hội An và Wernigerode bố trí kinh phí đối ứng mỗi thành phố 5%. Chính phủ Đức còn tài trợ cho Hội An 178.000 euro thực hiện dự án “Lập kế hoạch phát triển giao thông bằng xe đạp và chương trình xe đạp chia sẻ miễn phí/chi phí thấp tại TP.Hội An”. Trước đó, dự án này đã được Bộ Hợp tác Kinh tế và phát triển Đức trao giải thưởng “Giao thông đô thị toàn cầu”. Theo ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VH-TT & truyền thanh - truyền hình TP.Hội An, những công trình, dự án Chính phủ Đức tài trợ cho Hội An có ý nghĩa rất đặc biệt không chỉ về mối quan hệ hợp tác của hai đất nước, hai thành phố mà còn trong việc cùng chung tay bảo vệ môi trường sinh thái.
Dấu ấn với Nhật Bản
Năm 2018, TP.Hội An còn có nhiều chương trình, dự án hợp tác với các đối tác, địa phương nước ngoài, như dự án “Đa dạng hóa sinh kế thông qua du lịch di sản tại các làng nông, ngư nghiệp vùng sâu, vùng xa” do JICA tài trợ, hay các dự án do Quỹ môi trường toàn cầu, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ, Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế tài trợ thực hiện tại Cù Lao Chàm… được phối hợp triển khai đạt kết quả tích cực. “Hội An đang tăng cường mối quan hệ hợp tác để tạo thêm nguồn lực và hội nhập phát triển. Thông qua các hoạt động đối ngoại, thành phố đã tranh thủ được rất nhiều nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, các địa phương kết nghĩa. Sắp tới đây, Hội An sẽ triển khai dự án “Nâng cao năng lực xử lý rác thải” do Liên đoàn đô thị Canada tài trợ với vốn ban đầu hơn 500.000USD. Đây sẽ là dự án khởi đầu để mở ra nhiều dự án cho vấn đề xử lý môi trường của thành phố trong tương lai” - ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói. |
Năm 2018 cũng ghi dấu mốc “10 năm cùng tiến bước với Okinawa”, kết thúc “Dự án hỗ trợ xây dựng Hội An - thành phố sinh thái” theo chương trình hợp tác kỹ thuật cấp cơ sở thuộc Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), hướng đến xây dựng thành phố sinh thái và quản lý chất thải bền vững do Trung tâm JICA Okinawa, Hội vận động tái chế rác thải của người dân Okinawa và thành phố Naha - Nhật Bản phối hợp với TP.Hội An thực hiện (giai đoạn 2008 - 2018). Thông qua dự án, môi trường của Hội An giảm được ô nhiễm và trong lành hơn, đã xuất hiện một số mô hình hiệu quả như: không sử dụng túi ny lon ở Cù Lao Chàm, phân loại rác thải tại nguồn, xử lý rác làm phân... Đồng thời từ dự án này, Hội An đã xác định được hướng đi rõ ràng cho công tác bảo vệ môi trường, xử lý rác thải nhờ tích lũy thêm kinh nghiệm, nâng cao kiến thức, kỹ thuật mới... thông qua các hoạt động học tập, tập huấn tại Nhật.
Với Nhật Bản không chỉ có Naha - Okinawa mà Hội An đã tranh thủ được nhiều nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho sự phát triển, tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp từ lâu đời. Từ nguồn tài trợ của các tập đoàn kinh tế như TAKARA, TOTO, TP.Hội An đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng một số khu nhà vệ sinh công cộng phục vụ nhân dân và du khách trong khu phố cổ, khu công viên Đồng Hiệp, An Hội… Hay như Không gian văn hóa Việt Nam - Nhật Bản, tuy mới hoạt động được một năm nhưng đã trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng tại Hội An, thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan. “Từ khi có Không gian văn hóa Việt Nam - Nhật Bản, du khách có thêm nhiều sự trải nghiệm và đến với những tuyến phố nằm trong không gian nhiều hơn. Điều đó đã giúp giảm tải, bớt một phần áp lực khách tập trung ở trung tâm phố cổ” - bà Hồ Thị Phương Uyên, Phó Văn phòng Hướng dẫn tham quan thành phố nói.
ĐỖ HUẤN