Kiểm soát lạm phát, bình ổn thị trường giá cả, tiết kiệm chi ngân sách, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh là mục tiêu của năm 2013.
Cầu Cửa Đại. Ảnh: M.HẢI |
Dự báo
Theo UBND tỉnh, dự kiến năm 2013, tổng sản phẩm (GDP) sẽ tăng khoảng 11,5%, tăng 0,3% so với năm 2012. Con số tăng trưởng được xác định dựa trên những tính toán về sự gia tăng của các ngành sản xuất. Nếu như ngành nông lâm ngư tăng 4,5%, dựa vào năng lực tăng thêm của hơn 2.700ha cao su đưa vào khai thác với khoảng 3.000 tấn mủ khô, thì ngành công nghiệp ước tăng đến 18%. Năm tới sẽ có thêm một số nhà máy đi vào hoạt động như thủy điện Sông Bung 5, 6, Đắc Mi C với tổng công suất 3 nhà máy gần 100MW, sản lượng hơn 400 triệu KWh. Cạnh đó là nhà máy Soda Chu Lai, nhà máy chế biến thủy sản 2.400 tấn/năm, nhà máy sản xuất tụ điện 12 triệu sản phẩm/năm và nhà máy sản xuất bột mỳ 90.000 tấn/năm tại Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc; các doanh nghiệp may mới tại Phú Ninh, Thăng Bình, Sedovina và Hi tech tại Duy Xuyên… Số sản phẩm tăng thêm như than sạch 27.000 tấn, thủy sản xuất khẩu 20.000 tấn, vàng khai thác 200kg, hơn 30 triệu sản phẩm may mặc, hơn 8 triệu đôi giày thể thao hay 6 triệu lít bia các loại, 14.000 tấn thép cán, 7.000 xe ô tô các loại... sẽ đóng góp cho tổng giá trị sản xuất tăng thêm hơn 2.600 tỷ đồng trong năm 2013.
Ngành dịch vụ dự báo tăng trưởng 16%, kim ngạch xuất khẩu khoảng 20%. Dựa vào dự báo tăng trưởng này, các cơ quan tài chính dự kiến tổng thu cân đối ngân sách trên địa bàn hơn 6.783 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với thực hiện năm 2012. Trong đó, thu nội địa 4.478 tỷ đồng, tăng hơn 22% và thu xuất nhập khẩu 1.560 tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm 2012. Tuy nhiên, Ông Võ Hồng, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh phân tích, dù sự sụt giảm của thị trường ô tô sẽ dẫn tới số thu nộp ngân sách từ khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh sẽ thấp, nhưng dự kiến hầu hết các nguồn thu khác trong năm 2013 đều sẽ gia tăng. Mặt khác, năm 2013, một số chính sách giảm, miễn thuế sẽ không còn và một số khoản thuế gia hạn đến hạn phải nộp... sẽ là lý do để có cơ sở tăng thu.
Năm 2013 sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đầu tư các công trình trọng điểm. Ảnh: T.DŨNG |
Sở KH&ĐT dự kiến tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2013 sẽ tăng 8% so với thực hiện năm 2012, chiếm 32% GDP. Ngân sách nhà nước tỉnh quản lý chiếm 25% tổng vốn đầu tư phát triển (trong đó bao gồm ngân sách tập trung, chương trình hỗ trợ theo mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia, khai thác quỹ đất, xổ số kiến thiết, ODA); nguồn vốn Trung ương đầu tư trên địa bàn chiếm khoảng 24%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh và nhân dân chiếm 20%, đầu tư trực tiếp nước ngoài 8% và nguồn vốn tín dụng khoảng 18%... Tuy nhiên, Sở KH&ĐT cũng thông báo là ngoài nguồn xổ số kiến thiết 40 tỷ đồng (bằng năm 2012) thì gần như toàn bộ nguồn vốn ngân sách nhà nước cân đối từ đầu năm, vốn các chương trình hay nguồn vốn khác đều sụt giảm. Cụ thể, nguồn vốn ngân sách sẽ chỉ khoảng 3.115 tỷ đồng, giảm 18% so kế hoạch năm 2012; trong đó vốn chương trình mục tiêu quốc gia 407,9 tỷ đồng, giảm 4%; nguồn vốn nước ngoài ODA 164 tỷ đồng, giảm 4%, nguồn trái phiếu chính phủ 874,7 tỷ đồng, giảm 9%. Đáng chú ý nhất là chương trình hỗ trợ theo mục tiêu chỉ 783 tỷ đồng, giảm 15%. Nguồn vốn này năm 2013 có 5 chương trình trung ương cắt giảm, không bố trí vốn, đó là Chương trình 134, 167, các dự án khắc phục lũ lụt, dự án cứu hộ cứu nạn và đầu tư bệnh viện tuyến tỉnh. Trong khi đó, nợ khối lượng và nợ theo cam kết thỏa thuận nguồn vốn các dự án thuộc 5 chương trình này khoảng 260 tỷ đồng .
Khai thông mọi nguồn lực
Ngoài việc tăng hiệu quả đầu tư công, UBND tỉnh cũng đã đưa ra thêm những giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững hơn. Đó là đẩy mạnh xuất khẩu, tăng hàm lượng nội địa và giá trị gia tăng của sản xuất, phát triển sản xuất thay thế có hiệu quả hàng nhập khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích. Thu hút và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn ODA và FDI. Với các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cần tăng cường quản lý, tập trung nguồn vốn cho các dự án thanh toán khối lượng, các dự án hoặc hạng mục hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm. Và điều quan trọng nhất vẫn là chuyện tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường, đẩy mạnh cải cách hành chính. |
Chỉ tiêu GDP tăng 11,5% trong năm 2013 theo nhiều đại biểu HĐND tỉnh là có khả năng đạt được, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương và doanh nghiệp. Quảng Nam xác định rõ mục tiêu năm 2013 góp phần kiểm soát lạm phát, bình ổn thị trường giá cả, tiết kiệm chi ngân sách để đạt hiệu quả ổn định và phát triển kinh tế. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sỹ cho rằng, trong bối cảnh các nguồn vốn nhân sách hạn chế, nhưng nhu cầu vốn đầu tư là vấn đề hết sức nan giải, rất cần sự phân bổ hợp lý, xác định rõ nhu cầu đầu tư cho năm 2013. Theo ông Trần Văn Tri - Giám đốc Sở KH&ĐT, vấn đề quan trọng để Quảng Nam ổn định, phát triển, phải bắt đầu nâng cao hiệu quả đầu tư công. Rà soát, sắp xếp lại danh mục đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Kiểm soát chặt chẽ hiệu quả đầu tư, bảo đảm nợ trong khả năng cân đối ngân sách toàn tỉnh và các cấp được phân cấp quản lý ngân sách.
Một điều chắc chắn rằng, tất cả giải pháp đưa ra có sức thuyết phục này của chính quyền để nâng cao năng lực điều hành, quản lý, đã được công bố từ lâu và ngày càng trở thành kim chỉ nam cho mục đích phát triển. Tuy nhiên, vẫn rất cần những giải pháp thực sự cụ thể hơn. Khi nhìn vào nguồn lực tài chính của nhà nước vốn đã không lớn lại sẽ càng bị giảm sút, việc khuyến khích thu hút các nguồn lực khác để bảo đảm tăng trưởng cao càng trở nên bức bách. Vấn đề là làm sao tạo ra một giải pháp căn cơ khi các chính sách thuế, phí trước tiên phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhằm giảm nhẹ gánh nặng phí và giúp họ duy trì sản xuất, yên tâm đầu tư kinh doanh. Hay nói cách khác, điều cần làm hiện nay là giúp người dân an tâm, phục hồi niềm tin doanh nghiệp, chứ không thể tạo ra những mối lo mới. Trong khi nguồn lực nhà nước không thể tăng thêm thì “giải cứu” doanh nhiệp là ưu tiên hàng đầu hiện nay của Quảng Nam hay cả nước vì doanh nghiệp có bán được sản phẩm, có phát triển thì kinh tế mới tăng trưởng và thu thuế cũng mới được tốt hơn.
TRỊNH DŨNG