Tăng xuất khẩu, khó hay dễ?

TRỊNH DŨNG 31/08/2016 09:22

Dự báo xuất khẩu tăng 15% năm 2016 sẽ khó thực hiện được, trong khi đó kim ngạch nhập khẩu tăng lên đột biến. Nhiều người kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu sẽ được cải thiện khi hàng hóa xuất khẩu của Quảng Nam có chiều hướng gia tăng.

Xuất giảm, nhập tăng

UBND tỉnh công bố giá trị xuất khẩu tháng 8 trên địa bàn tỉnh đã đạt gần 70 triệu USD, tăng hơn 4% so với tháng trước, tăng gần 37% so cùng kỳ, nâng tổng giá trị xuất khẩu 8 tháng đầu năm hơn 405 triệu USD, tăng hơn 10% so cùng kỳ, bằng 62% kế hoạch năm. Hàng dệt may tăng hơn 32%; mặt hàng gỗ tăng hơn 12%; giày các loại tăng 7%. Ngược với tốc độ tăng không nhiều của xuất khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu tháng 8 thực hiện hơn 143 triệu USD, tăng 10,5% so với tháng trước, so với cùng kỳ tăng hơn 24%, nâng kim ngạch nhập khẩu 8 tháng lên hơn 1 tỷ USD, tăng gần 31% so với cùng kỳ. Nhập khẩu tăng chủ yếu ở doanh nghiệp ngoài nhà nước (tăng gần 29%); FDI tăng hơn 40%. Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: linh kiện ô tô, nguyên liệu may mặc, máy móc thiết bị, linh kiện điện tử...

Sản lượng đánh bắt hải sản tăng nhưng giá trị xuất khẩu của mặt hàng này vẫn chưa cao. Ảnh: T.D
Sản lượng đánh bắt hải sản tăng nhưng giá trị xuất khẩu của mặt hàng này vẫn chưa cao. Ảnh: T.D

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng nhập khẩu tăng cao trở lại nhằm đảm bảo cung cấp máy móc thiết bị và nguyên liệu phụ liệu cho sản xuất. Đây là dấu hiệu tích cực cho tình hình sản xuất công nghiệp trong những tháng cuối năm. Các nhóm mặt hàng nhập khẩu chủ yếu tăng so với cùng kỳ như linh kiện ô tô, máy móc thiết bị, phụ liệu may mặc... nên dự kiến sẽ có tác động đến giá trị xuất khẩu các mặt hàng này tăng trong những tháng tiếp theo. Dấu hiệu tăng trưởng này chứng tỏ các doanh nghiệp đã sẵn sàng chuẩn bị cho sản xuất, hoàn tất các hợp đồng cung cấp đơn hàng những ngày tháng cuối năm. Nhập siêu đã trở thành dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế.

Theo nhận định của cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng khu vực này nhiều năm qua không đáng kể. Ngành thủy sản được xác định là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, chỉ tăng có 4%, trong khi thị trường rộng mở, nhưng vẫn không thể gia tăng được. Chỉ có một vài doanh nghiệp sản xuất ra thành phẩm sản phẩm hải sản bán đến tay người tiêu dùng, còn hầu hết doanh nghiệp chỉ chế biến thô xuất khẩu, chưa chú trọng đến sản phẩm chế biến sâu với hàm lượng giá trị cao; giá trị xuất khẩu đạt thấp. Nghịch lý lớn nhất là tỉnh cũng đã có những chương trình, kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản; sản lượng đánh bắt ngày càng gia tăng, nhưng nguồn nguyên liệu không thể đáp ứng đủ cho các nhà máy, xí nghiệp thủy sản Quảng Nam bởi chính doanh nghiệp không thể cạnh tranh nổi trên thị trường thu mua nguyên liệu. Thiếu nguyên liệu, nhiều nhà máy chế biến thủy hải sản có nguy cơ đóng cửa. Ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp luôn chiếm tỷ trọng 70 - 80% kim ngạch xuất khẩu, nhất là may mặc, da giày phát triển mạnh nhưng cũng chỉ là gia công, làm thuê, “làm công ăn lương” và thiếu cả nguồn lực đầu tư, nên xuất khẩu vẫn bấp bênh.

Xuất siêu được không?

Không khó để hình dung nhập siêu triền miên từ nhiều năm qua luôn là gánh nặng của nền kinh tế. Vì vậy, dù chỉ tăng trưởng thấp nhưng khá nhiều người đã nghĩ đến một kịch bản khác hơn, đó là nền kinh tế Quảng Nam sẽ chuyển sang xuất siêu dù rất khiêm tốn. Lý do để tin tưởng sự chuyển đổi này khi hiện tại, Quảng Nam xuất siêu không phải do giá cả khuếch đại mà do gia tăng hàng hóa xuất khẩu. Các kết quả tính toán cho thấy 15 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu Quảng Nam cũng đã tăng mạnh hơn nhiều so với nhập khẩu phản ánh thực lực của ngành này. Theo kết quả một cuộc khảo sát mới đây của Sở Công Thương, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết sẽ duy trì, phát triển và mở rộng sản xuất. Ông Byung-Tae, Kim - Giám đốc Sedo Vinako ở Đông Yên (Duy Trinh, Duy Xuyên), doanh nghiệp FDI, xuất khẩu 100% mặt hàng lều, bạt, túi xách nói doanh nghiệp đang triển khai mở rộng dự án đầu tư giai đoạn 2, thu hút thêm 1.500 lao động, nâng số lao động làm việc tại công ty lên khoảng 4.500 lao động. Công ty CP Ô tô Trường Hải cũng đã lên kế hoạch gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, mở rộng cảng và kết nối con đường vận chuyển hàng hóa trực tiếp từ Chu Lai ra thế giới…

Câu hỏi vì sao chiến lược xuất khẩu Quảng Nam đề ra nhiều năm vẫn chưa thể thành hiện thực và vẫn luôn nằm trong trạng thái không đạt chỉ tiêu kế hoạch hằng năm lại tiếp tục đặt trên bàn nghị sự. Thực tế, những hội nghị xuất khẩu được mở cũng chỉ bàn và tìm hướng đi nhưng không dễ dàng thưc hiện. Giải pháp để tháo gỡ nguồn vốn vay ngân hàng thì chỉ có ở tầm vĩ mô, còn thị trường mở là chính doanh nghiệp tự lo. Bốn mươi nền kinh tế có mối quan hệ xuất khẩu lâu nay đã bị mất đi một số thị trường đáng kể do suy thoái. May mặc, giày da, thủy sản… bị cạnh tranh khốc liệt, ảnh hưởng nặng từ việc EU, Mỹ, Nhật áp dụng các hàng rào kỹ thuật về vệ sinh an toàn thực phẩm, đã đánh thuế chống bán phá giá, truy xuất nguồn gốc khai thác thủy sản, nhãn mác… Hiện có những thị trường mới, thị trường đang rộng cửa cho doanh nghiệp xuất khẩu là Nhật Bản với nhiều dòng thuế giảm tới 0% theo hiệp định thương mại đã được ký kết giữa Việt Nam và Nhật Bản. Đây là một điều kiện để xuất khẩu, nhất là hàng nông, lâm, hải sản… Cơ hội thuận lợi mở ra, nhưng có tận dụng được hay không là do doanh nghiệp có tự chuyển đổi để hàng hóa bảo đảm được chất lượng, mẫu mã, đáp ứng được nhu cầu và có đủ tạo sự hài lòng từ phía đối tác hay không.

Ông Nguyễn Quang Thử cho rằng Quảng Nam đã xây dựng chiến lược riêng để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu trong tình trạng khan hiếm vốn. Hướng về chế biến sâu ngành thủy sản, doanh nghiệp cần định hướng đúng thị trường. Tranh thủ cơ hội để mở rộng xuất khẩu thủ công mỹ nghệ sang thị trường Trung Quốc. Những mặt hàng đã thành công thì tiếp tục, còn thất bại thì dừng. Tuy nhiên, việc xác định thị trường, sản phẩm ưu tiên sẽ tác động mạnh lên chiến lược của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp trả lời những câu hỏi mà không ai ngoài chính họ phải tự tìm cách trả lời cho sự thành bại của doanh nghiệp.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tăng xuất khẩu, khó hay dễ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO