Để vực dậy phong trào xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn tỉnh, hiện các đơn vị, cơ quan chức năng đã tạo điều kiện tối đa để người lao động tiếp cận được các thị trường chất lượng cao.
Đầu năm 2016, ngay trong sàn giao dịch việc làm đầu tiên diễn ra tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các công ty chuyên đưa người đi XKLĐ từ TP.Hồ Chí Minh đã có mặt để tìm kiếm người đi XKLĐ và sơ tuyển một số trường hợp đã đăng ký. Có mặt tại sàn giao dịch, ông Nguyễn Đức Quốc - Trưởng ban Kiểm soát của Công ty CP Đầu tư & thương mại tạp phẩm Sài Gòn (Tocontap Saigon, TP.Hồ Chí Minh) cho biết, công ty đến Quảng Nam để tuyển chọn một lượng lớn người đi XKLĐ sang thị trường Nhật Bản. Theo ông Quốc, Tocontap Saigon chỉ tuyển chọn người đi sang Nhật Bản, bởi đây là thị trường truyền thống uy tín của công ty. Số lượng ứng viên cần tuyển đi XKLĐ không giới hạn, có đủ các vị trí việc làm nếu ứng viên đáp ứng được yêu cầu của đối tác. Ông Quốc cho biết: “Chúng tôi đánh giá rất cao tinh thần, thái độ làm việc của người Quảng Nam khi đi làm việc ở Nhật Bản. Tuy nhiên, thời gian gần đây có rất ít người Quảng Nam đăng ký đi XKLĐ. Theo tôi thì có nhiều lý do, trong đó lý do ý thức người dân là điều quan trọng nhất. Có lẽ họ chưa nhận thức đầy đủ rằng, XKLĐ sang Nhật Bản sau thời gian ấn định, khi về vừa có được số tiền lớn trong tay, vừa có nghề, lại được rèn luyện tác phong công nghiệp”. Theo nhận định của một số công ty XKLĐ, người dân không muốn đi xa vì ở trong nước bây giờ cơ hội việc làm không thiếu. Đồng thời chi phí đi Nhật Bản khá cao nên người dân còn ngần ngại.
Người lao động tìm hiểu và đăng ký đi xuất khẩu lao động tại sàn giao dịch việc làm tổ chức vào đầu năm nay. Ảnh: D.L |
Tổ chức Giải báo chí về lao động và việc làm |
Ông Lê Tôn Tưởng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, nhận định: “Đối với lao động của tỉnh, chuyển biến về nhận thức là điều quan trọng nhất để vực dậy phong trào XKLĐ. Nguồn LĐ không thiếu, nhưng phần lớn ở khu vực nông thôn, miền núi; đào tạo xong đưa họ xuống làm việc ở đồng bằng ổn định đã là việc khó, nói gì đến XKLĐ. Thời điểm này, trung tâm chỉ làm việc, tạo nguồn cho những công ty có uy tín, được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép trong lĩnh vực XKLĐ. Đồng thời thị trường chất lượng cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan là những thị trường được khuyến khích để người lao động sang làm việc, dù chi phí cao hơn nhưng giá trị cao hơn”. Đầu năm 2016, lao động của tỉnh đã đi XKLĐ sang Nhật Bản và Hàn Quốc là 18 người, có 7 người là lao động ở huyện nghèo đã được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc tuyển chọn để đi trong thời gian tới. Ngoài ra, chương trình tuyển chọn thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản đã thi tuyển đạt 28 người, bắt đầu nhập học trước khi đi tại Hà Nội từ đầu tháng 3.2016. Toàn tỉnh còn có 114 người đã trúng tuyển các chương trình đi XKLĐ, số lao động này đang học và học xong chờ xuất cảnh, 10 người vừa đạt bước sơ tuyển ban đầu tại các công ty.
Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động của tỉnh yên tâm đi XKLĐ mà không lo vấn đề chi phí, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã đồng ý với đề xuất của Sở LĐ-TB&XH về cơ chế hỗ trợ cho người dân đi XKLĐ. Cụ thể, người LĐ đi XKLĐ sang các thị trường chất lượng cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan có chi phí cao (khoảng 150 triệu đồng/người) sẽ được vay với mức tối đa 100 triệu đồng/người (trước đây chỉ 50 triệu đồng/người), với lãi suất ưu đãi 0,5%. Nguồn vốn cho vay sẽ được chuyển từ nguồn của Quỹ hỗ trợ việc làm tỉnh (hiện dừng hoạt động) thành nguồn vốn ủy thác của UBND tỉnh thuộc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, chỉ cho vay các đối tượng đi XKLĐ nhưng không thuộc diện hộ nghèo, chính sách (đối tượng diện này đã được nguồn quốc gia cho vay). Đối với việc cho vay đi XKLĐ, ông Lê Hùng Lam - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh nói: “Cho vay đi XKLĐ sang thị trường chất lượng cao, đảm bảo sẽ thu hồi vốn nhanh, không bị nợ xấu, bởi thực tế đã có nhiều trường hợp người lao động vay vốn đi XKLĐ sang Nhật Bản, Hàn Quốc, chỉ cần sau vài tháng làm việc đã đủ tiền trả gốc vốn vay ngân hàng”. Người đi XKLĐ sang thị trường chất lượng cao còn được ngân sách tỉnh hỗ trợ học nghề, ngoại ngữ với mức 3 triệu đồng/người.
DIỄM LỆ