Xây dựng thương hiệu là cả hành trình từ quá khứ đến tương lai. Dấu ấn Quảng Nam được xác lập như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào thương hiệu, của sản phẩm và doanh nghiệp, của từng lĩnh vực kinh tế và hàm chứa văn hóa nữa. Trên con đường mở cửa hội nhập, làm thế nào tạo ra những sản phẩm, thương hiệu tiếp nối bản sắc truyền thống đến hiện đại, là cả một vấn đề chiến lược…
Không thể không nhắc đến vai trò cửa ngõ giao thương của xứ Quảng trong quá khứ. Như cố GS. Trần Quốc Vượng đã từng minh định về vị trí “hội thủy, hội nhân, hội tụ văn hóa” trong thế địa rất đặc biệt của Quảng Nam là một ngã tư đường nước, ngã tư quốc tế, nơi đã hình thành thương cảng không chỉ với Hội An thế kỷ XVII, mà còn trước nữa với Đại Chiêm hải khẩu, cảng Trà Nhiêu, với nền văn minh Sa Huỳnh, Chămpa… Các nhà nghiên cứu văn hóa bản địa nổi tiếng như Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Bội Liên cũng đã phác họa về con đường hàng hóa, con đường tơ lụa, con đường gốm sứ… vắt qua xứ Quảng.
Cao su Quảng Nam đang là một sản phẩm chiến lược.Ảnh: D.HOÀNG |
Vang bóng một thời
Ở thế “đắc địa”, người Quảng trong muôn trùng sóng gió lịch sử đã sáng tạo không ngừng để dựng nên những di sản giá trị và cũng đã sớm tiếp cận nền kinh tế hàng hóa sơ khai. Từ việc làm ra cái ăn, cái mặc và cả cái để chơi, để thưởng thức, đến việc biến những sản phẩm ấy thành hàng hóa, làm giàu thêm đời sống vật chất và tinh thần, là hành trình tìm kiếm “chỗ đứng” Quảng Nam trong lòng quốc gia, dân tộc rồi rộng ra khu vực, quốc tế, nhân loại.
Trong “Ô Châu cận lục”, Dương Văn An đã kể đến những sản vật của xứ Đàng Trong như ngà voi, sừng tê, trầm hương, bạch mộc hương, tô nhũ hương, biện hương, thổ cẩm trắng, thổ cẩm xanh, da trâu, nhựa thông, sừng trâu, da hươu, nhung nai, lông đuôi chim công, lông đuôi chim trĩ, hồ tiêu, mật ong, sáp vàng, dây mây... Thế kỷ XVI, những sản vật ấy của Quảng Nam và Đàng Trong nói chung đã được đưa ra Đàng Ngoài, thậm chí trao đổi với Trung Hoa và Xiêm La.
Giáo sư Momoki Shiro ở Đại học Osaka - Nhật, trong một công trình nghiên cứu cũng đã liệt kê hàng hóa Chămpa xuất sang Trung Hoa, gồm: vàng, bạc, thiếc, sắt, ngọc “bao mu”, ngọc trai, hổ phách, pha lê, ốc tiền, các loại đá, sừng tê, ngà voi, mai rùa, trầm hương, gỗ đàn hương, long não, xạ hương, trầm, hồng thủy, dầu lửa, bông, vải “Zhao xia”, vải có vẽ màu, vải bông trắng, chiếu lá cọ, sáp ong vàng, lưu huỳnh, gỗ vang, gỗ mun, tre “guanyio”, gạo, tổ yến, hạt tiêu, cau, dừa, mít, cây “haiwuji”, cây anit, ớt lựu, nhục đậu khấu, tê giác, sư tử, voi, vượn, khỉ trắng, voi trắng, chim “chiji”, chim “shanji”, chim “guifei”, vẹt, rùa.... Danh mục trên cho thấy sản vật khai thác từ thiên nhiên như cây trái, chim muông… chiếm số lượng lớn, đặc biệt còn có những hàng thủ công mỹ nghệ. Như vậy, ngay sự trao đổi trên con đường hàng hóa sơ khai đã đặt nền móng cho việc chế tác những vật dụng hay đồ trang trí nhằm để xuất khẩu, tạo cơ sở hình thành con đường gốm sứ, hoặc con đường tơ lụa về sau mà Quảng Nam là một đầu mối.
Xây dựng sản phẩm chiến lược
Tiền nhân đã để lại cho con cháu chúng ta cái nghề để làm sản phẩm truyền thống, còn có thể tạo nên sự khác biệt trên thị trường hàng hóa trong và ngoài nước. Phần lớn đó là những sản phẩm thủ công mỹ nghệ như mộc, gốm, mây tre, đúc đồng, tơ lụa, làm đèn lồng, dệt thổ cẩm… giờ đây cần phục hồi và cải tiến cách thức sản xuất, đa dạng hóa mẫu mã, đồng thời gắn phát triển loại “hàng hóa xanh” với phát triển du lịch.
Sản phẩm ô tô tải của Thaco Chu Lai - Trường Hải. |
Từ nền văn minh nông nghiệp đi ra, chúng ta cũng cần chú trọng tiếp nối các mặt hàng nông lâm thổ sản. Định danh một thời là các sản vật như quế Trà My, tiêu và lòn bon Tiên Phước, cây trái Đại Bình,… cần có chiến lược để phục hồi những cánh rừng cây trái và gia công sản xuất, chế biến những hàng hóa đặc trưng. Nghề ươm tơ dệt lụa từng vang tiếng cần được khôi phục, gắn với phát triển chất liệu cho ngành thời trang.
Gần đây, người dân đất Quảng còn tìm được cách lai tạo những giống cây trồng mới, như giống lúa, hay đã tìm cách nhân giống và di thực được sâm Ngọc Linh (sâm K5, rất quý). Trên vùng đất Quảng cũng đã du nhập các loại cây công nghiệp, trong đó nổi bật là cây cao su. Hoàn toàn có thể quy hoạch phát triển vùng cây cao su ở Quảng Nam, biến thành một trung tâm chế biến các sản phẩm cao su.
Ở tầm quốc gia, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 đã xác định “chủ động tham gia vào mạng phân phối toàn cầu…xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam” . Ở tầm địa phương, Quảng Nam cũng đã triển khai nhiều đề án để hỗ trợ xúc tiến xây dựng điểm đến cho đầu tư, du lịch, hỗ trợ làng nghề. Đồng thời cộng đồng doanh nghiệp bước vào sân chơi cạnh tranh thương hiệu khi bắt đầu xác lập, đăng ký sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa. Ngoài ra, đã có 25 nhãn hiệu tập thể của sản phẩm làng nghề được Cục Sở hữu trí tuệ xác lập quyền. |
Bên cạnh hàng nông lâm thủy sản, thủ công mỹ nghệ truyền thống, sản phẩm mới được kỳ vọng dựng nên thương hiệu mạnh như ngành ô tô và may mặc cần có chiến lược hỗ trợ. Một trung tâm cơ khí, sản xuất động cơ ô tô mang tầm quốc gia đã được đầu tư vào Khu Kinh tế mở Chu Lai, và thương hiệu ô tô của Thaco đã thành hình. Vấn đề không đơn giản chỉ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn hiện tại cho Thaco mà cần hơn là tạo điều kiện và vận động cả hành lang chính sách để thương hiệu này phát triển bền vững. Ngành may mặc cũng đang giải quyết số lượng lớn lao động Quảng Nam, và hàng hóa đã được xuất khẩu mạnh, nhưng việc xúc tiến thị trường còn nhiều bất cập cần được tháo gỡ.
Cuối cùng, sống trên miền di sản và sinh thái đặc trưng, các sản phẩm du lịch, dịch vụ sẽ là chỗ dựa lâu dài cho sự phát triển Quảng Nam. Các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, làng nghề đều cần gắn kết sản phẩm lữ hành, với khách sạn, nhà hàng, trung tâm nghỉ dưỡng, mua sắm… Các di sản Hội An, Mỹ Sơn, nhà cổ Quảng Nam, các di tích lịch sử…đều cần có những sản phẩm dịch vụ mới để thu hút khách. “Hành trình di sản” và nay là Festival Di sản Quảng Nam được hình thành, dù con đường để biến sản phẩm này thành thương hiệu du lịch chung của cả vùng sẽ còn dài lâu nhưng có thể gợi lên những kỳ vọng mới.
NGUYỄN ĐIỆN NAM