Tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nhiệm kỳ 2014 - 2019, công tác mặt trận ở huyện Hiệp Đức đạt được nhiều kết quả nổi bật; vai trò, vị thế của tổ chức Mặt trận được thể hiện trên nhiều lĩnh vực, nội dung hoạt động.
Mặt trận huyện Hiệp Đức tổ chức tốt các buổi tiếp xúc cử tri, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh. Ảnh: V.A |
Nhiều năm liền (năm 2014, 2015, 2017 và 2018), Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hiệp Đức được UBND tỉnh tặng cờ thi đua dẫn đầu 9 huyện miền núi. Đặc biệt, năm 2018, đơn vị vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.
Mới từ cách nghĩ đến cách làm
Ông Huỳnh Năm - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hiệp Đức nói, nếu không đổi mới, sáng tạo, mạnh dạn triển khai những việc người khác chưa làm, chưa có thì hoạt động Mặt trận dễ chung chung, không rõ việc, khó mang lại kết quả cụ thể. Ông Năm dẫn ví dụ về việc Mặt trận huyện đi tiên phong trong tổ chức tọa đàm gặp gỡ chức sắc, chức việc của các tôn giáo trên địa bàn huyện với đội ngũ công an để phát động bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nhờ đó trong 5 năm qua trên địa bàn không có vụ việc giáo dân vi phạm pháp luật. Cái mới còn được thể hiện ở việc xây dựng, triển khai mô hình, trong đó nổi bật như mô hình “Phòng chống biến đổi khí hậu và giữ vệ sinh môi trường”, “Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình đồng bào dân tộc”, “Đối thoại với người nghèo...
Được Mặt trận huyện triển khai lần đầu vào năm 2017 tại xã Bình Sơn và sau đó nhân rộng thực hiện tại xã Hiệp Hòa vào năm 2018, đến nay thông qua mô hình “Đối thoại với người nghèo” đã có 20 hộ/2 xã tự nguyện đăng ký thoát nghèo được Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội ở huyện đảm nhận giúp đỡ. Đối thoại là cách để lãnh đạo các cơ quan cấp huyện nắm thực trạng, nguyên nhân nghèo cùng những kiến nghị chính đáng, rồi tạo điều kiện cho hộ nghèo phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, tại buổi đối thoại, những hộ mạnh dạn đăng ký thoát nghèo sẽ được Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội ở huyện đồng hành, nhận đỡ đầu.
Gia đình anh Hồ Văn Hiền (thôn 4, xã Bình Sơn) là một trong 10 hộ đăng ký thoát nghèo, được Mặt trận huyện hỗ trợ 7 triệu đồng để có đủ tiền mua con bò cái trị giá 14 triệu đồng về chăn nuôi. “Không làm được việc nặng vì từng bị tai nạn giao thông nên tôi đề xuất Mặt trận huyện hỗ trợ kinh phí mua bò sinh sản mong tạo thêm nguồn thu để nuôi con ăn học. Đến nay, con bò đã chuẩn bị đẻ lứa 2. Nguồn hỗ trợ của Mặt trận không chỉ giúp gia đình có thêm kinh phí đầu tư sinh kế mà còn là niềm động viên, an ủi và động lực để vợ chồng tôi cố gắng vươn lên”.
Hình ảnh đẹp trong lòng dân
Cùng với việc đổi mới trong hỗ trợ người nghèo, trong 5 năm qua, từ nguồn Quỹ vì người nghèo do Mặt trận các cấp trên địa bàn huyện vận động đã hỗ trợ hơn 100 hộ nghèo cải thiện nhà ở với tổng kinh phí gần 4,1 tỷ đồng, giúp 1.800 hộ nghèo về sinh kế..., góp phần giảm hộ nghèo của huyện từ 23,26% (năm 2014) xuống còn 16,79% (năm 2018). Nhìn nhận về những kết quả trong 5 năm qua, ông Nguyễn Văn Tỉnh - Bí thư Huyện ủy Hiệp Đức đánh giá cao vai trò của Mặt trận các cấp trong giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh. Mặt trận đã phối hợp tổ chức 19 diễn đàn đối thoại với khoảng 3.000 lượt người dân tham dự, góp phần tạo mối quan hệ gần gũi, gắn bó giữa nhân dân với chính quyền; tạo đồng thuận trong nhân dân khi quyền và lợi ích chính đáng được bảo vệ, giảm đơn thư khiếu nại vượt cấp.
Cùng với diễn đàn đối thoại, trong 5 năm qua, Mặt trận huyện tổ chức 10 hội nghị phản biện và 17 cuộc giám sát chuyên đề; Mặt trận xã, thị trấn giám sát được 41 cuộc. Nội dung giám sát, phản biện phù hợp với thực tiễn đời sống người dân, nhất là các vấn đề liên quan đến đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng,... Qua giám sát, phản biện, Mặt trận kiến nghị chính quyền giải quyết nhiều vấn đề thiết thực. “Việc thực hiện nhiều hoạt động có hiệu quả trong 5 năm qua đã làm cho vai trò, vị trí, hình ảnh của MTTQ trong lòng người dân được nâng lên. Qua giám sát, đối thoại, niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố; an ninh chính trị được giữ vững” - ông Tỉnh nhấn mạnh.
Theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Tỉnh, trong thời gian đến, ngoài những nhiệm vụ, giải pháp đặt ra, quan trọng nhất là phải nâng cao được nhận thức của cả hệ thống chính trị về hoạt động của Mặt trận. Mặt trận cần tiếp tục tạo điều kiện cho người dân trực tiếp góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, đồng thời là cầu nối để Đảng, chính quyền giải quyết những kiến nghị chính đáng của người dân. Qua phản biện, góp ý, giám sát phải làm sao xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân, để nhân dân đồng thuận chung tay hưởng ứng các chủ trương, chính sách, các phong trào, cuộc vận động lớn. Mặt trận cần nâng cao trách nhiệm, chủ động thực hiện các nội dung, nhưng không chạy theo phong trào; xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận đủ năng lực, bản lĩnh; ngày càng nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội.
VINH ANH - MAI NHI