Tập san Văn Sử và những ngày làm báo bí mật

TẦN HOÀI DẠ VŨ 19/06/2013 07:35

Mùa hè 1972, “mùa hè đỏ lửa” như tên một cuốn ký sự chiến tranh của nhà văn quân đội Sài Gòn, Phan Nhật Nam. Nhưng sau những thất bại quá lớn ở Quảng Trị, khu 5, Tây Nguyên, An Lộc, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu lại càng đàn áp phong trào đấu tranh trong các thành thị miền Nam dã man hơn. Ngoài việc ban hành lệnh thiết quân luật trên khắp bốn vùng chiến thuật, chính quyền Sài Gòn còn mở chiến dịch Bình Minh, bắt giam tất cả những người khả nghi, thuộc mọi thành phần xã hội.

Ở Huế, sau khi đám tàn quân Sài Gòn từ Quảng Trị chạy về, cướp bóc và đốt chợ Đông Ba vào chiều ngày 3.5.1972, không khí khủng bố bao trùm thành phố. Trong cơn hoảng loạn, chính quyền Huế ra sức truy bắt ráo riết các trí thức và sinh viên học sinh yêu nước. Phong trào Huế vỡ lớn.

Để đối phó với phong trào bên trong Huế bị vỡ, Thành ủy Huế điều đồng chí Lê Phương Thảo (tên thật là Lê Công Cơ, Thành ủy viên) trực tiếp về địa bàn Phú Lộc để tổ chức bắt đường dây nối vào Huế. Tháng 10.1973, sau nhiều ngày các cơ sở nội thành Huế dày công sắp đặt, tổ chức, đồng chí Lê Phương Thảo đã được đón vào Huế, nhằm theo sát và chỉ đạo kịp thời, tại chỗ những chủ trương của Thành ủy Huế đối với phong trào sinh viên học sinh và trí thức Huế.

Nói là các cơ sở nội thành Huế phải dày công sắp đặt, tổ chức để thực hiện thành công việc đưa một đồng chí Thành ủy viên từ chiến khu Trị Thiên vào Huế vì đây là một công tác tuyệt mật, sự thành bại chẳng những ảnh hưởng to lớn đến uy tín của cách mạng, sự sống còn của phong trào, mà còn ảnh hưởng đến tính mạng của một đồng chí lãnh đạo và cả tính mạng, sự an nguy của gia đình các cơ sở nội thành. Công lớn trong việc tổ chức này trước hết là của Trương Văn Hoàng.

Hoàng sinh năm 1952, quê ở Thăng Bình, Quảng Nam. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Hoàng được một ông bác cưu mang, nuôi nấng. Học xong trung học đệ nhị cấp và đỗ tú tài tại trường Trần Cao Vân - Tam Kỳ, Hoàng thi vào Đại học Sư phạm Huế, ban Việt Hán, năm học 1971 - 1972.

Ngay từ hồi còn học ở trường Trung học Trần Cao Vân, Hoàng đã là một người xông xáo, ham hoạt động, sớm có những nhận thức đúng đắn về thời cuộc và bộc lộ tinh thần yêu nước sôi nổi. Ngay từ những ngày đó, Hoàng đã tham gia làm báo trong phong trào học sinh và có những bài báo có chất lượng, thể hiện lòng yêu nước.

Làm sao quên được thị xã Tam Kỳ nhỏ bé, tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Tín (cũ), nơi  chỉ có những ngã ba mà không có ngã tư, nơi bên bờ bắc của dòng sông mang tên của chính vùng đất thấm đẫm lịch sử này, có những hàng hoa sưa nở vàng trong nắng, đẹp như tâm hồn của lứa tuổi 17 đang muốn ôm trọn cả cuộc đời vào lòng mộng mơ; nơi còn lưu giữ bao kỷ niệm sôi nổi, sống động của một thời làm báo “Chân Dung”, với tranh bìa của Bửu Chỉ, là khuôn mặt thiếu nữ và cánh bồ câu mơ ước và bài “Tìm hiểu về tranh đấu ca” đầy sôi nổi của Trương Văn Hoàng. Chính từ trong lòng cái thị xã nhỏ bé ấy, những người trẻ đầy nhiệt tình yêu nước như Nguyễn Tân, Võ Thị Thu Thủy, Nguyễn Tấn Sĩ, Nguyễn Đăng Chín, Trần Xuân An, Trần Ngọc Sơn, Phạm Văn Công, Nguyễn Ngọc Khôi, Võ Công Thảo, Trần Đình Hộ… đã hoạt động trong Tổng đoàn Học sinh Quảng Tín, hoặc tham gia thực hiện tờ báo “Đất Vàng” đầy tình yêu nước, mà một người thầy giáo trẻ đã viết những dòng quảng cáo trên áp phích dán đầy trước cổng các trường trung học bằng những câu hỏi xoáy sâu vào lòng người về hiện tình đất nước. Trong số những người trẻ yêu nước ấy, có người đã bị bắt, có người phải thoát ly.

Còn nhớ, trong việc đón đồng chí Lê Phương Thảo vào nội thành, tôi cũng có tham dự một phần nhỏ. Trước đó, tôi đã đi may một bộ veston màu xanh đen rất sang trọng. Bộ complet này được gửi về một địa bàn “lõm” ở Cầu Hai. Đồng chí Lê Phương Thảo từ trên rừng về, đã ở lại địa bàn “lõm” này, và sáng hôm sau, trong bộ veston sang trọng, đã được anh Võ Văn Đông, trong trang phục Trung úy quân đội Sài Gòn, đem xe Honda xuống Cầu Hai đón lên Huế. Và nơi lưu trú đầu tiên tại Huế của đồng chí Lê Phương Thảo là nhà tôi, hay nói đúng hơn là nhà của bà mẹ vợ tôi, trong một khu Công giáo.

Cũng chính trong ngôi nhà này, quyết định thành lập nhóm Văn Sử đã được thông qua, sau một cuộc họp với sự hiện diện của các anh Lê Phương Thảo, Võ Văn Đông, Nguyễn Xuân Hoa, Trần Đại Vinh và Nguyễn Văn Bổn. Phải nói rõ là, việc thành lập nhóm và xuất bản tập san Văn Sử là một sáng kiến đầy tính chiến đấu và nhạy bén, kịp thời của đồng chí Lê Phương Thảo.

Phương châm của Thành ủy Huế đề ra cho phong trào nội thành lúc này là “Tranh thủ từng mặt tốt của từng người, tranh thủ từng người tốt của từng gia đình, tranh thủ từng gia đình tốt trong từng đường phố ...”. Trong chủ trương đó, nhóm Văn Sử ra đời, quy tụ một số nhà giáo đang giảng dạy văn và sử ở các trường đại học và trung học, sinh viên ở trường Đại học Văn khoa và Đại học Sư phạm Huế. Nhóm ra đời với mục đích thu hút quần chúng yêu nước, để thông qua các hoạt động triển lãm, diễn thuyết, xuất bản tập san Văn Sử mà phát hiện những người yêu nước tiến bộ, tiến tới xây dựng những cơ sở cách mạng làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị. Chính vì thế, phần lớn anh em trong nhóm Văn Sử đều đã nằm trong Ban Cán sự Giáo chức thành phố Huế, như Nguyễn Xuân Hoa, Trần Đại Vinh, Lê Khắc Cầm, Võ Văn Đông, Văn Hữu Tứ, Nguyễn Văn Bổn... Đồng chí Lê Phương Thảo còn trực tiếp gặp gỡ, trao đổi và mời nhà giáo Trần Viết Ngạc, một cơ sở cách mạng, đang dạy sử tại trường Đại học Sư phạm Huế, đứng ra làm trưởng nhóm. Để tránh tai mắt của chính quyền và mật vụ, nhóm Văn Sử đã mời được một số nhà giáo tiến bộ như TS. Thái Thị Ngọc Dư (Đại học Văn khoa Huế), Nguyễn Xuân Thanh, Trần Viết Tuấn, Lê Bá Lăng, Nguyễn Văn Dũng (giảng dạy ở các trường trung học tại Thừa Thiên Huế).

Để tạo thế công khai, hợp pháp, anh Trần Viết Ngạc, với nhiệm vụ được giao và vốn là một Phật tử có uy tín, đã tiếp xúc với Thượng tọa Thích Đức Tâm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Liễu Quán của Phật giáo và được Thượng tọa đồng ý cho nhóm Văn Sử sử dụng trụ sở trung tâm này để hoạt động, như một thành viên nghiên cứu của trung tâm.

(Còn nữa)

TẦN HOÀI DẠ VŨ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tập san Văn Sử và những ngày làm báo bí mật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO