Thông tin từ Sở Y tế, tính đến ngày 6.11, toàn tỉnh đã có 2.274 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2015, không có trường hợp tử vong. SXH đã xảy ra thành dịch tại các địa phương Hội An (710 trường hợp), Núi Thành (hơn 400 trường hợp), Duy Xuyên (388 trường hợp), Thăng Bình (225 trường hợp), Điện Bàn (178 trường hợp)… với tổng cộng 153 ổ dịch đã được xử lý. Bác sĩ Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thông tin, trong 3 tuần liên tiếp gần đây, số mắc SXH tăng cao đột biến. Hiện nay, Quảng Nam đang vào mùa mưa, là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn và bọ gậy, lăng quăng phát triển, làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh do vi rút Zika và bùng phát dịch SXH.
Trước tình hình nêu trên, Sở Y tế có công văn về tăng cường phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và SXH với phương châm “huy động nguồn lực - dự phòng tích cực - chủ động phát hiện - đáp ứng nhanh - hiệu quả”. Bác sĩ Huỳnh Công Quang cho biết, tuần này, lãnh đạo khối y tế dự phòng tập trung chỉ đạo quyết liệt việc xử lý và dập dịch SXH ở các địa phương trong tỉnh. Theo Phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế), trong xử lý dịch SXH, quan trọng nhất là diệt bọ gậy, lăng quăng tại hộ gia đình; phun hóa chất là cấp thời, ít hiệu quả nên cần phải huy động các ban, ngành, đoàn thể, vận động người dân tham gia vào chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng, phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và SXH” trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao lần thứ 2 trong tháng 11 và 12.2016. Đồng thời Sở Y tế cũng đề nghị Sở GD-ĐT chỉ đạo phát động phong trào học sinh tham gia vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, lăng quăng tại cộng đồng và gia đình. Các trường học trên địa bàn tỉnh cũng tích cực phòng chống SXH bằng cách tổ chức dọn vệ sinh môi trường và cho học sinh ngủ màn.
Thông tin mới nhất chúng tôi nhận được, bắt đầu từ sáng qua ngày 10.11, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã phân công 10 cán bộ giám sát và đứng điểm tại 5 địa phương: Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành. Theo đó, sẽ thực hiện giám sát và hỗ trợ trong quá trình xác minh dịch; thu thập số liệu dịch tễ để phân tích, tổng hợp, đưa ra các biện pháp xử lý dịch; giám sát và hướng dẫn kỹ thuật pha, phun hóa chất tại ổ dịch; giám sát hoạt động diệt bọ gậy tại ổ dịch; phân tích đánh giá các địa phương có số mắc cao, vùng nguy cơ cao để đề nghị địa phương quan tâm xử lý dịch…
Sở Y tế cũng công khai số điện thoại (05103.852.786) và email (baocaodichqnam@gmail.com) của Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để các địa phương, đơn vị liên hệ, phối hợp giải quyết khi có vướng mắc về công tác triển khai phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và SXH.
CHÂU NỮ