UBND tỉnh vừa có Công văn số 7317/UBND-KTN yêu cầu các ngành, địa phương tập trung khắc phục hậu quả đợt ngập do mưa lớn gây ra, sớm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân. Trong đó, các địa phương miền núi phải nắm chắc các khu vực sạt lở, khu vực có nguy cơ sạt lở để có biện pháp chỉ đạo, đảm bảo an toàn người và tài sản; trong đó đặc biệt chú ý di dời khẩn cấp các hộ dân có nguy cơ bị sạt lở, lũ ống, lũ quét uy hiếp. Chính quyền các địa phương kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, nhất là gia đình có thiệt hại về người; kiểm tra, đánh giá an toàn công trình thủy lợi do địa phương quản lý sau đợt mưa lớn vừa qua và có biện pháp khắc phục, gia cố đảm bảo phục vụ sản xuất. Từng địa phương phải theo dõi, chỉ đạo triển khai các biện pháp phục hồi, khắc phục hậu quả kịp thời, chuẩn bị các phương án khôi phục sản xuất phù hợp với diễn biến thời tiết, thiên tai thời gian đến; bố trí lực lượng hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa; chỉ đạo tổ chức sửa chữa đường giao thông, dọn dẹp đảm bảo vệ sinh môi trường, không để nguy cơ xảy ra dịch bệnh.
UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT tổng hợp tình hình thiệt hại, đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí khắc phục; chỉ đạo kiểm tra, triển khai phương án bảo vệ công trình thủy lợi, nhất là các hồ thủy lợi xung yếu; phối hợp vận hành an toàn các hồ chứa thủy lợi; chỉ đạo chuẩn bị các phương án khôi phục sản xuất… Sở Giao thông vận tải và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, khắc phục các hư hỏng, sạt lở trên các tuyến đường quốc lộ 14D, 14H và các tuyến đường giao thông địa phương phục vụ nhân dân đi lại, sản xuất. Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tiến hành kiểm tra, đánh giá an toàn công trình sau đợt mưa lớn vừa qua để đảm bảo phục vụ sản xuất; kịp thời báo cáo những sự cố (nếu có) để chỉ đạo khắc phục; tổ chức vận hành đảm bảo an toàn hạ du và an toàn công trình, thông tin kịp thời tình hình xả nước cho chính quyền và nhân dân địa phương vùng hạ du…
B.T