Dịp tết là thời điểm “ăn nên làm ra” của các cơ sở sản xuất thực phẩm và làng nghề truyền thống. Hiện các chủ cơ sở này đang hối hả dự trữ nguyên liệu, sản xuất hàng tết... dù dự báo năm nay sức mua không tăng nhiều.
TIN LIÊN QUAN:
|
Nhân công xưởng bánh Thái Bình đang sản xuất hàng tết. |
Tranh thủ
Ông Nguyễn Văn Thưởng, chủ cơ sở sản xuất bánh Thái Bình (khối phố 7, phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) cho biết, năm nay giá nguyên vật liệu không cao so với năm ngoái. Tuy nhiên, giá dịch vụ, nhân công đắt hơn nhiều so với các năm. Nhưng giá bánh bán ra trên thị trường vẫn không tăng hơn so với những ngày bình thường là điều khó cho cơ sở. Cơ sở Thái Bình đang tích cực chuẩn bị nguyên liệu để làm bánh tết, đảm bảo số lượng phân phối cho các chợ và về các địa phương kế cận. Trung bình một ngày cơ sở làm khoảng từ 100 - 150kg nguyên liệu. Dịp tết, số lượng bánh sẽ tăng hơn. Năm nay cơ sở này tập trung làm bánh nếp nhiều hơn so với bánh đậu xanh, kẹo đậu và bánh dừa nướng. Tuy nhiên, theo ông Thưởng, số lượng bánh làm ra không tăng hơn so năm ngoái nên nhân công làm trong dịp này cũng chỉ khoảng 30 người. Tuy là cơ sở nhỏ nhưng dịp tết nào công nhân ở đây cũng được tặng quà và thưởng tết như những doanh nghiệp khác. Trung bình mỗi công nhân được thưởng từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, cùng quà bánh mứt mang về ăn tết với gia đình. Chị Nguyễn Thị Hoa (quê xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ), thợ làm lâu năm ở Thái Bình chia sẻ, lương công nhân ở đây được trả từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng. Mỗi dịp lễ, tết đều được nhận quà của cơ sở.
Tại hộ làm bánh chưng nổi tiếng Tam Kỳ là ông Phan Đình Khé (tổ 5, khối phố Hương Sơn, phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ) từ đầu tháng đến nay đã rục rịch nấu bánh theo yêu cầu của khách. Gia đình ông tích trữ hơn 1 tấn nếp bầu thơm, 1 tạ đậu xanh để làm nhưn bánh... Ông Khé cho biết đang xây mới 7 bếp củi để chuẩn bị nấu bánh chưng, bánh tét trong dịp tết này. Giá bánh tùy theo khách hàng đặt, từ 20 - 50 nghìn đồng một cặp bánh chưng. Ông Khé cho hay, phải tích trữ nguyên liệu trước, vì đến gần tết khó tìm được loại nếp ngon và giá thành thì cao. Năm nay, ông thuê thêm 5 nhân công cùng 3 thợ nấu bánh chính mới đảm bảo sản xuất lượng bánh khách hàng đã đặt. Công việc làm bánh tết thường bận rộn vào ngày 25 âm lịch và kết thúc vào cuối giờ ngày 29 tết.
Tại chợ Trung tâm Thương mại, chợ Vườn Lài (TP.Tam Kỳ), nhiều tiểu thương cũng đang chuẩn bị tích trữ hàng tết như bánh, nước ngọt, hạt dưa... Chủ tạp hóa Xuân Nga (chợ Vườn Lài) cho biết, giá hạt dưa loại 1 đến thời điểm này là 73 nghìn đồng/kg. Loại 2, 3 có giá thấp hơn 5 nghìn đồng. Theo chị, sức mua năm nay sẽ giảm hơn năm trước. Các loại hàng như bánh ngọt, trái cây, rau củ quả... đều được các tiểu thương cho biết là lấy hàng hóa có nhãn mác hàng Việt. Đây cũng là xu hướng lựa chọn thực phẩm của nhiều khách hàng trong dịp tết năm nay.
Hối hả vào mùa
Thời tiết năm nay diễn biến thất thường nên người dân ở nhiều làng nghề tranh thủ những ngày hửng nắng và tận dụng mọi phương pháp hong khô sản phẩm. Người làng Quán Hương (Thăng Bình) năm nay vất vả hơn vì thời tiết thay đổi đột ngột trong những ngày gần đây. Người dân phải tận dụng các công cụ như quạt máy, xông hơ như phương pháp làm bánh tráng… “Cách đây khoảng 2 tuần trời còn nắng chang, vậy mà đùng một cái áp tết lại mưa dầm dề. Cũng may trước đó gia đình mình tranh thủ làm được kha khá để bỏ mối cho bạn hàng” - chị Nguyễn Thị Nghĩa, người dân làng Quán Hương cho biết.
Hiện làng nghề Quán Hương có khoảng 112 hộ sản xuất hương tại nhà nhưng mỗi dịp tết đến thiếu hương thành phẩm bán ra thị trường. Theo ông Võ Tấn Hiếu - chủ cơ sở hương Tấn Hiếu, nghề hương của làng chỉ rộ khoảng 4 tháng trước và sau tết. Đây là khoảng thời gian có nhiều lễ hội đình chùa, miếu mạo nên hương tiêu thụ mạnh nhất, thời gian còn lại trong năm lượng tiêu thụ không nhiều nên chủ yếu làm hàng trữ tết. Không khí trong làng vẫn rất tất bật dù thời tiết có ảnh hưởng ít nhiều đến sản phẩm làm ra. Người lớn thì nhồi bột, nhúng hương, trẻ em người già thì xe và gói hương, thoảng trong không gian mùi hương trầm dịu nhẹ.
Với những làng nghề thủ công mỹ nghệ, đây cũng chính là thời điểm “ăn nên làm ra” khi liên tục diễn ra những hội chợ xuân tại các địa phương và đơn đặt hàng tăng cao. Ông Nguyễn Quá - chủ cơ sở gốm sứ La Tháp (Duy Hòa, Duy Xuyên) cho biết, năm nay nhu cầu sử dụng gốm mỹ nghệ của người dân tăng cao. Thời điểm này, cơ sở ông tăng cường sản xuất vẫn không đủ đáp ứng cho khách hàng. Thêm vào đó, thời tiết không thuận lợi cũng là điều khiến lượng sản phẩm gốm làm ra không đảm bảo về mặt thời gian để giao cho khách. Không chỉ có gốm, với những sản phẩm gia dụng làm từ gỗ vẫn đang trong tình trạng hối hả sản xuất cho kịp nhu cầu thị trường. Tại làng mộc Văn Hà (Tam Thành, Phú Ninh), ngay từ cổng làng đã nghe tiếng đục, đẽo vang vọng. Cả làng đang hối hả sản xuất để kịp giao hàng cho khách và để Hợp tác xã Nghề mộc Tam Thành mang sản phẩm tham dự hội chợ xuân sắp diễn ra tại TP.Tam Kỳ. Hiện nay Tam Thành có khoảng 45 hộ làm nghề, mỗi năm sản xuất gần 300 sản phẩm các loại.
Tuy thời tiết không thuận lợi cho những người làm nghề thủ công truyền thống nhưng đối với các nông dân làng rau thì đây là “cơ hội vàng”. Làng rau Bình Triều (Thăng Bình) những ngày này tất bật hơn khi đâu đâu cũng thấy bóng nông dân cặm cụi gieo tỉa rau màu. Chị Trương Thị Họ (thôn 1, xã Bình Triều, Thăng Bình) cho biết, năm nay rau nhà chị được mùa hơn các năm, hiện đã thu hoạch vài mùa rau và đang chuẩn bị gieo vụ mới. Các làng rau như Hưng Mỹ, Phước Ấm đều được các tổ chức trang bị máy móc tưới tiêu và truyền đạt kinh nghiệm trồng rau sạch, cho năng suất cao nên năm nay hầu như hộ trồng rau nào ở đây cũng đều được mùa. Những vựa rau tại làng Bình Triều năm nay được thương lái vào tận nhà vườn để thu mua và tiêu thụ chủ yếu ở Tam Kỳ, Núi Thành…
HOÀNG TÂN - LÊ QUÂN