Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị tổng kết năm nông nghiệp 2019 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2019 – 2020, diễn ra hôm qua 12.11. Đến dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Lê Trí Thanh nhìn nhận, 2019 là một năm hết sức khó khăn đối với ngành nông nghiệp Quảng Nam. Trên lĩnh vực trồng trọt, do nắng hạn xuất hiện kéo dài nhiều đợt trên diện rộng, mặn xâm nhập sâu vào các sông với nồng độ cao khiến hàng loạt diện tích lúa, hoa màu sinh trưởng kém, dẫn đến năng suất thấp. Trong khi đó, ngành chăn nuôi bị thiệt hại nặng vì dịch tả lợn châu Phi gây hại dai dẳng.
Nhiều bất trắc
Ông Lê Ngọc Trung - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trong 2 vụ đông xuân và hè thu của năm 2019, toàn tỉnh sản xuất tổng cộng 146.700ha cây trồng các loại; trong đó diện tích canh tác lúa 84.860ha, bắp 12.000ha, còn lại là những loại rau màu và cây trồng khác.
Theo ông Trung, đối với cây lúa và hoa màu, năm nay gặp quá nhiều yếu tố bất lợi. Đầu vụ đông xuân, do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh, thời tiết có mưa vừa, mưa to đến rất to; đặc biệt là đợt mưa lớn trên diện rộng từ ngày 8 - 11.12.2018 gây ngập lụt tại một số địa phương như Tam Kỳ, Phú Ninh, Thăng Bình... khiến nhiều diện tích rau màu vụ đông gieo trồng sớm bị ngập úng hư hại hoặc sinh trưởng kém.
Đến cuối tháng 3.2019, mưa rải rác làm cho một số diện tích lúa đông xuân đang trổ đòng rộ bị lem lép - thối hạt. Vào giữa vụ hè thu 2019, nắng hạn khốc liệt, mặn hoành hành từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 8 dương lịch khiến nhiều hồ chứa, đập dâng cạn kiệt nước và hàng loạt trạm bơm điện phía hạ lưu sông Vu Gia – Thu Bồn vận hành cầm chừng hoặc ngưng hoạt động nhiều ngày dẫn đến không ít cánh đồng lúa bị khô hạn nghiêm trọng.
Do ảnh hưởng bởi thời tiết nên năm 2019 năng suất lúa bình quân toàn tỉnh chỉ đạt 53,2 tạ/ha, giảm 0,5 tạ/ha so với năm 2018 và thấp hơn kế hoạch 1,3 tạ/ha. Do năng suất thấp nên năm nay tổng sản lượng lúa của tỉnh chỉ đạt 451.300 tấn, giảm 11.200 tấn so với năm ngoái.
Không chỉ lĩnh vực trồng trọt, năm 2019 ngành chăn nuôi cũng gặp nhiều bất trắc do dịch bệnh gây ra. Tính đến thời điểm này tại 16/18 huyện, thị xã, thành phố (trừ Đông Giang và Tây Giang) đã có 145.621 con heo (chiếm 30,15% tổng đàn heo của tỉnh) phải tiêu hủy bắt buộc vì nhiễm dịch tả lợn châu Phi với tổng trọng lượng hơn 8.606 tấn heo hơi. Đáng nói là thời gian qua trên địa bàn tỉnh có 41 xã tái bùng phát dịch lần 1 và 2 xã tái bùng phát dịch lần 2.
“Đến nay, ngân sách tỉnh phải chi cho công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi hơn 253,8 tỷ đồng, đó là chưa tính ngân sách cấp huyện, cấp xã và người chăn nuôi bỏ ra. Ngoài dịch tả lợn châu Phi gây hại kéo dài trên diện rộng, năm 2019 này tại nhiều nơi của tỉnh cũng có 1.573 con gia súc bị mắc bệnh lở mồm long móng và 4.050 con gia cầm bị nhiễm vi rút cúm A/H5N6...” - ông Trung nói.
Tập trung sản xuất vụ đông xuân
Theo ông Lê Ngọc Trung, ngoài việc tổ chức gieo trồng hàng chục nghìn héc ta rau đậu và nhiều loại cây trồng cạn chủ lực, vụ đông xuân tới nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ gieo sạ khoảng 42.000ha lúa. Thời gian xuống giống bắt đầu từ ngày 30.12.2019 và kết thúc vào ngày 10.1.2020.
Dự báo về thời tiết, đông xuân 2019 - 2020 tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, có khả năng cao xảy ra hạn hán, mặn xâm nhập. Vì vậy, các ngành, các cấp cần chủ động xây dựng phương án ứng phó một cách hiệu quả. Đặc biệt, tập trung vận động, chỉ đạo nhân dân chấp hành tốt về cơ cấu giống, lịch thời vụ và các biện pháp về chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Để sử dụng nước tiết kiệm, giảm thiểu thiệt hại do khô hạn và nhiễm mặn gây ra, tỉnh chủ trương không sử dụng giống lúa dài ngày (thời gian sinh trưởng hơn 115 ngày) trong vụ đông xuân mà chỉ dùng các giống lúa trung - ngắn ngày, gieo sạ tập trung theo từng trà để áp dụng biện pháp tưới nước luân phiên.
Còn theo ông Võ Văn Nghi – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, ngay từ bây giờ nông dân trên địa bàn tỉnh cần tổ chức các đợt ra quân diệt chuột để bảo vệ các loại cây trồng trong vụ đông xuân 2019 - 2020. Đồng thời tập trung phát dọn lúa nách, cỏ dại và đắp bờ ruộng giữ nước mưa rồi tiến hành cày dầm đất nhằm cắt đứt cầu nối sâu bệnh chuyển vụ...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị các ngành, các cấp tập trung tối đa cho việc tổ chức sản xuất vụ đông xuân 2019 - 2020, trong đó cần chú ý đến khâu giống và đặc biệt là phải hết sức quan tâm công tác phòng chống hạn, xâm nhập mặn ngay từ đầu vụ. Cùng với đó, tiếp tục vận động, hỗ trợ nông dân chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng trên đất lúa để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, việc thực hiện khâu này cần sự phối hợp giữa ngành liên quan và chính quyền các địa phương để đảm bảo phù hợp với điều kiện sản xuất ở từng vùng và đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cũng yêu cầu thời gian tới cần đẩy mạnh việc tích tụ, tập trung đất đai nhằm tạo điều kiện cho việc hình thành những mô hình liên kết sản xuất hàng hóa với quy mô lớn. Trong công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi, nhất thiết phải bám sát địa bàn để kịp thời xử lý heo mắc bệnh và những vấn đề phát sinh. Đồng thời duy trì thường xuyên khâu vệ sinh môi trường, phun hóa chất tiêu độc khử trùng trên diện rộng nhằm ngăn chặn mầm bệnh lây lan.
“Về lâu dài, chúng ta phải tích cực hỗ trợ người dân tổ chức phát triển lĩnh vực chăn nuôi heo theo hướng tập trung và an toàn sinh học, giảm mạnh việc chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.