Tập trung triển khai sản xuất vụ hè thu

NGUYỄN SỰ 20/05/2021 06:13

Vụ đông xuân 2020 – 2021 nông dân Quảng Nam được mùa toàn diện. Những ngày qua, nông dân nhiều địa phương hối hả chuẩn bị triển khai gieo trồng vụ hè thu 2021.

Đông xuân thắng lợi

Ông Trương Xuân Tý – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, đông xuân năm nay toàn tỉnh gieo cấy 41.543ha lúa, giảm 399ha so với cùng vụ sản xuất năm trước. Trong đó, lúa nước trời hơn 4.200ha và lúa chủ động nước 37.343ha.

Vụ lúa đông xuân này, nhiều địa phương của tỉnh được mùa diện rộng. Ảnh: VĂN SỰ
Vụ lúa đông xuân này, nhiều địa phương của tỉnh được mùa diện rộng. Ảnh: VĂN SỰ

Nhờ thời tiết thuận lợi, nông dân tuân thủ nghiêm lịch thời vụ, cơ cấu giống (nhóm giống trung - ngắn ngày chiếm 86,83% tổng diện tích) và tập trung chăm sóc, phòng trừ hiệu quả dịch hại tổng hợp nên vụ này năng suất lúa bình quân toàn tỉnh ước đạt 59,2 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha so với đông xuân năm ngoái.

Vụ đông xuân này có 31 công ty liên kết với nông dân trên địa bàn tỉnh sản xuất giống lúa hàng hóa với diện tích 3.611ha, trong đó lúa lai F1 là 226ha và lúa thuần 3.385ha. Việc liên kết sản xuất giống lúa ở các địa phương đang đi vào nền nếp, mô hình này giúp nhà nông ổn định đầu ra sản phẩm và nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.

Ông Trương Xuân Tý cho biết, đông xuân này nhiều địa phương tiếp tục chuyển 467ha đất lúa sang canh tác các loại cây trồng cạn ngắn ngày. Trong đó, có 317ha chuyển đổi trên lúa nước trời và 150ha chuyển đổi trên đất lúa chủ động nước nhưng sản xuất không hiệu quả. Loại cây trồng chuyển đổi là đậu phụng 76ha, bắp 104ha, rau đậu các loại 84ha, cây ăn quả 13ha... Hầu hết mô hình chuyển đổi đều mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với gieo sạ lúa.

Tập trung sản xuất hè thu

Theo kế hoạch, hè thu 2021, ngoài việc canh tác 42.000ha lúa, toàn tỉnh sẽ gieo trồng 8.000ha bắp, 2.500ha đậu phụng, 2.500ha mè, 11.500ha rau đậu các loại. Bà Nguyễn Thị Sương – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật cho biết, để sản xuất lúa thắng lợi, ngành nông nghiệp đã xác lập lịch thời vụ, cơ cấu giống và gửi về các địa phương để in tờ rơi cấp phát cho nông dân.

Nông dân nhiều nơi khẩn trương làm đất để triển khai đổ ải gieo sạ vụ hè thu 2021. Ảnh: VĂN SỰ
Nông dân nhiều nơi khẩn trương làm đất để triển khai đổ ải gieo sạ vụ hè thu 2021. Ảnh: VĂN SỰ

Theo đó, tùy thời gian sinh trưởng của từng loại giống, bố trí gieo sạ lúa hè thu từ ngày 20.5 - 5.6 để lúa trổ từ ngày 25.7 - 10.8 và thu hoạch xong trước ngày 5.9, chậm nhất là ngày 10.9.

Ông Trương Xuân Tý lưu ý, do việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp kênh chính bắc Phú Ninh đoạn từ sau lý trình K39+510 và kênh N22- 1 bắc Phú Ninh nên thực hiện cấp nước trễ cho những khu tưới thuộc các địa phương Bình Nguyên, Bình Giang (Thăng Bình), Quế Xuân 1, Quế Xuân 2, Quế Phú, Hương An (Quế Sơn), Duy Trung, Nam Phước, Duy Phước, Duy Thành, Duy Vinh (Duy Xuyên).

Theo đó, thời gian bắt đầu mở nước từ ngày 1.6, nông dân tiến hành gieo sạ ngay sau khi có nước và kết thúc việc xuống giống trước ngày 15.6; tập trung sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng dưới 95 ngày để có thể thu hoạch xong trước ngày 10.9.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp cho hay, trong tổng số 42.000ha lúa sản xuất trong vụ hè thu, có 60% diện tích cơ cấu nhóm giống chủ lực gồm HT1, PC6, HN6, TH3- 3, TH3-5, BC15, TBR225, ĐT100; 30% bố trí nhóm giống bổ sung gồm ĐV108, KD18, Khang dân đột biến, Thiên Ưu 8, Đài thơm 8, Hà Phát 3, Bắc Thịnh; 10% cơ cấu nhóm giống triển vọng gồm QS 88, Q.Nam 9, QS 447, Khang dân 28, Hương Châu 6, Sơn Lâm 1, nếp ĐT52, VNR88...

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh vừa yêu cầu Sở NN&PTNT và UBND các huyện, thị xã, thành phố quán triệt, phổ biến rộng rãi đến nông dân về chủ trương sử dụng các loại giống lúa trung - ngắn ngày trong vụ hè thu để giảm thiểu tối đa những tác động bất lợi của thời tiết.

Tập trung chỉ đạo gieo sạ đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp. Đối với các huyện miền núi, phải chỉ đạo kiểm tra, đánh giá khả năng nguồn nước để bố trí diện tích sản xuất lúa phù hợp, hạn chế tình trạng để đồng ruộng khô cháy do thiếu nước.

Ông Lê Trí Thanh lưu ý, ngành chuyên môn và chính quyền các cấp cần tính toán cân đối nguồn nước tại các hồ chứa do tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý, khai thác để bố trí diện tích sản xuất phù hợp. Đối với các hồ chứa có nguy cơ cao thiếu nước, thực hiện chuyển đổi cây trồng chịu hạn trên đất lúa hoặc không sản xuất. Đặc biệt, rà soát, bổ sung và thực hiện phương án phòng chống hạn - nhiễm mặn năm 2021 do UBND cấp huyện phê duyệt.

Theo đó, chủ động thực hiện các biện pháp công trình, phi công trình; phân công trách nhiệm, các điều kiện để tổ chức thực hiện phòng chống hạn – xâm nhập mặn vụ hè thu có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Cùng với đó, các địa phương tổ chức ra quân, huy động nhân dân nạo vét kênh mương, sửa chữa các công trình thủy lợi nhỏ... để phục vụ công tác dẫn nước vào ruộng đảm bảo tiết kiệm, hạn chế thất thoát và lãng phí nước tưới.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tập trung triển khai sản xuất vụ hè thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO