Trong những ngày cận tết, khắp ngả đường thôn An Lạc (xã Duy Thành, Duy Xuyên) rực rỡ sắc hoa. Nghề trồng hoa không chỉ mang lại thu nhập cho người dân mà còn góp thêm chút hương xuân ngày tết ở địa phương.Vườn hoa hơn 7.000 cây nhà ông Ngô Thế Phát. Ảnh: L.BĐược xem là một trong những đầu mối cung cấp hoa vạn thọ và hoa cúc cho Duy Xuyên và các địa bàn lân cận như Tam Kỳ và TP. Đà Nẵng, những ngày cuối năm, việc chăm sóc cho hoa nở đúng dịp tết của các hộ dân ở thôn An Lạc càng khẩn trương hơn bao giờ hết. Đây cũng là hai giống hoa chính được người dân lựa chọn vì dễ chăm sóc, hoa chóng nở mà lâu tàn, giá cả bình dân nên được nhiều người ưa chuộng. Hoa cúc được người dân trồng bán để cúng kỵ những ngày trước và trong tết, còn hoa vạn thọ được bán để chưng trong dịp tết. Hiện nay đã có hơn 50 hộ trồng hoa, đặc biệt có những hộ trồng số lượng lớn đến 7.000 cây, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.Để bắt đầu một vụ hoa, từ trước đó vài tháng người dân phải tìm chỗ có giống hoa đạt năng suất cao để tìm mua, căn cứ vào thời tiết trong năm để chọn ngày ươm giống, chăm sóc, đảm bảo cho hoa nở đúng dịp tết. Bà Huỳnh Thị Lựa (thôn An Lạc) cho biết: “Nhìn thì dễ, nhưng việc trồng và chăm sóc hoa vạn thọ đòi hỏi nhiều yêu cầu khắt khe. Không chỉ tìm được nguồn giống ổn định, chất lượng, cần phải có kinh nghiệm đoán thời tiết để ươm giống sớm hoặc trễ, chăm tưới nước, bón phân, nhổ cỏ mỗi ngày. Ngoài ra, trồng vạn thọ phải thường xuyên tỉa nhánh, bấm ngọn để cây đẻ ra nhiều nhánh, có vậy mới nở ra nhiều hoa hơn”.Năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi nên việc trồng hoa của người dân nơi đây cũng rất suôn sẻ. Tuy vui mừng vì hoa phát triển tốt nhưng người dân vẫn lo về giá cả bấp bênh. Nhiều năm trước, trong những ngày cận tết, hoa cúc, hoa vạn thọ lùn rất được ưa chuộng, hầu hết hoa đều được bán hết, nhiều xe tải vào mua hoa vạn thọ với giá 10 nghìn đồng/cây rồi bán lại với giá 15 nghìn đồng/cây, hoa cúc có giá 1 - 2 nghìn đồng/cây. Nhưng hai năm trở lại đây, với nhiều loại hoa mới lạ hơn du nhập vào thị trường như hoa ly ly, hoa lan... cùng hoa cúc từ các nơi như Đà Lạt nhập về nên có sự cạnh tranh về giá cả. Ông Ngô Thế Phát (trú tại đội 11, thôn An Lạc) chia sẻ: “Trồng hoa bỏ ra bao công sức nhưng có đôi khi vì quá nhiều người trồng ít người mua, rồi vì người ta thích các loại hoa khác nên hoa bán không ai mua, phải đem cho, chấp nhận lỗ vì giá rẻ quá. Có năm nhà tôi chỉ lấy lại đủ vốn bỏ ra chẳng lời lãi được gì. Nhưng đây là nghề truyền thống, cũng là một thú vui ngày xuân nên nhiều gia đình vẫn đều đặn trồng hoa bán tết mỗi năm”.Xuân mới sắp về. Dù còn tất bật những lo toan, nhưng sắc hoa ở mỗi khoảnh sân, mỗi mảnh vườn của người dân An Lạc như thắp thêm niềm tin, ước mơ, đón một cái tết an vui như tên gọi của làng trong năm mới…LÊ BÌNH