Từ đầu năm học 2019 - 2020 đến nay toàn huyện Tây Giang có 84 học sinh bỏ học, trong đó bậc THPT 54 trường hợp, THCS 30 trường hợp. Dù nhà trường nhiều lần vận động học sinh vẫn không ra lớp.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tây Giang cho biết, trong số 30 trường hợp bỏ học ở bậc THCS có đến 19 học sinh của Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi. Điều đáng nói, ngôi trường này nằm trung tâm huyện - nơi có nhiều điều kiện thuận lợi về ăn ở, học tập. Tương tự, Trường THPT Tây Giang từ đầu năm học đến nay có 36 học sinh bỏ học, phần lớn nhà ở các xã Bha Lêê, Lăng, A Vương có điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, học tập. Thầy Đinh Văn Tư - Hiệu trưởng Trường THPT Tây Giang cho biết, gần tháng nay nhà trường thành lập 3 đoàn phối hợp cùng với Ban quản trị thôn đến tận nhà học sinh vận động nhưng không đạt kết quả. Ngay cả cha mẹ học sinh cũng không mặn mà với việc cho con em đi học vì cho rằng học nhiều, tốn tiền của mà ra trường thất nghiệp, không xin được việc làm.
Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi, năm học này số lượng học sinh gấp đôi năm trước (408 học sinh) do sáp nhập toàn bộ học sinh THCS từ Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS & Tiểu học xã Dang về. Trường có 19 học sinh bỏ học, nhiều nhất khối THCS ở Tây Giang. Phân tích nguyên nhân học sinh bỏ học, cô Hồ Thị Tâm - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP và quy định tại Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28.4.2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi (giai đoạn 2016 - 2020), một số học sinh bán trú ở hai xã Lăng và A Nông không còn nằm trong diện đặc biệt khó khăn nên không được hưởng các chế độ chính sách như trước đây. Trong khi đó, thực tế hoàn cảnh gia đình của những học sinh này rất khó khăn, hầu hết là người dân tộc Cơ Tu, chế độ chính sách không còn như trước khiến nhiều em bỏ học là khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp học sinh ở xã Dang vì nhập trường nên đường sá đi lại xa xôi dẫn đến bỏ học. Từ đầu năm học đến nay, giáo viên của trường đã nhiều lần xuống tận gia đình vận động nhưng vẫn không có kết quả. “Thời gian tới chúng tôi sẽ cùng với Đồn Biên phòng A Nông tiếp tục thực hiện công tác vận động. Bởi các em còn quá nhỏ, bỏ học sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi trong cuộc sống sau này” - cô Tâm nói.
Trước tình trạng học sinh bỏ học, UBND huyện đã có nhiều cuộc họp chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, đơn vị trường học tăng cường công tác vận động học sinh bỏ học ra lớp. Trong đó, nếu phát hiện con em cán bộ, đảng viên vi phạm sẽ xử phạt nặng để làm gương. Các cấp, các ngành, Mặt trận, đoàn thể cùng với ngành giáo dục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc quản lý, chăm sóc con cái, nhất là quan tâm đến việc học của con em mình. Các trường học cùng với Huyện đoàn tổ chức nhiều phong trào, hoạt động ngoại khóa tạo môi trường học tập tích cực, thân thiện để học sinh cảm nhận được rằng “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui - học để làm người tốt”...