Sau khi thành công với các mô hình thí điểm, Tây Giang đang có chủ trương mở rộng diện tích bắp lai tại 4 xã vùng cao Ch’ơm, Ga ri, A Xan, Tr’hy.
Mùa mới ở khu 7, vùng biên giới huyện Tây Giang phủ dài màu xanh mướt của bắp lai. Chưa hẳn là cây chủ lực nhưng việc đưa giống bắp lai vào trồng tập trung với quy mô lớn đã góp phần tăng thu nhập cho đồng bào. Sau một năm triển khai thực hiện thí điểm với kết quả khả quan, huyện Tây Giang tiếp tục có chủ trương mở rộng diện tích trồng tập trung theo hướng bán thâm canh tại 4 xã vùng cao: Ch’ơm, Ga ri, A xan, Tr’hy với tổng diện tích gieo trồng 90ha. Già làng Pơloong Jim (thôn Arầng 1) cho biết: “Thôn Arầng 1 có 43 hộ, trong đó có 10 hộ trồng bắp lai với diện tích 5,6ha. Người dân rất kỳ vọng giống cây này sẽ góp phần mang lại nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống”.
Đồi bắp lai sắp được thu hoạch ở xã A xan. Ảnh: H.YÊN |
Chị Brướch Thị Hoàng (thôn Arầng 1, xã A xan) bộc bạch: “Nhà nước hỗ trợ về giống và chuyển giao kỹ thuật trồng bắp nên bà con mới biết giống cây này phù hợp với khí hậu ở đây. Mỗi ký bắp hạt khô có giá 6.000 - 7.000 đồng. Nếu thu hoạch một mùa, gia đình tôi sẽ có tiền sắm sửa đồ dùng trong nhà và cho con cái học hành”. Theo ông Tơngôl Tờ - Phó Chủ tịch UBND xã A xan, trồng bắp lai đã góp phần chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, đảm bảo các yêu cầu nâng cao giá trị sản phẩm sản xuất trên 1ha đất của địa phương, tăng thu nhập cho đồng bào. Giữa tháng 8 này là mùa thu hoạch, nếu năng suất tốt, xã sẽ mở rộng diện tích để tăng thêm số hộ tham gia, giúp người dân dần thay đổi thói quen, chuyển sản xuất theo hướng hàng hóa. Hiện có khoảng 655 hộ của 4 xã hưởng lợi từ việc ứng dụng trồng bắp lai.
Trong điều kiện giao thông chưa thuận lợi, việc giao thương còn hạn chế, huyện Tây Giang đã hỗ trợ người dân trong khâu tiêu thụ nông sản nhằm tránh tình trạng bị tư thương ép giá. Theo đó, huyện hỗ trợ 100% chi phí vận chuyển bắp sau thu hoạch đi tiêu thụ từ 4 xã Ch’ơm, Ga ri, A xan, Tr’hy đến đại lý thu mua nông sản ở đồng bằng. Ngoài ra, huyện cũng hỗ trợ 3 máy tách hạt tại 3 xã A xan, Ch’ơm, Ga ri cùng với chi phí tổ chức thu gom, tiêu thụ cho bà con. Ông Trần Văn Ta - Trưởng trạm Khuyến nông - khuyến ngư huyện Tây Giang cho biết: “Chủ trương đưa bắp lai trở thành cây trồng chủ lực cho sự phát triển kinh tế vùng cao là hướng đi mà Tây Giang lựa chọn nhằm giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo bền vững. Phương án hỗ trợ tiêu thụ đầu ra cho nông sản sau thu hoạch sẽ kích thích bà con tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất trong những năm đến. Qua đó, giúp đồng bào có điều kiện áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần tăng nguồn thu nhập”.
HOÀNG YÊN