Tây Giang nâng tầm đặc sản bản địa

HOÀNG LIÊN 26/11/2019 11:06

Năm 2019, huyện Tây Giang hỗ trợ các chủ thể trong đầu tư xây dựng thương hiệu, nhãn mác, đăng ký chất lượng, hoàn thiện các thủ tục liên quan, phấn đấu đưa 5 sản phẩm dược liệu đặc hữu từ cây ba kích, đẳng sâm và đặc sản vùng cao Tây Giang đạt chuẩn Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP.

Cơ sở sơ chế đẳng sâm của HTX Dược liệu Đức Huy Tây Giang. Ảnh: CTV
Cơ sở sơ chế đẳng sâm của HTX Dược liệu Đức Huy Tây Giang. Ảnh: CTV

Phát triển đặc sản vùng cao

Tây Giang là một trong những huyện vùng cao có sự vào cuộc rất mạnh mẽ, tập trung nguồn lực để triển khai chương trình OCOP. Năm 2018, huyện có 2 sản phẩm tham gia thí điểm chương trình OCOP cấp tỉnh gồm rượu ba kích của Cơ sở sản xuất và kinh doanh rượu Chính Châu và rượu đảng sâm của Cơ sở sản xuất kinh doanh rượu Đức Huy. Năm 2019, Tây Giang phấn đấu đưa 5 sản phẩm của 3 chủ thể đạt chuẩn OCOP. Trong đó, Hợp tác xã (HTX) Dược liệu Đức Huy Tây Giang đăng ký 2 sản phẩm gồm rượu đẳng sâm và cao đẳng sâm; Cơ sở sản xuất kinh doanh rượu Chính Châu đầu tư cho sản phẩm rượu ba kích, đồng thời tham gia cùng với HTX Nông dược xanh Tây Giang xây dựng 2 sản phẩm trà đẳng sâm túi lọc và măng điền trúc sấy khô.

Ông Trần Công Ta - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Giang cho biết, rượu ba kích và rượu đẳng sâm là 2 sản phẩm năm trước đăng ký, năm nay chỉ hoàn thiện lại. Còn các sản phẩm trà đẳng sâm túi lọc, cao đẳng sâm, măng điền trúc sấy khô là các sản phẩm mới, có sự đầu tư công phu, góp phần đa dạng sản phẩm dược liệu và đặc sản núi rừng. Theo hồ sơ minh chứng của 5 sản phẩm tham gia OCOP lần này, các cơ sở đều sử dụng lao động tại địa phương, có liên kết với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ và chế biến. Mỗi sản phẩm có ít nhất 5 hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm. Huyện đã tổ chức chấm chọn đối với sản phẩm, cơ bản đều đạt chuẩn 3 sao, tiếp tục gửi dự thi ở tỉnh.

Huyện Tây Giang chủ trương tập trung phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương dựa trên nguyên liệu sẵn có, chú trọng phát triển các sản phẩm mới như rau sạch, măng rừng, rượu lúa rẫy, trà đảng sâm, cao đẳng sâm… Đến nay, ngoài sự hỗ trợ của tổ chức phi chính phủ từ năm 2013 - 2014, giai đoạn 2018 - 2019, huyện Tây Giang cũng đã hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho 2 cơ sở Chính Châu và Đức Huy 472 triệu đồng để đầu tư mua bao bì, nhãn mác, vỏ chai thủy tinh; hỗ trợ máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ sơ chế, chế biến, đóng gói và bảo quản sản phẩm; hỗ trợ xây dựng trang thông tin điện tử; hỗ trợ quản lý chất lượng, bảo hộ sở hữu thương hiệu... Huyện Tây Giang đã mời các chuyên gia giàu kinh nghiệm như PGS-TS. Trần Văn Ơn (chuyên gia OCOP và phát triển dược liệu) và một số chuyên gia giàu kinh nghiệm khác tư vấn triển khai OCOP. Huyện cũng nỗ lực xây dựng sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ - du lịch nông thôn là điểm dừng chân Đỉnh Quế...

Nâng chất lượng sản phẩm OCOP

Ông Hà Đức Sơn - đại diện HTX Dược liệu Đức Huy Tây Giang cho biết, sản phẩm của HTX đã hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, trình hội đồng cấp huyện. HTX đã và đang liên kết với 100 hộ dân thuộc HTX Nông nghiệp Ch’Ơm, HTX Nông nghiệp và dược liệu Tây Giang trồng cây đẳng sâm nguyên liệu trên khu vực có độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển tạo nguyên liệu ổn định. Cao đẳng sâm là sản phẩm được làm từ 100% củ đẳng sâm Tây Giang, là sản phẩm canh tác tự nhiên. Cao đóng trong lọ 80g, 100g, 150g, 200g trong hộp giấy. Ông Sơn chia sẻ, từ một sản phẩm tươi, thô, giá trị kinh tế thấp, mục đích sử dụng không nhiều, thị trường tiêu thụ ít, chỉ có thể bán củ tươi và ngâm rượu thì cao đẳng sâm của HTX có tác dụng bồi bổ nguyên khí, tăng cường sinh lực, phục hồi sức khỏe cho người ốm yếu, người già, tăng cường hồng cầu trong máu. 

Cơ sở sản xuất và kinh doanh rượu Chính Châu tham gia sản phẩm rượu ba kích (rượu ngâm, rượu chiết xuất từ ba kích). Cơ sở này đã ký hợp đồng với 6 đại lý trưng bày đặc sản tại Quảng Nam và Đà Nẵng. “Cơ sở tôi cố gắng nâng chất lượng rượu, đầu tư hệ thống nấu rượu, trong đó có máy lọc và khử andehit, máy chiết xuất, đóng nắp. Sản phẩm rượu Chính Châu hiện có 4 loại: rượu trong hủ nhựa 5 lít, chai thủy tinh có vòi 4 lít, chai thủy tinh không hộp 500ml, chai thủy tinh có hộp 500ml” - ông Bùi Nam Chính, chủ cơ sở chia sẻ. Ông Chính còn cho biết, ông cùng một số thành viên của HTX Nông nghiệp và dược liệu Tây Giang xây dựng sản phẩm trà đẳng sâm túi lọc, măng điền trúc sấy khô, hiện đã đạt chuẩn 3 sao, tiếp tục đăng ký tham dự chương trình OCOP cấp tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Lê Hoàng Linh cho hay, ngoài 2 sản phẩm chủ lực là rượu ba kích và rượu đẳng sâm, các sản phẩm cao đẳng sâm, trà túi lọc đẳng sâm, măng điền trúc sấy khô đã được cấp huyện xem xét, công nhận đạt chuẩn 3 sao, tiếp tục trình Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Năm 2019 - 2020, ngoài các sản phẩm hiện có, huyện tiếp tục thúc đẩy, tập trung xây dựng một số sản phẩm đặc hữu vùng miền, trong đó có sản phẩm cây ăn quả, như cam bản địa Ga Ry, đông trùng hạ thảo nuôi dưới tán rừng, nấm lim xanh. Một số HTX đã và đang hình thành tại Tây Giang thúc đẩy tạo chuỗi liên kết, song huyện rất cần sự vào cuộc, đồng hành của doanh nghiệp.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tây Giang nâng tầm đặc sản bản địa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO