Trải qua hàng trăm năm, nhiều địa phương Quảng Nam vẫn lưu giữ nét đẹp văn hóa làng, tính nhân văn trong việc thờ cúng, tế nghĩa trủng. Những nghĩa trủng đàn - biểu tượng khí tiết trung nghĩa còn tồn tại rải rác tới tận ngày nay.
Chung tay giữ di tích
Trên đất La Qua, xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn, Nghĩa trủng đàn (nay là Nghĩa trung viên, tức khu vực an táng những người trung nghĩa), khu di tích có lịch sử hơn 100 năm vẫn sừng sững với thời gian. Sử làng La Qua chép lại, Nghĩa trung viên ban đầu chỉ là một khu đất trống, tức là bãi tha ma nằm ở phía đông, tả môn Thành tỉnh Quảng Nam rộng 4 mẫu, giữa khu đất trống có trường diễn tập tượng binh, khuôn viên chùa Nghĩa trủng chiếm hơn 3 sào. Nghĩa đàn được xây dựng trên khuôn viên nền chùa nghĩa trủng.
Di tích cấp tỉnh Nghĩa trung viên tại làng La Qua, Điện Minh, Điện Bàn. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Năm 1858, quân triều đình nhà Nguyễn tử trận trong cuộc chiến chống Pháp được đưa về an táng tại đây. Khu mộ địa này còn là nơi chôn cất tù nhân bị giam giữ trong nhà lao tỉnh, kể cả quân Nghĩa hội Quảng Nam tử trận. Ngoài ra, nghĩa đàn còn được gọi là nơi thờ âm linh, nhằm ngụy tạo để thực dân Pháp không biết mục đích lập nghĩa đàn là thờ chiến sĩ vị nước vong thân. Nghĩa trủng đàn được giao cho dân làng La Qua tế tự, chăm sóc phần mộ trong và ngoài thành tỉnh. Lễ tu tảo phần mộ diễn ra vào 25 tháng Chạp, cách 3 năm phải lập trai đàn chẩn tế vào rằm tháng Bảy. Nghĩa trủng đàn đã trải qua một đợt cải hoán, từ khuôn viên chùa Nghĩa trủng về xứ Cổ Tháp, thôn Trung Phú, gần đình La Qua nay. Vào mùa thu năm Nhâm Tý 1972, các ông Nguyễn Nho Trác, Nguyễn Nho Hiên, Nguyễn Văn Nhiệm, Phạm Quốc tổ chức lạc quyên trùng tu Nghĩa trủng. Năm 2005, Nghĩa trủng đàn được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử văn hóa nghệ thuật cấp tỉnh. Năm 2012, UBND tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng, huyện Điện Bàn đối ứng 100 triệu đồng để trùng tu di tích tại thôn Trung Phú ngày nay.
Trên đất Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước, di tích Nghĩa trủng Tiên Phú Tây (Nghĩa trủng Nghĩa hội Quảng Nam) - nơi an nghỉ của nghĩa quân hy sinh trong phong trào Nghĩa hội (1858) - Di tích lịch sử văn hóa nghệ thuật cấp tỉnh cũng trường tồn hơn 100 năm. Theo lệ, cứ tới 16.2 âm lịch, dân làng thôn 1 và vùng lân cận xã Tiên Mỹ đứng ra tổ chức ngày giỗ chung của hài cốt nghĩa quân được quy tập tại đây. Lễ tế mùa xuân 16.2 âm lịch hằng năm ở xứ Tiên không chỉ là dịp gìn giữ, duy trì để không chỉ đáp đền ân nghĩa của tiền nhân mà còn góp phần cho thế hệ trẻ hiểu thêm về những giá trị văn hóa, lịch sử của đất Quảng.
Trên đất Đại Lộc, cồn Văn Thánh (xã Đại Minh) bên cạnh là nơi tôn thờ sự học còn là một nghĩa trủng lớn tưởng niệm nghĩa sĩ trận vong. Với địa thế vắng vẻ, miếu Văn Thánh xưa là nơi các sĩ phu họp bàn mưu sự để làm nên những chiến công vang dội như trận Gò Mùn, Hà Nha, trận Mù U, đò Ông Đốc, đồng Gia Cốc. Đây cũng là nơi Đỗ Đăng Tuyển lãnh đạo phong trào nghĩa quân tham gia chống Pháp, nơi nổ ra cuộc đấu tranh chống sưu cự thuế của dân 9 xã Sông Côn. Năm 1887, đây là nơi chôn cất thi hài của hàng trăm sĩ phu và chiến sĩ yêu nước trong phong trào Cần vương, là mồ chôn tập thể của những người tham gia chống sưu cự thuế.
Nét đẹp văn hóa làng
Trải bao biến thiên, nhiều làng quê nhỏ tại Đại Lộc vẫn lưu giữ lễ hội tế nghĩa trủng. Với dân làng Hà Tân (xã Đại Lãnh), việc cúng làng, tế nghĩa trủng thường diễn ra vào 25 tháng Chạp. Theo ông Võ Văn Việt (80 tuổi, người làng Hà Tân), cùng với ngày giỗ tiền hiền của 12 tộc họ có công khai phá làng, cùng với lễ giỗ ông bà Lê Công Sử - Nguyễn Thị Hành, vốn là hai vợ chồng giàu không con, có công cúng cho làng 70 mẫu đất sau khai thác, làng còn cúng tế âm linh, các chiến sĩ trận vong ở vùng đất phên giậu “9 xã sông Côn”. Khu vực hành lễ có tục danh là gò Lăng, cấm Thị xứ, nơi xưa kia có cả một rừng thị già, dân làng không ai dám chặt phá.
Trên đất Nghĩa Tây, xã Đại Nghĩa, lễ tế nghĩa trủng diễn ra vào 16.3 âm lịch hằng năm, được dân làng hưởng ứng mạnh mẽ. Theo ông Võ Văn Thu - Trưởng thôn Nghĩa Tây, cùng với lễ cúng tế nghĩa trủng là nghi thức giẫy mả trủng. Theo nhiều già làng, nghi thức tế lễ này đã có từ xưa, thể hiện sự tri ân những người đã vong thân vì nước, thân xác, mộ phần bị chôn vùi, nằm rải rác trên khắp làng quê, không người hương khói. Dần dần, địa phương tập kết, quy hoạch vào khu nghĩa địa tập trung của làng để con cháu đời sau tiện bề chăm sóc, nhang khói.
Trải bao biến thiên, những hoạt động mang tính chất cộng đồng diễn ra ở các ngôi làng La Qua, Nghĩa Tây, Hà Tân, Tiên Phú Tây… cần được bảo tồn, gìn giữ. Đó là biểu hiện ứng xử nhân văn với nguồn cội, trước bao thế hệ anh hùng lẫm liệt vị nước vong thân.
HOÀNG LIÊN